Triển lãm do nhà thiết kế Trịnh Thu Trang, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cùng nhóm S River tổ chức từ ngày 10-1 đến 25-1-2018 tại Nhà sách Cá Chép, 115 Nguyễn Thái Học, TP Hà Nội còn có những sản phẩm mới lấy cảm hứng từ họa tiết, màu sắc của dòng tranh này.

Đã một thời, các bộ tranh “Tứ bình”, “Tố nữ”, “Chim công”, “Cá chép trông trăng”, “Tam đa”,“Ngũ hổ”,… như là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Hà Nội trong dịp Tết đến, Xuân về. Tranh dân gian Hàng Trống là một trong những dòng tranh độc đáo, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ và tín ngưỡng của người kinh kỳ xưa. Tuy nhiên, sản phẩm này hiện đang lùi dần về quá khứ và có nguy cơ mai một. “Từ sự yêu thích nét đẹp dân gian của tranh Hàng Trống và mong muốn lưu lại những giá trị truyền thống văn hóa của người Hà Nội xưa đã thôi thúc tôi và nhóm S River sưu tầm, nghiên cứu, sáng tạo nên nhiều sản phẩm mới lấy cảm hứng từ màu sắc, họa tiết của dòng tranh này. Đó cũng là lý do chúng tôi lấy chủ đề triển lãm tranh là “Những điều xưa cũ mới mẻ”-Trịnh Thu Trang cho biết.

leftcenterrightdel
Sản phẩm giả định “Đôi giày vàng” do nhóm S River thiết kế

Đến triển lãm tranh Hàng Trống, người xem được chiêm ngưỡng nhiều bức tranh tiêu biểu về các đề tài: Tranh Tết, tranh thờ, tranh thế sự và tranh truyện. Đây là những bức tranh được Trang sưu tầm và đặt hàng nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ từ năm 2013 đến nay. Ngoài ra còn có các bản vẽ quy trình sáng tạo họa tiết cổ, họa tiết sáng tạo ứng dụng trong các lĩnh vực thiết kế đương đại và một số sản phẩm của các thành viên trong nhóm S River có sử dụng họa tiết, màu sắc từ dòng tranh Hàng Trống. Chẳng hạn như hộp mứt Tết, nhóm thiết kế sử dụng họa tiết nụ hoa trong bức “Con nai” kết hợp với họa tiết mây và búp lá non trong bức “Hương chủ” của tranh Hàng Trống. Những họa tiết được lấy cảm hứng từ mùa xuân hoa lá đâm chồi nảy lộc để tạo nên một màu sắc, diện mạo mới cho hộp mứt Tết truyền thống. Còn với sản phẩm bánh gạo vị Việt, nhóm thiết kế sử dụng những họa tiết và màu sắc tươi vui của một vụ mùa rộn ràng trong bức “Canh nông vi bản” của tranh Hàng Trống đưa lên bao bì sản phẩm để giới thiệu giá trị văn hóa thuần Việt đến bạn bè quốc tế…

Lớn lên trong một gia đình sống lâu đời ở phố cổ Hà Nội nên dường như văn hóa chơi tranh của người Hà thành đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của Thu Trang. Được nghe ông bà, bố mẹ kể nhiều đến phong tục treo tranh dân gian ngày Tết nhưng cũng phải đến năm 2013 Thu Trang mới được tiếp cận tranh Hàng Trống. Nhà thiết kế trẻ đã mê mẩn bộ tranh “Tố nữ” bởi ý nghĩa sâu xa của nó: Không chỉ ca ngợi vẻ đẹp thanh cao của nghệ thuật âm nhạc trong hình tượng bốn cô gái đẹp (cô gái thổi sáo, cô gái điểm phách, cô gái múa quạt, cô gái chơi đàn nguyệt), bộ tranh còn có những thông điệp khác. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phan Ngọc Khuê, bộ “Tố nữ” xuất phát từ tục thờ cúng của người Việt như: Hát chèo, hát cửa đình để dâng những âm thanh đẹp đẽ lên thần thánh. Còn theo một số người khác thì bộ tranh này như là lời chúc Tết của các nghệ nhân muốn gửi tới mọi nhà một năm mới tràn đầy “tiếng vui”… Đặc biệt, Thu Trang thích cách phối màu rất hiện đại, có tính tương phản mạnh của tranh Hàng Trống như vậy rất phù hợp với thời điểm hiện tại, khi cá tính của con người ngày càng nổi trội. Từ đó, chị bắt đầu dành dụm tiền để sưu tầm tranh, đặt nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống. Năm 2017, Trang quyết định thành lập nhóm S River quy tụ các thành viên trẻ cùng niềm đam mê để nghiên cứu, biên soạn cuốn sách “Họa sắc Việt” với hy vọng sẽ xây dựng bộ sách nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết, màu sắc dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại.

Đến xem triển lãm, Phạm Hà My (18 tuổi, ở Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) bày tỏ: “Em rất thích tranh Hàng Trống nhưng lâu nay ít khi được xem tranh trực tiếp. Đến đây, em rất ấn tượng với bộ tranh Tết bởi màu sắc tươi sáng, chủ yếu là màu đỏ và màu vàng rất bắt mắt, hợp với không khí vui vẻ ngày Tết”. Còn theo PGS Nguyễn Xuân Thành, nhà điêu khắc, giảng viên cao cấp Trường Đại Mỹ thuật Việt Nam thì: "Tranh Hàng Trống là một dòng tranh quý đã đi sâu vào lòng dân Hà Nội và các vùng quê lân cận. Dòng tranh này từng gắn bó với tuổi thơ chúng tôi cách đây 60 năm. Việc các bạn trẻ có ý tưởng bảo lưu dòng tranh thật là tuyệt vời. Nếu không có những người như các bạn sưu tầm và gìn giữ, giới thiệu thì dòng tranh này sẽ bị mai một hoặc mất đi. Đáng quý hơn, các bạn trẻ còn ứng dụng thành nguyên liệu sáng tác mới cho nghệ thuật đương đại. Đây là một hướng đi tốt nên phát huy để bảo tồn tranh dân gian của người Việt".

Tình yêu nghệ thuật và sự tâm huyết của các nhà thiết kế trẻ đã thực sự mang đến cho người xem cách tiếp cận gần gũi hơn với tranh dân gian Hàng Trống. Còn những sản phẩm đồ họa lấy cảm hứng từ tranh cũng gợi mở những tiềm năng ứng dụng mới của dòng tranh độc đáo này trong cuộc sống hiện đại. Hy vọng sự hưởng ứng của cộng đồng sẽ góp phần bảo tồn hiệu quả giá trị dòng tranh cổ truyền của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Bài và ảnh: MINH THÀNH