Họa sĩ Phú Lâm sinh sống ở phố Thuốc Bắc, một con phố lâu đời của Hà Nội. Trong tưởng tượng của cậu bé Lâm ngày ấy có rất nhiều điều kỳ diệu muốn khám phá, từ mỗi con đường, tên phố đều có ý nghĩa đặc trưng nào đó mà mọi người dễ nhận biết. Ngay từ nhỏ, bước chân của Lâm cứ tha thẩn mọi ngóc ngách phố phường như đi tìm điều bí mật xung quanh mình. Về nhà, cậu hí hoáy vẽ trên nền gạch những mái nhà cong cong, những con ngõ nhỏ uốn lượn đúng tâm hồn ngộ nghĩnh trẻ thơ. Để rồi hôm nay, những hình ảnh tuổi thơ lại hiện hữu trong những bức tranh sơn mài tuyệt đẹp này: Nào là dáng phố xưa; đâu đó tà áo mẹ đượm màu mưa nắng; đây góc sân nhỏ đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, hay đơn giản chỉ là chiếc lá vàng vương trên bậc thềm rêu phong cổ kính... Tất cả hình ảnh, màu sắc, đường nét cứ hòa quyện, lắng đọng làm nên một Hà Nội vừa xa xăm, vừa hiện hữu. Để rồi những tác phẩm ấy đã đưa tên tuổi Phú Lâm đến với công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.
    |
 |
Thuyền trên sông Hồng. Tranh của Nguyễn Trọng Hà |
Từng học dưới mái trường Chu Văn An danh tiếng, một ngôi trường nằm ven Hồ Tây thơ mộng, vào những thời khắc giao mùa, họa sĩ Nguyễn Trọng Hà như chạm tới miền ký ức thiêng liêng của mình. Bởi trong anh, Hà Nội mãi là màu xanh bất tận, những ngôi nhà ẩn hiện trong màn sương mỏng Hồ Tây, những tà áo dài thướt tha theo gió, những nụ cười tỏa nắng lưu giữ mãi ký ức đẹp tuổi học trò. Là người con của mảnh đất địa linh, không chỉ nổi tiếng bởi đặc sản sâm cầm từng được tiến vua mà phong cảnh nơi đây còn đẹp như bức tranh thủy mặc: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Có lẽ đó cũng là lý do mà họa sĩ gửi gắm cảm xúc của mình vào những bức tranh phong cảnh quê hương, những khoảng không gian rộng mở xa tít, đưa người xem cảm nhận trọn vẹn với cảm xúc của chính mình.
Đã từ lâu, những hình ảnh “cây cơm nguội vàng”, “cây bàng lá đỏ” nằm kề nhau giữa “phố xưa nhà cổ” với “mái ngói thâm nâu” dường như rất thân quen với người dân Thủ đô. Thêm chút màu “cốm xanh” của “bàn tay nhỏ” chắc chắn sẽ níu giữ bước chân bất cứ ai từng đến Hà Nội. Đây quả là bức tranh phố hoàn hảo nhất được “vẽ” bằng ngôn ngữ âm nhạc với đầy đủ không gian và thời gian. Điều đó càng khẳng định, thời khắc giao mùa từng chạm đến trái tim mỗi chúng ta, đối với người nghệ sĩ, đó là sự thăng hoa cảm xúc đến nao lòng.
    |
 |
Đền Ngọc Sơn. Tranh sơn mài của Phú Lâm |
Họa sĩ Bùi Trung Hà luôn dành trọn tình yêu cùng dòng sông như dải lụa mềm vắt qua Thủ đô. Hình ảnh cây cầu Long Biên soi bóng xuống sông Hồng như con rồng khổng lồ hướng về thành phố. Nhiều năm nay, hình thành thói quen, hay đúng hơn là nhu cầu rèn luyện, Bùi Trung Hà không chỉ đạp xe lên cây cầu để ngắm bình minh mà anh còn vòng xuống bãi giữa để ra sông bơi. Dù nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, người đàn ông 70 tuổi này vẫn đều đặn giữ nguyên nếp. Tết Nguyên đán vừa rồi, giữa thời tiết giá lạnh, mọi gia đình đang chuẩn bị sắp bữa cơm Tân niên thì anh đã ra sông tắm, kịp bắt được khoảnh khắc những tia nắng bình minh vừa lấp ló qua khung cầu Long Biên. Bức ảnh tuyệt đẹp và hiếm hoi như lời chúc đầu năm mới, mang đến sự may mắn và hanh thông cho một năm đầy hy vọng. Đến với triển lãm lần này, họa sĩ trình làng loạt tranh tĩnh vật hòa trong không gian thiên nhiên, mong muốn chuyển tải thông điệp cùng chung tay bảo vệ không gian xanh của Thủ đô yêu dấu.
Quá khứ không chỉ có màu hồng, đôi khi là khoảng tĩnh. Với họa sĩ Nguyễn Đức Sáng từng gắn bó với phố Khâm Thiên nhiều năm, anh có cách thể hiện độc đáo của mình. Với phương pháp cách điệu, mọi thứ luôn hoán đổi cho nhau. Tuy vẽ phố nhưng vẫn thể hiện được cảm xúc giống như con người, bởi bố cục khỏe khoắn, có nhịp điệu, màu sắc hài hòa, thể hiện tinh thần lạc quan như chính mảnh đất và con người Khâm Thiên. Ai đó từng nhận xét, lúc ngôn ngữ bất lực thì hình ảnh sẽ lên ngôi. Xem tranh Nguyễn Đức Sáng, ta có thể đứng hàng giờ đồng hồ để ngắm và cảm nhận sự tinh tế trong triết lý đó.
64 tác phẩm của 10 họa sĩ trong triển lãm lần này như những bông hoa đẹp trong vườn hoa nghệ thuật, trong đó, nhiều họa sĩ trưởng thành từ môi trường quân đội như: Bùi Trung Hà, Nguyễn Đức Sáng, Nguyễn Trọng Hà, Kiều Hải, Phùng Minh... Có thể nói, triển lãm “Giao mùa” đang được trưng bày tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội chính là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa gửi tới công chúng yêu nghệ thuật Thủ đô, đồng thời hướng về Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội.
HÀ CHUYÊN