leftcenterrightdel
Góc phố Hàng Chai (tác giả Thanh Thủy).

Một cách yêu Hà Nội

Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy, thành viên sáng lập “Ký họa Hà Nội” kể, giữa năm 2016, khi mới thành lập, nhóm chỉ gồm 4 thành viên là các kiến trúc sư ở Hà Nội có chung niềm đam mê với ký họa. Sau đó, nhóm có thêm các thành viên là sinh viên, chủ yếu là Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, rồi cả các bạn nhỏ tham gia... Cuối tuần, các thành viên thường tổ chức đi vẽ ở các khu phố Hà Nội. Đi vẽ đến đâu, nhóm có thêm người tham gia đến đó. Đến nay, nhóm “Ký họa Hà Nội” có khoảng 3.500 thành viên tham gia trên cộng đồng mạng xã hội. Mỗi buổi đi vẽ thực tế có 30-50 thành viên, có buổi lên tới 150 thành viên tham gia. Thành phần tham gia nhóm rất đa dạng, từ 5-6 tuổi đến 70 tuổi; từ học sinh, sinh viên, người lao động bình dân đến công nhân viên chức, doanh nhân; cả người học tập, làm việc trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật đến người chưa từng được học vẽ... Một điều thú vị là với sự hướng dẫn, chia sẻ nhiệt tình của các thành viên, nhiều người đến với nhóm khi chưa biết vẽ đã trở thành người biết vẽ, thậm chí vẽ đẹp. Nhiều phụ huynh cho con tham gia nhóm, qua các buổi đi vẽ cùng con, bỗng “phát hiện” ra mình cũng có năng khiếu và tham gia nhóm... Với nhiều người, sau một tuần làm việc bận rộn thì những buổi đi vẽ ký họa cuối tuần là hoạt động để thư giãn, cân bằng lại cuộc sống; với trẻ em, đó là hoạt động giúp các em tăng khả năng quan sát, phát triển năng khiếu và tăng thêm tình yêu, hiểu biết về Thủ đô Hà Nội.

leftcenterrightdel
Tập thể Bộ Xây dựng (tác giả Phạm Anh Quân).

Cùng với hoạt động vẽ, “Ký họa Hà Nội” còn tích cực tham gia cộng đồng ký họa thế giới, tham dự sự kiện hằng năm của Hội Ký họa châu Á tổ chức ở các nước và vùng lãnh thổ, như: Thái Lan, Đài Loan, Malaysia... Sau hai năm ra đời và hoạt động tích cực, giữa năm 2018, “Ký họa Hà Nội” được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức ký họa thế giới. Kiến trúc sư Trần Thị Thanh Thủy chia sẻ: “Chúng tôi giới thiệu những bức tranh tới cộng đồng những người yêu ký họa thế giới như một cách quảng bá vẻ đẹp hình ảnh đất nước đến với quốc tế. Và nhiều bạn quốc tế khi xem những bức tranh đã để lại những lời khen, thể hiện sự yêu thích Hà Nội, muốn đến Việt Nam. Cũng vì thế, Hà Nội được lựa chọn để trở thành nơi tổ chức sự kiện lớn của Hội Ký họa châu Á năm tới-Asia Sketchwalk Hanoi 2019”.

leftcenterrightdel
Ký ức về khu tập thể Quỳnh Mai (tác giả Nguyễn Duy Phúc).

Tôn vinh vẻ đẹp ngàn năm văn hiến

Tiếp nối thành công của năm 2017 với triển lãm và giới thiệu sách “Ký họa Hà Nội 2017”, cuối tháng 12 năm nay, nhóm “Ký họa Hà Nội” tổ chức triển lãm “Ký họa Hà Nội 2018” và cho ra mắt cuốn sách “Tập thể cũ Hà Nội-ký họa và hồi ức”. “Tập thể cũ Hà Nội-ký họa và hồi ức” là tập hợp 200 ký họa do các thành viên của “Ký họa Hà Nội” vẽ và 34 bài viết của 31 tác giả là những cư dân đã và đang sống ở các khu tập thể cũ Hà Nội. Các bức tranh, bài viết đã mang đến cho người đọc, người xem một không gian xưa của Hà Nội tưởng chừng đã rơi vào quên lãng trong đời sống hiện đại. Ở đó, họ thường phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt trong những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ...

leftcenterrightdel
Nhà 57B Hàng Bồ (tác giả Trần Thủy).

Thế nhưng, qua những bức tranh và các trang viết giản dị, xúc động, tất cả những khu tập thể ấy lại mọc lên, mọc lên trong một tinh thần khác và một ánh sáng khác khiến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách, đã nhận xét rằng: “Tôi đã ngắm mãi những bức tranh vẽ các chung cư thuở ấy. Đẹp lạ lùng. Ám ảnh lạ lùng. Và xúc động khôn nguôi. Ánh sáng của những chung cư bàng bạc và xa xôi. Ánh sáng vừa mơ hồ, vừa tinh khiết gọi ký ức tràn về nao lòng”. Qua các bức tranh, hình ảnh những khu tập thể Kim Liên, Phương Mai, Khương Thượng, Trung Tự, Giảng Võ, Thanh Xuân Bắc... với những ô cửa sổ nhỏ bé, những cánh cửa sơn vội, những ban công chất đủ thứ, những lồng sắt đan kín, những bức tường nham nhở, những căn phòng xấu xí, những cầu thang hẹp và tối, những khoảng sân chật chội… giờ đây hiện ra trước mắt bạn đọc, đẹp đến nao lòng. Các tác giả không phải muốn dựng lại một lần nữa những khó khăn, những thiếu thốn của họ trong những tòa nhà ấy mà họ dựng lên một đời sống tâm hồn với những kỷ niệm ấm áp và nhớ thương về nơi chốn gọi là “nhà” của mỗi con người...

leftcenterrightdel
Khu tập thể Bộ Năng lượng L2 Láng Hạ (tác giả Phạm Thanh Sơn).

Tập thể cũ Hà Nội chỉ là một trong số những chủ đề mà “Ký họa Hà Nội” thực hiện trong thời gian qua. Trong lòng Thủ đô, những công trình kiến trúc, dãy phố, ngôi nhà, những cột điện, hàng cây hay nếp sinh hoạt đời thường đang diễn ra hằng ngày đều mang những giá trị nhất định, tạo nên nét thi vị, đặc trưng riêng. “Ký họa Hà Nội” đã tập trung vẽ và ghi chép, tôn vinh các công trình kiến trúc, di sản của thành phố, những hoạt động của không gian đô thị Hà Nội. Hơn cả hoạt động chuyên môn dành cho các kiến trúc sư, họa sĩ, việc tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và kiến trúc của những công trình đô thị giúp đánh thức vẻ đẹp tiềm ẩn của Thủ đô, giúp người vẽ, người xem hiểu hơn, yêu Hà Nội hơn. Xa hơn, nhóm còn hướng đến mục tiêu xã hội là tạo kết nối cộng đồng và nâng cao ý thức cộng đồng về giá trị của đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội. Trước sự đổi thay từng ngày, từng giờ của nhịp sống hiện đại thì đây được đánh giá là một hoạt động mới, tích cực trong lĩnh vực sáng tạo mỹ thuật để ghi chép, lưu giữ, tôn vinh những hình ảnh thân quen, những nét đẹp vốn có của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

THU HÒA