Thay đổi, trưởng thành cùng sách
Vốn tính tình khó gần, lại bướng bỉnh, Lê Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10, TP Hồ Chí Minh ít quan tâm đến lời góp ý, khuyên bảo của người khác. Tuy vậy, Vân Anh đã thay đổi khi đọc quyển sách “Hạt giống tâm hồn-Cho lòng dũng cảm và tình yêu cuộc sống” do giáo viên chủ nhiệm tặng. Vân Anh bộc bạch: “Những tấm gương học sinh khuyết tật vươn lên trong học tập, những điển hình về mảnh đời bất hạnh nhưng không bao giờ từ bỏ ước mơ, nghị lực trong cuộc sống đã giúp em thay đổi suy nghĩ, sống bao dung hơn, biết giúp đỡ và chia sẻ với mọi người, biết nhận lỗi và nghe lời cha mẹ, thầy cô...”. 
Còn với Nguyễn Dương Khánh Ngọc, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11, điều em tâm đắc nhất khi đọc quyển sách “Hạt giống tâm hồn 1-Lắng nghe những điều giản dị” chính là câu nói “Hãy bỏ tất cả ưu phiền của bạn vào một chiếc túi lủng”. Từ đó, Khánh Ngọc luôn biết cách trút bỏ những suy nghĩ tiêu cực và thường xuyên chia sẻ với bạn bè về tinh thần ấy...
leftcenterrightdel
Giáo viên và học sinh cùng đọc sách là một giải pháp hiệu quả để xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh.
Trò chuyện với nhiều học sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về đọc sách, phần lớn suy nghĩ của các em là thói quen đọc sách sẽ giúp các em có được kiến thức để học tập tốt hơn, kỹ năng giao tiếp tốt, làm chủ cảm xúc, tạo thói quen sống tốt, khơi gợi lòng vị tha và ứng xử phù hợp... Một số trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức các buổi mạn đàm, bình sách giúp học sinh cùng nhau giới thiệu, chia sẻ những tác phẩm hay và thú vị. 
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 3, cô Đỗ Hoàng Mai (Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 11) cho biết, lứa tuổi từ 3 đến 9 tuổi là thời điểm tốt nhất để thói quen đọc sách được hình thành, đón nhận những nhân cách chuẩn mực từ lời kể chuyện của cha mẹ hoặc từ trang sách của thầy cô hướng dẫn. Sách chính là “liều thuốc” bổ trợ hiệu quả mà thầy cô, cha mẹ sử dụng thường xuyên sẽ có tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách học sinh. Các câu chuyện mang tính giáo dục giúp các em được bổ sung một cách tự nhiên về những bài học cuộc sống để ngày càng hoàn thiện bản thân với suy nghĩ tích cực, ứng xử đúng mực, nhân văn. Đó là tác dụng tự giáo dục của sách đối với nhân cách, tâm hồn học sinh.
Tạo môi trường, niềm say mê cho học sinh
Phong trào đọc sách của học sinh tại TP Hồ Chí Minh có bước phát triển tốt nhưng nhìn chung, để nâng cao chất lượng, lan tỏa ý nghĩa mạnh mẽ của văn hóa đọc trong giới trẻ thành phố thì cần nhiều giải pháp tích cực hơn. Để có thể hình thành và phát triển thói quen đọc cho học sinh, cần đặt yếu tố thói quen đọc gắn với yếu tố nhu cầu, hứng thú đọc, kỹ năng đọc, thái độ ứng xử với tài liệu. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo và Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã ký kết nhiều chương trình liên tịch với các đơn vị, nhà xuất bản nhằm đẩy mạnh các giải pháp xây dựng thói quen đọc sách tác động tích cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Bên cạnh đó là các hoạt động: Ngày hội Sách thiếu nhi, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng xây dựng đọc sách, thư viện năng động-sáng tạo… tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ thúc đẩy văn hóa đọc trong học sinh thành phố.
Đề cập vai trò của nhà trường, cô Trần Thị Ánh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản ở quận 10 nhìn nhận, để sách thực sự trở thành người thầy, người bạn của học sinh, đòi hỏi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thư viện trường phải quan tâm nhiều hơn đến việc tìm ra các biện pháp giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách. Ở nhà trường, chương trình giáo dục cần định thời gian cụ thể để học sinh được đọc sách. Một không gian cho học sinh được chọn sách yêu thích là điều chủ yếu trong tiến trình giúp các em phát triển thói quen và niềm yêu thích đọc sách. 
Việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường giúp học sinh hình thành những phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm, năng lực về tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo… Ngành giáo dục và đào tạo thành phố cần nghiên cứu xây dựng tiết đọc sách trong khung giờ chính thức của nhà trường, để hình thành và duy trì thói quen đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc trong gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG