Con trai chị từ trong nhà đi ra, nhăn nhó nói: “Đánh giặc mà lại ở yên trong nhà? Cuộc chiến này thật lạ đời”.

Ông bố chồng là cựu chiến binh, nghe con dâu và cháu nội nói chuyện đành góp lời: “Chính phủ kêu gọi toàn dân “cách ly xã hội” cũng giống như ngày xưa Cụ Hồ kêu gọi toàn dân “tiêu thổ kháng chiến” đấy. “Tiêu thổ kháng chiến” thì giặc Pháp không cướp được cái ăn, bây giờ “giãn cách xã hội” thì con Corona nó không còn đường sống. Ngẫm ra, cách chống dịch bằng biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập dịch, rồi ‘’giãn cách xã hội’’ giống như ngày xưa bộ đội mình đào hào đánh trận Điện Biên Phủ con ạ! Thế nhưng, sáng nay báo chí đưa tin người dân Thủ đô vẫn ra đường đông, có người không chịu đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, công viên đóng cửa còn leo bờ rào vào tập thể dục...”.

“Thì người ta có việc phải đi. Với lại người ta cũng phải tập thể dục giữ sức khỏe chứ ông?”. Thằng cháu lý lẽ. Ông thủng thẳng: “Thì đấy, cứ sống cho thỏa thích mới có chuyện một người đi khắp nơi, cuối cùng mắc bệnh rồi lây bệnh cho nhiều người khác, khiến cả làng phải cách ly rồi đó... Mỗi người dân là một chiến sĩ chống giặc Covid-19 mà chủ quan thế thì chống làm sao được dịch nhỉ? Cả thế giới hàng triệu người mắc bệnh, hàng chục nghìn người chết vì bệnh này rồi. Bác sĩ, bệnh nhân những nước có dịch hoành hành đều đã kêu than, vật nài cả chính phủ và người dân nước họ quyết liệt chống dịch. Nhà nước đã kêu gọi toàn dân ở nhà chống dịch, đã đóng cửa hàng ăn, quán nhậu, khu vui chơi mà vẫn có nhiều người không tuân thủ. Không biết sợ cho mình là một nhẽ, lại cũng không lo cho sức khỏe của cộng đồng”.

Đã mấy tuần nay, cựu chiến binh già này không được gặp đồng đội trong khu phố. Không được thong dong ngồi chơi cờ ở quán nước dưới sân như thường lệ. Như những người dân khác, ông buồn. Nhưng ông hiểu, không riêng gì ông, con cháu ông và hàng xóm láng giềng đều đang trong tâm trạng như vậy. Cũng bởi cuộc chiến chống dịch Covid-19 là cuộc chiến toàn dân phải tự giác tham gia mới giành được thắng lợi. Ông phải ở nhà thôi!

HÀ KIM ANH