Đến phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), chúng tôi không khó để hỏi thăm nhà NNƯT Ngô Văn Đảm. Trong căn phòng nhỏ chừng 15m2 đã nhuốm màu thời gian, NNƯT Ngô Văn Đảm đang say sưa soạn lời bài ca trù mới để phục vụ cho việc giảng dạy tại Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam (thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam)-nơi ông đang giữ cương vị Trưởng ban Nghiên cứu. Khi tôi ngỏ lời muốn nghe nhạc cụ, không một chút do dự, NNƯT Ngô Văn Đảm lần lượt chơi đàn bầu, đàn đáy, đàn nhị, đàn nguyệt với trình độ kỹ thuật điêu luyện. Lắng nghe tiếng đàn sâu lắng, tha thiết, tôi cảm nhận tình yêu của nghệ nhân Đảm dành cho nghệ thuật dân gian thật đáng khâm phục.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Ưu tú Ngô Văn Đảm.

Trong làng văn nghệ dân gian Việt Nam, NNƯT Ngô Văn Đảm được biết đến là người có kiến thức cao sâu về nghệ thuật chèo, xẩm, quan họ, chầu văn và đặc biệt là ca trù-loại hình đã mang đến cho ông danh hiệu NNƯT. Sinh ra tại vùng quê có truyền thống văn nghệ thuộc xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, ngay từ khi lên 8 tuổi, cậu bé Đảm đã được làm quen với loại hình ca trù. Sau đó, việc được theo học các nghệ nhân nổi tiếng của quê lúa như cụ kép Lạn, trùm Thịnh, Xuân Kiều, Minh Lý... càng giúp tài nghệ ca trù của Ngô Văn Đảm được nâng cao. Khi trưởng thành, ông lên Hà Nội và được lĩnh hội kiến thức từ các nghệ nhân Quách Thị Hồ, Chu Văn Du, Cẩm Hương, Ngô Linh Ngọc, Thanh Trúc, Nguyễn Văn Khuê... giúp tài năng của nghệ nhân Đảm được vươn tầm.

Suốt hơn 80 năm biểu diễn và nghiên cứu ca trù, NNƯT Ngô Văn Đảm cho rằng, cái khó của thực hành ca trù là làm sao đưa được ca trù cổ truyền xưa ứng dụng vào xã hội đương đại. Ngoài ra, việc truyền dạy ca trù cần phải có chương trình giáo án bổ sung vào cách dạy truyền thống. Người truyền dạy phải có được ý thức: Tài giỏi thì không giấu nghề, chưa hiểu thấu đáo thì không khoe khoang, giấu dốt. Nghệ nhân 92 tuổi quan niệm: “Dù ai đàn hát kiểu gì cũng phải bảo đảm âm hưởng ngôn ngữ Việt thể hiện bằng năm dấu của chữ Quốc ngữ. Ca hát phải tròn vành rõ chữ, ngân rung rõ ràng, mạch lạc theo giọng, theo lời”...

Một trong những đóng góp tiêu biểu của NNƯT Ngô Văn Đảm là việc ông đã thành lập Câu lạc bộ UNESCO ca nhạc truyền thống Hà Nội từ năm 2000, trong đó nổi bật có Nhóm ca trù Vân Mai. Ông đã cùng nhóm đánh trống chầu, chơi đàn phục vụ trong nhiều lễ hội lớn. Bản thân nghệ nhân Đảm đã tham dự nhiều nhạc hội ca trù toàn quốc, trong khu vực và ở Hà Nội. Năm 2006, ông được tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc tại Hội diễn ca trù toàn quốc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 2014, nhóm ca trù 3 nghệ nhân gồm: Đào Kiều Oanh (ca), Phạm Hùng Cường (kép đàn), Ngô Văn Đảm (trống chầu) tham dự liên hoan ca trù do Viện Âm nhạc-Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và giành giải đặc biệt với bài ca trù cổ “Non mai hồng hạnh”. Cuối năm 2019, NNƯT Ngô Văn Đảm đã được tặng Giấy khen trình diễn xuất sắc tại Liên hoan ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh...

Không chỉ được đông đảo công chúng đón nhận, tài năng của NNƯT Ngô Văn Đảm còn được những người trong nghề nể phục. Nhạc sĩ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam đánh giá: “NNƯT Ngô Văn Đảm đã truyền dạy được nhiều học viên trưởng thành, nhất là trong lĩnh vực ca trù. Ông rất say mê với công việc, nhiều lĩnh vực thực hiện mang lại kết quả thiết thực. Nghệ nhân Đảm cũng đã cung cấp cho trung tâm rất nhiều tư liệu về các loại dân ca xưa nay. Bởi vậy, chúng tôi thường gọi ông là “kho tư liệu sống” của âm nhạc dân tộc”.

Ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng trí nhớ của NNƯT Ngô Văn Đảm vẫn rất mẫn tiệp, kiến thức và trình độ về nghệ thuật dân gian mà đặc biệt là ca trù rất cao sâu. Càng bất ngờ hơn khi được biết, bình thường lão nghệ nhân này vẫn đi xe buýt đến biểu diễn tại các điểm tại Hà Nội, hoặc ngồi ô tô theo đoàn đi các tỉnh. Ở tuổi 92, cây “đại thụ” ca trù Ngô Văn Đảm vẫn xanh tốt.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG