Linh thiêng mảnh đất anh hùng

Bao giờ cũng vậy, đến với Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, du khách đều bắt đầu bằng việc thắp hương tưởng niệm ở Đền Bến Dược, tri ân các anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần. Những bước chân nhẹ nhàng, những gương mặt trầm mặc, có cả những giọt nước mắt lăn dài trên má, cùng tiếng nhạc bài “Hồn tử sĩ” càng làm cho khu đền thêm lồng lộng, uy nghiêm và linh thiêng. Trong làn khói hương phảng phất, du khách như thấy linh hồn của hơn 1.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 45.600 liệt sĩ đang hiển linh về.

Tọa lạc trên diện tích đất rộng 7ha, Đền Bến Dược giống một bông hoa tâm linh xòe nở ở nơi chiến trường ác liệt năm xưa. Bằng kiến trúc độc đáo theo phong cách cổ truyền của dân tộc với các hàng cột tròn, trên lợp ngói âm dương, cổng có hoa văn họa tiết, mái cong của những cổng đình làng nhưng được cách tân bởi những vật liệu mới, ngôi đền chứa đựng đầy đủ những nét văn hóa và đời sống của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Chính giữa đền thờ có tượng Bác Hồ uy nghi, xung quanh khắc ghi rất rõ tên tuổi và lý lịch của các anh hùng liệt sĩ mọi miền đất nước đã ngã xuống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng của địa phương. Bức tường ngoài đền thờ là 3 bức tranh gốm kỷ lục Việt Nam, thể hiện những giai đoạn lịch sử trong hơn 300 năm hình thành, đấu tranh, xây dựng và phát triển của Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn và TP Hồ Chí Minh sau này. Ngoài đền thờ có tháp 9 tầng, thể hiện khát vọng vươn lên những đỉnh cao trong tương lai, có hoa viên rộng thoáng như một công viên, có bức tượng thể hiện cho hồn thiêng sông núi...

leftcenterrightdel
Một dự án nhà ở tại huyện Củ Chi đang được hoàn thành. Ảnh: An Miên

Để du khách gần xa đến thăm viếng được thuận lợi, Ban quản lý di tích (thuộc Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) đã phải cố gắng rất nhiều. Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, chia sẻ: “Anh em chúng tôi phải thường xuyên trau dồi kiến thức lịch sử, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, giới thiệu cho khách tham quan, nhất là khách nước ngoài. Ngoài ra, công tác bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo các di tích cũng phải làm thường xuyên, tỉ mỉ. Việc khách tham quan có những cảm nhận tốt đẹp và yêu mến mảnh đất Củ Chi là món quà ý nghĩa nhất đối với những người quản lý, phục vụ ở khu di tích này”. 

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, quê ở xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bước ra khỏi Đền Bến Dược với những giọt nước mắt còn đọng trên bờ mi. Chị cảm xúc: “Thật may mắn cho gia đình tôi khi được đến tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng những ngày cuối tháng 7 này. Vào đền, tôi càng hiểu thêm sự hy sinh to lớn của đất nước, của dân tộc cho hòa bình, độc lập, tự do và thống nhất non sông”.

Không chỉ chị Hằng, mà hàng nghìn du khách đến đây đều có cảm xúc như vậy. Họ đều dành nhiều thời gian để tưởng niệm, chiêm ngưỡng và chụp ảnh lưu niệm ở ngôi đền. Anh Lê Tuấn Hà, ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, trầm trồ: “Đền Bến Dược rất xứng đáng là ngôi đền tưởng niệm lớn nhất Việt Nam. Đến đây, tôi thấy tâm hồn rất thư thái, an nhiên và thêm yêu quê hương đất nước mình”.

Tiếng vọng từ lòng đất

Gần trưa, tôi cảm thấy không có gì sung sướng và hạnh phúc hơn khi được đi dưới vòm lá của những bụi tre, bụi tầm vông trong Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Trên cao, trời đổ nắng dữ dội, vậy mà dưới mặt đất vẫn rợp bóng mát với những cơn gió nhè nhẹ thổi qua mặt người. Bước chân tôi nhẹ tênh, lâng lâng như đang được đi trên con đường làng ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Anh Lê Trọng Nhân, Chánh Văn phòng Khu di tích, nói: “Trong cảnh thanh bình như thế này, ai cũng có thể làm thơ, có thể hoài niệm về những ngày tháng tốt đẹp đã qua đi và khát vọng về một tương lai tươi sáng ở phía trước”. Tuy nhiên, tôi còn thấy một điều linh thiêng khác, đó là: Tiếng vọng từ lòng đất.

Trên quê hương Củ Chi, dưới lớp đất sâu ngay chân người đi là một công trình đánh giặc thần kỳ có một không hai trên thế giới. Các cụ già ở đây kể rằng, từ những ngày mở đất, người dân Củ Chi đã phải chống chọi với thiên tai, với áp bức bóc lột tàn bạo của các thế lực phong kiến và kẻ thù xâm lược, nên có tinh thần yêu nước, yêu xóm làng, giàu lòng nhân ái, biết đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cần cù, sáng tạo và đầy quả cảm. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Củ Chi đã có những du kích tay không bắt giặc.

leftcenterrightdel
Du khách trải nghiệm ở Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Tuấn Tú

Địa đạo Củ Chi được hình thành từ những năm 1946-1948 trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Những mét hầm ngầm đầu tiên dưới mặt đất đã trở thành chiến hào đánh Pháp. Từ đó, những căn hầm bí mật được nối với nhau, thông từ nhà này sang nhà kia, từ nơi này đến nơi khác, trở thành hệ thống liên hoàn 3 tầng dưới lòng đất để tránh bom đạn địch và là nơi ở, sinh hoạt, đánh giặc của du kích. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Củ Chi trở thành “cái gai” trong mắt địch. Kẻ thù đã dùng mọi âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, độc ác, sử dụng lực lượng đông, thiện chiến nhất và các loại vũ khí tối tân có sức hủy diệt lớn, hòng xóa sổ “vùng đất thánh” của cộng sản. Nhưng quân và dân Củ Chi chỉ với vũ khí đơn giản đã tạo thành vành đai “thép”, đánh tan mọi cuộc càn quét quy mô của địch. Bom đạn từ máy bay B-52, từ xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng của Mỹ-ngụy đều bất lực trước hệ thống địa đạo ngầm; hàng chục nghìn tên địch đã phải bỏ mạng trên mảnh đất này. Cây cối, làng mạc ở Củ Chi có thể bị tàn phá, nhưng ý chí kiên cường bám đất đánh giặc cho đến ngày toàn thắng của người dân Củ Chi thì không có gì hủy diệt nổi. Vì thế, nơi đây đã được mệnh danh là vùng “Đất thép thành đồng”.

Những năm tháng đánh giặc, biết bao nhiêu người con kiên trung của Củ Chi đã ngã xuống. Bước chân vào các đường hầm địa đạo, tôi như còn thấy dáng hình của những cô du kích, anh chiến sĩ nở nụ cười sau các trận đánh địch; hình dáng các chiến sĩ quân y đang chăm sóc thương binh, bệnh binh; của các anh chị nuôi quân đang chuẩn bị bữa ăn cho đồng đội... Dấu tích của một thời hoa lửa làm cho tâm hồn tôi rạo rực như chính mình đang được sống trong những năm tháng hào hùng nhất của dân tộc. Từ lòng đất Củ Chi luôn vọng ra tinh thần chiến đấu bất tử, ý chí kiên cường của một dân tộc anh hùng không bao giờ khuất phục trước kẻ thù xâm lược, sau đó là quyết tâm chiến thắng đói nghèo để xây dựng quê hương giàu đẹp. Ý chí ấy đã “truyền lửa” cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Cũng chính từ trong lòng đất, luôn vọng lên những đòi hỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ: Làm gì để chăm sóc tốt hơn các gia đình người có công? Phải làm gì để xây dựng và phát triển Củ Chi xứng với những hy sinh, mất mát của vùng “Đất thép thành đồng” này?   

Thành phố vệ tinh trong tương lai

Đã hơn 45 năm kể từ ngày miền Nam được giải phóng, vùng “Đất thép thành đồng” Củ Chi đã thay đổi rất nhiều. Một nơi đã phải chịu khoảng 240.000 tấn bom đạn mà có sức bật đến kinh ngạc. Ông Lê Thành An, ngụ xã Trung An (Củ Chi) nói rằng: “Củ Chi là huyện đầu tiên của TP Hồ Chí Minh được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đây là niềm tự hào lớn lao của người dân chúng tôi”.

leftcenterrightdel
Đền Bến Dược (Củ Chi) thu hút nhiều du khách. Ảnh: Thanh Tú.

Sau gần một nửa thế kỷ, người dân “Đất thép” đã biến nơi hoang tàn, chi chít hố bom đạn thành một vùng quê đáng sống và đang trên đà đô thị hóa rất nhanh. Đói nghèo được đẩy lùi, những ngôi nhà, những dãy phố mới khang trang, đẹp đẽ thi nhau mọc lên. Hệ thống trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại... đã tạo ra diện mạo ấn tượng cho vùng “Đất thép”. Đột phá hơn cả là những khu công nghiệp, những khu nông nghiệp công nghệ cao, với nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất hiện đại; các khu trồng rau sạch, trồng hoa lan, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, làm cho mô hình phát triển kinh tế của Củ Chi không chỉ là địa phương thuần nông, mà gắn liền với du lịch, dịch vụ và công nghiệp hóa.

Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, mục tiêu là phải xây dựng Củ Chi thành huyện văn hóa nông thôn mới giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình, trong đó tập trung phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển kinh tế du lịch ven sông Sài Gòn; đầu tư phát triển y tế, giáo dục.... Điều mừng hơn cả là TP Hồ Chí Minh đã có chủ trương xây dựng Củ Chi thành một đô thị vệ tinh hiện đại bậc nhất của cả nước, với diện tích 9.000ha, trước hết là xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các quận trung tâm, quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, khu thương mại và dân cư hiện đại, để Củ Chi trở thành một trung tâm kinh tế của thành phố trong tương lai gần.

Hiện nay, thị trường bất động sản ở Củ Chi rất sôi động. Đó là các dịch vụ cho thuê nhà xưởng, thuê nhà trọ ở các khu công nghiệp, thuê nhà mặt phố, ki-ốt để kinh doanh. Một thời gian ngắn thôi, khi đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài hoàn thành, thì hàng loạt cơ sở sản xuất, kinh doanh và phố xá sẽ phát triển theo. Khi ấy, Củ Chi sẽ chuyển mình nhanh chóng và trở thành một đô thị hiện đại, như hoa nở trên vùng “Đất thép”, đáp ứng sự mong mỏi của mọi người, đồng thời cũng đền đáp, tri ân những người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ghi chép của LÊ PHI HÙNG