Phản ảnh của khách hàng
Đầu tháng 10-2016, Viettel Post tiếp nhận phản ảnh của khách hàng Trịnh Thị Hương (Hà Nội) về việc một đơn hàng không được chuyển tới tay người nhận theo đúng thời gian cam kết. Qua tìm hiểu sự việc, Viettel Post phát hiện khách hàng đã gửi bưu phẩm qua ViettelS chứ không phải thông qua hệ thống của Viettel Post.
Tại buổi tiếp xúc khách hàng tại thời điểm đó, chị Hương cho biết, vì nhầm tưởng ViettelS là đơn vị chuyển phát quân đội Viettel Post nên chị đã đồng ý sử dụng dịch vụ. Do đó, khi thấy bưu phẩm chậm, chị đã gọi điện lên Viettel Post để yêu cầu kiểm tra và làm rõ. Sau sự nhầm lẫn này, chị Hương khẳng định sẽ không tiếp tục sử dụng dịch vụ của ViettelS trong thời gian tới. Bởi chị không tin tưởng vào sự trung thực của một doanh nghiệp chuyển phát có các hoạt động thông tin khiến khách hàng bị nhầm lẫn.
Trường hợp khách hàng Trịnh Thị Hương là một trong rất nhiều trường hợp khách hàng nhầm lẫn ViettelS là Viettel Post gọi về hệ thống chăm sóc khách hàng của Viettel Post. Trước sự việc này, Viettel Post cũng gửi các khuyến cáo tới khách hàng về website chính thức và duy nhất của doanh nghiệp là www.viettelpost.com.vn để kiểm tra lại thông tin hoặc gọi tới tổng đài 19008095 hoặc tới bưu cục Viettel Post gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Cùng đó, để bảo đảm khách hàng sử dụng đúng dịch vụ do Viettel Post cung cấp, Viettel Post đã tổ chức đội ngũ nhân viên kinh doanh, nhân viên giao nhận phát thông báo khuyến cáo khách hàng về trường hợp của các website giả mạo và cung cấp đến khách hàng đầy đủ thông tin liên quan đến dịch vụ chuyển phát của Viettel Post.
Doanh nghiệp “nhái” thương hiệu Viettel Post
Trước phản ảnh của nhiều khách hàng về việc thời gian gần đây xuất hiện một số các website tương tự hoặc sử dụng nội dung, thông tin, hình ảnh giống với website của Viettel Post, tổng công ty đã xác minh, thu thập thông tin và đã đưa ra nhận định chính thức về vụ việc này. Theo đó, Viettel Post khẳng định: www.viettelpost.com.vn là website chính thức duy nhất của doanh nghiệp và Viettel Post là đơn vị duy nhất trực thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cung cấp dịch vụ bưu chính, chuyển phát trên toàn quốc. Thương hiệu Viettel Post là thương hiệu đã được Viettel đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Viettel Post là đơn vị bưu chính duy nhất trong Viettel được phép sử dụng với tên thương hiệu là Viettel Post. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp sử dụng tên miền website, nhãn hiệu và tên gọi tương tự hoặc gần giống với Viettel Post, đưa ra các nội dung, thông tin, hình ảnh gây nhầm lẫn cho khách hàng về dịch vụ mà Viettel Post cung cấp, cụ thể là Công ty TNHH Vận chuyển ViettelS Việt Nam và một số website “nhái” thương hiệu Viettel Post như: chuyennhanhviettel.net; expressviettel.com; chuyenphatnhanhviettel.info; chuyenphatnhanhviettel.com…
Giao diện chính thức của website Viettel Post.
Ảnh những trang web "nhái" do khách hàng Viettel Post cung cấp ngày 8-11-2016.
Không chỉ sử dụng địa chỉ website gây nhầm lẫn cho khách hàng, Công ty TNHH Vận chuyển ViettelS Việt Nam đã sử dụng các thông tin, nội dung bài viết, hình ảnh xâm phạm đến thương hiệu của Viettel Post. Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng hình ảnh chụp xe Viettel Post, ảnh chụp nhân viên của Viettel Post để minh họa cho các bài viết; sử dụng hình ảnh của Viettel Post làm banner chính trên website. Thậm chí, nhãn hiệu đã đăng tải trên website của ViettelS là tương tự, gây nhầm lẫn cho khách hàng đối với nhãn hiệu của Viettel Post.
Tại địa chỉ: www.chuyennhanhviettel.net, trang chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, ViettelS đã sử dụng logo gần giống logo Viettel. Đặc biệt, website này đã sử dụng hình ảnh thỏ-nhân vật biểu tượng của Viettel Post làm banner chính.
Với việc sử dụng các thông tin, nội dung, hình ảnh khiến khách hàng nhầm lẫn với thương hiệu của Viettel Post, Công ty ViettelS đã khiến cho nhiều khách hàng nhầm lẫn rằng đây là website của Viettel Post và ViettelS là một đơn vị thành viên/đại lý của Viettel Post.
Dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ?
Theo tìm hiểu của Viettel Post, việc doanh nghiệp ViettelS sử dụng các hình ảnh giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn với hình ảnh quảng bá của Viettel Post trên giao diện website, xe thư báo, phong bì, logo đã có dấu hiệu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ theo khoản 1, Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ: “Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu được bảo hộ, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”.
Cũng theo khoản 2, Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ: “Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại”. Theo đó, ViettelS cũng đang sử dụng tên doanh nghiệp có chứa dấu hiệu “Viettels” để gây nhầm lẫn về nguồn gốc dịch vụ chuyển phát đối với khách hàng. Bên cạnh đó, với việc sử dụng dấu hiệu ViettelS trong tên miền: http://expressviettel.com; http://chuyenphatviettel.net để gây nhầm lẫn về nguồn gốc dịch vụ chuyển phát đối với khách hàng, phải chăng ViettelS bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh với Viettel Post theo Điều 130.1.d, Luật Sở hữu trí tuệ: “Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.
Hiện Viettel Post đã hoàn tất thủ tục khiếu nại tại Cục Quản lý cạnh tranh và đề nghị cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xác minh vụ việc và có quyết định xử lý, áp dụng chế tài theo quy định của pháp luật.
Vào năm 2014, Công ty TNHH Vận chuyển Viettels Việt Nam (ViettelS) sử dụng phiếu gửi tương tự của Viettel Post để giao dịch với khách hàng, gây ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Viettel Post. Thời điểm đó, Giám đốc ViettelS Đỗ Mạnh Dũng đã cam kết kể từ ngày 9-7-2014, đơn vị này sẽ tuyệt đối không sử dụng phiếu gửi và các nhãn hiệu hàng hóa, logo, thương hiệu, hình ảnh của Viettel Post vào hoạt động sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của Viettel Post cũng như Viettel. |
Theo Công ty Luật Encolaws, Công ty TNHH TM & DV Vận chuyển VIETTELS với mã số doanh nghiệp là 0106524388 đang thực hiện một số hành vi sau: 1. Sử dụng các hình ảnh giống hoặc tương tự gây nhầm lẫn với hình ảnh quảng bá của Viettel Post trên giao diện website, xe thư báo, phong bì, logo; 2. Sử dụng tên doanh nghiệp có chứa dấu hiệu “Viettels” để gây nhầm lẫn về nguồn gốc dịch vụ chuyển phát đối với khách hàng; 3. Sử dụng dấu hiệu “Viettels” trong tên miền: http://expressviettel.com; http://chuyenphatviettel.com; http://chuyenphatnhanhviettel.info để gây nhầm lẫn về nguồn gốc dịch vụ chuyển phát đối với khách hàng.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Encolaws đã đưa ra một số ý kiến căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ: 1. Các hành vi tại mục 1 có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu dựa trên căn cứ pháp lý sau: “Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu là hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu được bảo hộ, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ”; 2. Các hành vi tại mục 2 có thể bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại dựa trên căn cứ pháp lý sau: “Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại”; Các hành vi tại mục 3 có thể bị coi là xâm phạm quyền đối với tên miền dựa trên căn cứ pháp lý sau: “Các hành vi sau đây bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh: d) Đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng”.
|
ĐĂNG ANH