Trong đám tang người thân ở một xã thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội mới đây, chúng tôi chứng kiến từ đầu đến cuối tiết mục chèo đò do hai người trong đội nhạc hiếu thực hiện. Tiết mục này diễn ra vào khoảng 21 giờ, khi đã hết khách viếng. Đầu tiên là người chèo đò cùng con cháu xếp hàng đi rất nhiều vòng quanh áo quan của người quá cố. Vừa khua mái chèo, người chèo đò vừa hát, cứ một vòng như vậy, con cháu lại thả tiền lẻ vào mâm lễ do người chèo đò bày ra, sau đó dừng lại, người chèo đò hát, múa, đọc thơ, diễn đủ các trò và không quên gọi tên các con cháu của người quá cố biếu tiền để cụ đi đò. Thỉnh thoảng, họ không quên kiểm tra tiền trên mâm lễ. “Toàn tiền lẻ bằng giấy 1.000, 2.000 đồng như thế này thì đò dễ chìm lắm, phải cho cụ tờ polymer thì đò mới nổi, mới qua sông nhanh được…”, người chèo đò nói thẳng một cách hài hước trước tất cả con cháu. Tiếp đến, họ lại đọc tên từng người con lên biếu tiền để mẹ mua dép, mua quần áo, mua mũ nón; cháu A., cháu B. biếu tiền mua phở, nước uống đi đường cho bà. Rồi bà cứ mạnh dạn leo núi, nếu trượt chân ngã thì bảo cháu C. mua mật gấu để bôi… Cứ như thế, hai “diễn viên” của tiết mục chèo đò gọi hết con cái, dâu rể, cháu chắt của người đã khuất biếu tiền để cụ qua sông, qua đò. Và họ đã biến không khí đau buồn trong tang gia thành nơi diễn hài khiến con cháu đôi lúc cũng phải bật cười.

Theo một số người cao tuổi kể lại thì rất nhiều đám tang trên địa bàn này đều diễn ra tục chèo đò cuối ngày như một nghi lễ để đưa tiễn linh hồn người đã khuất. Lợi dụng nghi thức đó, một số người chèo đò đã kiếm được không ít tiền của con cháu và người thân tang gia. Không dừng lại ở đó, ngày hôm sau, tục chèo đò tiếp tục lặp lại một lần nữa ngay trên đường đưa tang. Lần này người chèo đò đặt chiếc mũ trước xe tang, vừa hát vừa dẫn con cháu đi vòng quanh xe tang nhiều vòng. Con cháu lại phải lần lượt thả tiền vào mũ để cụ được thượng lộ bình an về thế giới bên kia. Tục chèo đò xong, người lái đò nhanh chóng cho số tiền vừa thu được vào túi của mình, rồi nở một nụ cười mãn nguyện.

“Chèo đò” như thế thì rõ là hủ tục! Trong khi người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn Thủ đô đang thực hiện tốt việc tang văn minh theo Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng như Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội của UBND thành phố thì ở một vài miền quê, việc tang vẫn còn diễn ra những hình ảnh chưa đẹp. Thiết nghĩ, chính quyền cũng như các cơ quan, đoàn thể địa phương cần phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để mọi người dân Thủ đô thành thị cũng như nông thôn đều có ý thức thực hiện việc tang sao cho văn minh, tiết kiệm, phù hợp với văn hóa truyền thống dân tộc, không để kẻ xấu lợi dụng trong lúc tang gia bối rối.

MINH THÀNH