QĐND - Từng là một du kích mưu trí, gan dạ, dũng cảm cùng đồng đội đánh địch càn quét thời chống Mỹ, hòa bình, anh lại miệt mài với cuộc chiến chống giặc đói, giặc rét, “giặc” bão lụt trên quê hương. Anh là Thiếu tướng Đào Duy Minh, Chính ủy Quân khu 5…

Một thời đánh giặc

Năm 1965, quê hương Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) được giải phóng nhưng tranh chấp ác liệt giữa ta và địch vẫn còn. Mỹ-ngụy dùng máy ủi san phẳng làng, mạc, dồn dân, lập ấp, thiết lập vành đai trắng... Cụ Đào Văn Long, bố anh từ miền Bắc trở về quê hương chiến đấu cũng không hề biết đứa con trai yêu quý của mình đã thành đội viên du kích.

Thiếu tướng Đào Duy Minh ân cần thăm hỏi đồng bào dân tộc Cơ Tu ở xã La Ê , xã Đông Giang (Quảng Nam).

Năm 1969, du kích Đào Duy Minh chính thức nhập ngũ và được tổ chức cho ra Bắc học tập. Nhưng khi anh chưa kịp lên đường, thì mẹ anh, bà Lê Thị Lan, cán bộ Hội phụ nữ xã đã anh dũng hy sinh trong trận chống càn. Minh nhất quyết xin ở lại bám trụ, thường xuyên xuống núi về vùng địch tạm chiếm để tuyên truyền, giác ngộ thanh niên. Tháng 2-1971, anh về nhận nhiệm vụ tại Trung đội 17 độc lập (trực thuộc huyện đội) chiến đấu trên hướng tây Tư Nghĩa. Cuối năm 1971, sau khi tham gia lớp nghiệp vụ y tá trở về, anh vừa trực tiếp cầm súng đánh giặc, vừa cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh...

Anh ít nói về những năm tháng đánh giặc của mình. Thường khi nào vết thương tái phát, anh mới chỉ vào bắp chân mà đùa vui với sĩ quan tùy tùng và mấy cậu chiến sĩ: “Thằng địch quái ác thật, bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa chịu buông tha cho mình!”. Nghe vậy, cánh lính trẻ cứ năn nỉ đòi anh kể chuyện chiến đấu... Cuối năm 1972, trong trận đánh cầu xóm Xiếc (huyện Nghĩa Hành), giữa đêm đông giá rét, Chính trị viên phó Đào Duy Minh bị đạn găm vào chân nhưng vẫn cắn răng chịu đựng, anh sợ đồng đội biết sẽ nao núng tinh thần.

Trận truy kích địch vào đêm 23-3 trên quốc lộ 1, anh kể mà giọng nghèn nghẹn: “ Huỳnh bị đạn địch bắn xuyên qua ngực. Lúc ấy, tôi chỉ biết ôm chặt tấm thân đẫm máu của Huỳnh vào lòng: “Huỳnh ơi! Cố lên, quê hương sắp giải phóng rồi!”. Biết không thể nào qua khỏi, Huỳnh nói đứt quãng: “Minh ơi!... Mày ở lại... tao đi đây... Ngày giải phóng... nhớ ghé về... thăm mẹ tao ở quê nhà!...”. Dặn xong câu ấy, Huỳnh ra đi. Tôi vuốt mắt cho bạn mà lòng đau như muối xát...

Những ân tình sâu nặng

Gắn bó với chiến trường miền Trung-Tây Nguyên, anh hiểu rất rõ về mảnh đất này. Từ cảm nhận sâu sắc ấy, nên mỗi khi có tin bão vào địa bàn, anh cùng các thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu sâu sát chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện các mặt. Khi lũ tới, anh cùng các thủ trưởng Bộ tư lệnh nhanh chóng thống nhất phương án, rồi vội vàng choàng áo mưa đến các vùng trọng điểm...

Ở đâu gặp hoạn nạn, thiên tai, bão lũ là anh cùng chỉ huy điều lực lượng tới ngay. Quyết định chính xác, dứt khoát ấy thể hiện sự trải nghiệm trong ứng xử với những trường hợp đột xuất, khó lường của một người lính từng trải. Còn nhớ năm 2004, mưa lũ kéo dài, nhân dân huyện Trà Bồng thiếu đói, đích thân Đại tá Đào Duy Minh (thời điểm đó đang giữ chức Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi) cùng lực lượng cứu trợ dùng xe tải chở lương thực lên cứu đói cho bà con. Hôm ấy, mưa tầm tã, chiếc xe tải ì ạch bò tới địa phận xã Trà Phong thì bị tắc đường do núi lở. Không chậm trễ, anh chỉ đạo bộ đội cắt rừng vận chuyển gạo lên trực thăng để thả hàng cho dân. Trời mây mù, máy bay quần thảo mấy vòng vẫn không tìm thấy bãi đáp. Nhiều đồng chí tỏ vẻ lo lắng, nhưng anh vẫn bình tĩnh động viên mọi người: “Mỗi túi gạo, thùng mì, gói muối đối với dân lúc này là rất cần thiết, hãy cố gắng lên!”.

Vài ngày sau, anh lại cùng bộ đội ra tận xã Bình Minh (Bình Sơn) cứu đói. Người dân địa phương rất cảm động khi thấy một vị đại tá áo quần sũng nước, cùng bộ đội chèo xuồng cấp phát mì ăn liền cho đồng bào. Suốt cả ngày dầm mình trong lũ cứu đói cho dân, anh mệt bã cả người, bụng đói cồn cào. Được ổ bánh mì (khẩu phần ăn của mình) anh cũng dành cho trẻ em vùng lũ...

Tôi nhớ mãi hình ảnh vị Thiếu tướng quần xắn gối, chân dép lốp, đầu đội mũ cối cùng đoàn cán bộ về các vùng ngập lũ. Mới đây, anh lại lặn lội lên tận xã Nghĩa Sơn, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) thăm hỏi, tặng quà, hướng dẫn bà con dân tộc Re (những người một thời là cơ sở cách mạng) làm các thủ tục, hồ sơ gửi về Quân khu xét giải quyết chế độ, chính sách. Sớm mồ côi mẹ từ nhỏ, trưởng thành trong sự đùm bọc, chở che của đồng bào, nên ân tình của anh dành cho đồng bào rất sâu nặng.

Chuyện tình của anh và chị, Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Thị Tiếp bắt đầu từ chỗ chung cảnh ngộ mồ côi, họ nên duyên chồng vợ vào năm 1979. Cưới nhau chưa đầy hai tháng thì anh sang chiến trường Cam-pu-chia. Anh đi mãi, tới hơn hai năm sau mới về phép. Cuối năm 1981 thì con trai đầu lòng cất tiếng khóc chào đời. Anh đi, một mình chị ở quê nhà phải đối mặt cùng bao vất vả, khó nhọc với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Mãi tới đầu năm 1985, đơn vị mới bố trí cho chị Tiếp vào làm công nhân viên quốc phòng trong tỉnh đội. Còn nhớ trận lũ lớn nhất Quảng Ngãi năm 1989. Lũ về bất ngờ, nước dâng cao, chảy xiết. Chị đi làm vội vàng chạy về nhà thì nước đã ngập mái, con trai đã được bà con cứu giúp. Mẹ con ôm nhau, nước mắt lăn dài…

Bây giờ thì gia đình anh đã thành “gia đình quân nhân”, các con anh đều là bộ đội. Có lúc, hai bố con đều dự Đại hội chiến sĩ thi đua. Tuy đã giữ chức Chính ủy Quân khu nhưng giờ anh vẫn cảnh “chăn đơn, gối chiếc”. Nhà riêng ở tận Quảng Ngãi, vài tháng anh mới về. Nhớ có lần vào thăm, tôi nghe bà Tiếp trách yêu: “Anh ấy cứ đi biền biệt! Cả đời nặng gánh việc quân!”.

Bài và ảnh: Phan Tiến Dũng