Phụ nữ Sài Gòn xưa không khỏi khiến người ta xao xuyến bởi các gu thời trang hiện đại. Mặc dù bị chi phối bởi nhiều phong cách châu Âu, nhưng trang phục truyền thống áo dài vẫn chiếm ưu thế hơn cả. Những cô gái Sài Gòn trước đây trong tà áo dài mang đầy tính thanh lịch, khi kèm theo chiếc nón lá mang hình bóng quê hương. Những người đẹp cũng không kém phần kiêu sa, thời thượng khi kết hợp áo dài với các phụ kiện như: Vòng ngọc trai, khăn lụa, túi xách, kính mát, băng đô, đầu búi cao...
Áo dài xưa thiết kế cũng khác. Những năm 1960, áo dài chít eo thách thức quan điểm truyền thống, trở thành kiểu dáng thời thượng. Lúc này, chiếc áo nịt ngực tiện lợi đã được sử dụng rộng rãi. Phụ nữ thành thị với tư duy cởi mở, muốn tôn lên những đường cong cơ thể qua kiểu áo dài chít eo rất chặt để tôn ngực. Gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini lại trở nên thịnh hành trong giới nữ sinh vì sự thoải mái, tiện lợi của nó. Tà áo hẹp và ngắn đến gần đầu gối, áo rộng và không chít eo nhưng vẫn may theo đường cong cơ thể. Có lẽ vì thế mà người ta vẫn gọi áo dài là chiếc áo “vạn người mê”.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](http://file.qdnd.vn/data/images/14/2018/01/04/maihuong/2 2.jpg?w=500) |
Áo dài trên đường phố Sài Gòn xưa |
Từ đó, áo dài đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho thơ ca, nhạc, họa. Họ viết về Sài Gòn với nhiều áng thơ văn hay, đều không khỏi nhắc đến hình ảnh những cô thiếu nữ trong tà áo dài duyên dáng. Hay những điệu nhạc tung bay với tà áo dài để ca ngợi Sài Gòn, ca ngợi “hòn ngọc Viễn Đông” theo cảm xúc du dương, ngất ngây. Và thật không ngoa khi nói chiếc áo dài là chiếc áo “biến hình”, hay có “phép màu” để tôn lên vẻ đẹp riêng của mọi thân hình và “nữ tính hóa” của bất kỳ cô gái nào. Chẳng thế mà dù mập hay ốm, dù cô gái bình thường bị coi là “ngổ ngáo”, chỉ cần khoác lên mình tà áo dài sẽ làm cho thân hình của người phụ nữ trở nên mềm mại, dễ thương, đường nét, tươi đẹp như một bông hoa, là có thể khiến trái tim của đấng mày râu xao xuyến.
Tà áo dài trong tiềm thức về Sài Gòn xưa là vậy, còn Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh bây giờ thì ngày càng năng động theo nhịp sống hiện đại. Nét đẹp áo dài Sài Gòn xưa dường như dần khuất mờ. Và cũng như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tả: “Những cô gái áo dài quần lụa trắng vắng bóng dần, thay vào đó là những cánh nâu chật chội với những thân hình con gái vạm vỡ, lực lưỡng như những lực điền, đi đứng huỳnh huỵch” ... Sự thay đổi của lối sống theo thời gian khiến cho việc cách tân diễn ra như là quy luật tất yếu. Áo dài Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh hôm nay mang nét đẹp đồng điệu với áo dài các miền của đất nước. Tà áo được cách điệu nhiều, rộng dài chấm gót, đường eo mượt không còn thắt eo nhấn sâu. Tà còn được làm nhiều lớp bay bổng tựa chiếc váy đầm. Chất liệu cũng được đưa vào nhiều loại như ren, gấm, chiffon với dáng áo gần như bó sát phần trên cơ thể. Hàng cúc bấm, cúc cài bên cổ áo và mạn sườn cũng được cách tân bằng nhiều cách tiện dụng hơn xưa như là mở khóa kéo sau lưng.
Hơn thế nữa, áo dài còn theo chân mỹ nhân Việt đến các đấu trường sắc đẹp quốc tế để truyền tải những thông điệp đẹp đẽ nhất về văn hóa và con người Việt Nam với bạn bè năm châu. Những chiếc áo dài “chiến binh” tham gia những cuộc thi, được thiết kế cầu kỳ với nhiều kiểu dáng khác nhau. Áo dài không còn thuần túy chỉ một màu thanh lịch, mà còn là cái nền đen óng mượt, huyền ảo pha sắc đỏ, trắng, vàng, lóng lánh ánh bạc cùng những họa tiết thêu tay hình hoa sen, cánh bướm, chuồn chuồn in bóng dáng thôn quê. Nó đã chuyên chở trong đó vẻ đẹp duyên dáng, sang trọng của trang phục áo dài truyền thống dân tộc Việt. Và quả như ông Michael Gleisner, Giám đốc FTV châu Á, đã nhận xét: "Mỗi chiếc áo như một câu chuyện riêng, một câu chuyện kể xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành văn hóa Việt Nam, nó thể hiện được những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam".
Khác với quốc phục của những quốc gia khác, áo dài Việt được sử dụng phổ biến hơn trong đời sống hằng ngày của chị em phụ nữ. Áo dài đến trường, áo dài đi lễ Phật, áo dài rộn rã nơi lầu chuông bên giáo đường, áo dài vừa kín đáo lại vừa như thấp thoáng chào mời… áo dài có mặt ở những buổi tiệc, áo dài đón khách quý từ khắp nơi trên thế giới, áo dài trên sàn diễn thời trang quốc tế, áo dài vui mùa lễ hội, và áo dài tinh khôi trong ngày cưới của đôi lứa yêu nhau. Đặc biệt vào dịp Tết đến, Xuân về, đường phố Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh như rộn ràng, phấp phới hơn bởi những tà áo thân thương đó. Những cô gái thướt tha trên phố Xuân với chiếc áo dài nền nã ấy đã nâng bước chân mình thêm nhẹ nhàng, thanh thoát cho vóc dáng thon thả, yêu kiều, thêm quý phái, thanh tao. Áo dài dường như chở được gió, nên đã thừa sức xô giạt cả trời chiều, chao nghiêng nhiều đôi mắt, làm ngẩn ngơ những con đường nội thành trong một buổi chiều Xuân nhẹ nắng.
Gần đây, áo dài lại được quảng bá hơn nữa qua lăng kính của bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” mới trình làng của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Áo dài xưa được tái hiện lại một cách trọn vẹn và đầy mỹ cảm qua từng thước phim. Với nội dung mang đầy giá trị văn hóa, tất cả được lồng khéo léo trong câu chuyện giữa hai gia đình, giữa các bà mẹ và con cái của họ, giữa một nhà may và một tiệm bán vải với đầy đủ những “hỷ, nộ, ái, ố” kịch tính… Tái hiện lại trong ký ức khán giả một hình ảnh Sài Gòn xưa dịu dàng, thướt tha trong tà áo dài của những cô thanh nữ thập niên 60, 70 đầy chân thật, đối lập với sự vội vã của một thành phố năng động sẽ được diễn tả bằng thời trang. Tất cả đã thổi hồn cho sự tinh hoa của trang phục Việt Nam sống dậy mạnh mẽ hơn. Có thể thấy được rằng, sức ảnh hưởng của bộ phim tác động không nhỏ đến nhận thức của giới trẻ hiện nay về áo dài và làm sống dậy những hoài niệm của các bà, các cô về tà áo quê hương. Sau khi ra rạp, thông điệp của bộ phim đã truyền tải đầy đủ đến khán giả. Bởi vậy, ta không khó bắt gặp những cô gái mặc áo dài mang phong cách “Cô Ba Sài Gòn” ở chính trung tâm thành phố áo dài này.
Ngày nay, tuy những mẫu thiết kế của áo dài xưa không còn được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ, khi mà các kiểu áo dài cách tân đang dần lên ngôi. Thế nhưng, bằng cách nào đó, nét dung dị của những tà áo dài xưa vẫn vẹn nguyên cái hồn, cái sắc, mà chỉ cần ngắm nhìn thôi cũng đủ mang đến cho người ta nhiều cảm xúc. Bởi vậy nên áo dài trở thành hiện thân của dân tộc Việt, một vẻ đẹp mĩ miều nhưng đằm thắm, đặc trưng cho một quốc gia có người phụ nữ chịu thương chịu khó, luôn hy sinh, đứng phía sau để cổ động tinh thần cho nước nhà, cùng nhau hòa nhịp, phát triển và cũng sẵn sàng xung trận khi Tổ quốc lâm nguy.
Trải qua từng thời kỳ, từng giai đoạn, cùng với những diễn biến của quá trình lịch sử Việt Nam, tà áo dài luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi là tâm hồn Việt, văn hóa Việt, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt ngàn năm văn hiến. Và trong muôn vàn thứ lụa là gấm vóc lộng lẫy, chúng ta sẽ ngất ngây khi chiếc áo dài nhẹ bay giữa lòng thành phố vàng rực màu nắng phương Nam. Hạnh phúc cho ai đó được ngắm tà áo dài trong mùa xuân TP Hồ Chí Minh, rồi hòa vào lời ca, điệu nhạc tác phẩm “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Thanh Tùng:
Tà áo em, bay bay bay trong gió nhẹ nhàng/ Tà áo em, bay bay bay trên phố dịu dàng/ Áo bay trên đường như mây xuống phố/ Áo tung sân trường tựa cánh chim câu/ Đẹp xiết bao... quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi!...
LÊ CÚC