    |
 |
Lễ rước kiệu trong Hội làng Quan Nhân. |
Làng Quan Nhân có đình Quan Nhân, nằm cạnh chùa Quan Nhân, trong một quần thể ao hồ rộng, ở một địa thế rất đẹp. Đình làng là di tích văn hóa và lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng. Trước đình có ao sen, mùa hạ, sen xanh phủ kín mặt hồ, hương sen thơm ngát cả một vùng. Giữa ao sen có một khoảnh sân để chơi cờ bỏi, cờ người và biểu diễn, liên hoan văn nghệ vào ngày lễ, hội hoặc dịp tết cổ truyền. Trong khuôn viên đình và quanh ao sen có nhiều cây cổ thụ như đa, si, xoài, nhãn, ngọc lan, lộc vừng và các cây ăn quả khác như bưởi, đào, dừa, dâu, cau, rồi những giàn trầu xanh mướt... Hai bên đình có hai cây mộc, một cây hoa màu trắng, một cây hoa màu vàng, thân to và mốc, không biết trồng tự bao giờ nhưng đến mùa hoa nở, đình làng càng như được tắm trong không khí trang nghiêm hơn. Quần thể đình gồm ngôi đình thờ Đức Thánh ông Hùng Lãng Công, một người có công đánh giặc ngoại xâm Nam Chiếu (thế kỷ thứ VIII) và Phủ Dục Đức thờ Đức Thánh bà Trương Mỵ Nương-người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đã có công trong sự nghiệp của chồng. Bà vốn quê ở đây. Bên kia ao là nhà Mộc Dục, đình Hội Xuân và văn chỉ. Người trông coi đình và văn chỉ thường được tuyển chọn khắt khe bởi trong quan niệm của người dân ở đây, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là vinh dự. Là một làng cổ thuộc Kẻ Mọc xưa vốn có truyền thống học hành, có nhiều người đỗ đạt nên cư dân chủ yếu vẫn là người gốc dù rằng trong quá trình đô thị hóa, người ở các vùng miền khác cũng nhập vào đây khá nhiều, song không nhiều như các nơi khác.
Hội làng Quan Nhân mở ra sau Tết Nguyên đán không lâu: Hội chính vào 3 ngày (mồng 9, mồng 10 và 11 tháng 2 âm lịch hằng năm). Cũng như các hội làng khác, hội có hai phần: Lễ và hội. Phần lễ là ngày mà các ban, các hội, các dòng họ đến đình và phủ dâng lễ; phần hội bao gồm lễ rước kiệu Đức Thánh ông và Đức Thánh bà, các trò chơi và chương trình biểu diễn văn nghệ. Hội làng Quan Nhân được bà con trong làng mong đợi không kém gì chờ Tết đến. Trước đó cả tuần, kiệu, ngựa, voi, trống, lọng cùng các đồ tế lễ khác được Ban Quản lý di tích đưa ra phân công người lau chùi, phơi phóng sạch sẽ. Sân đình ngập tràn sắc vàng, sắc đỏ. Đội múa lân với áo quần xanh đỏ, với tiếng trống rộn ràng như giục giã lòng người, đi quanh làng. Đội tế, các đội văn nghệ, các giai nam giai nữ... tranh thủ luyện tập cho thành thục. Cả làng náo nức chờ ngày hội đến. Đặc biệt là các dòng họ chuẩn bị lễ ra đình. Xôi, gà, hoa quả, bánh trái là những vật phẩm được chuẩn bị đẹp cả hình thức và nội dung. Đi lễ, phụ nữ mặc áo dài, nam giới phần đông mặc comple; mỗi dòng họ phải hàng chục người, đại diện cho từng gia đình. Quan trọng hơn đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho những lời cầu khấn nhằm tạ ơn Đức Thánh ông và Đức Thánh bà đã góp phần làm cho “Quốc thái dân an”, cầu mong cho con cháu trong mỗi gia đình luôn học hành giỏi giang, thành đạt, cho mọi người trong dòng tộc được khỏe mạnh an nhiên, làng xã thanh bình, đất nước phồn thịnh.
Làng Quan Nhân có nhiều dòng họ lớn như họ Nguyễn Đình, họ Lưu, họ Lê Sỹ, họ Lê Đình, họ Lê Trọng, họ Phạm, họ Đỗ, họ Trương-hậu duệ của Đức Thánh bà cùng nhiều dòng họ khác và dân nơi khác chuyển về. Văn chỉ làng là văn chỉ còn lại trong 5 làng Mọc. Nơi đây thờ Khổng Tử và bia thờ Tiến sĩ Văn chỉ làng mới sửa sang lại từ sau đổi mới như một sự ghi công những người làm rạng danh cho quê hương, đồng thời khuyến khích con cháu học hành. Trong Văn chỉ có ban thờ cụ Tiến sĩ Nguyễn Tuấn (1562-1638). Cho đến nay, cả làng có khoảng 30 tiến sĩ quê làng Mọc, chưa kể các danh nhân là dân ngụ cư.
5 năm một lần hội, nghĩa là 20 năm mới đến lượt làng mình đăng cai “Hội 5 làng Mọc”. Tuy nhiên hằng năm, làng Quan Nhân vẫn mở hội, như một nhu cầu tâm linh, một nhu cầu tinh thần đã thành máu thịt của người dân ở đây, cũng là một sự tập dượt để đến ngày làng đăng cai, lễ hội sẽ cho thấy được năng lực của làng trên nhiều phương diện, kể cả việc tổ chức điều hành. Sang năm 2020 sẽ đến lượt Quan Nhân đăng cai hội chính. Qua câu chuyện với bà con, được biết bà con đang mong chờ ngày vui đó đến. Chờ đợi trong tâm thức. Và chờ đợi trong cả sự chuẩn bị.
Hội làng Quan Nhân là hình thức sinh hoạt văn hóa của một cộng đồng nhỏ xét về mặt hành chính, nhưng trên thực tế nó đã vượt ra khỏi không gian hẹp của một làng. Hội làng Quan Nhân là một hội nhỏ, của chỉ riêng làng Quan Nhân nhưng khi làng vào hội, lễ rước Thánh có khi vào tận Phùng Khoang, Giáp Nhất... Ngày ấy, đình làng, ngõ xóm được chăng đèn, kết hoa, treo biểu ngữ, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Ban tổ chức được thành lập từ trước đó bao gồm Trưởng ban Quản lý Di tích và đại diện các ban, ngành đoàn thể trong làng. Dân làng tiến cử các ông bà Khởi chỉ - những người dân gốc còn cả vợ chồng, khỏe mạnh, kinh tế khá giả, con cái trưởng thành, hiếu đễ; tiến cử Tổng cờ và lựa chọn giai nam giai nữ, giai cờ tập lễ, tập kiệu, tập giải quân (cờ); đội trống bản, đội múa bồng, đội sênh tiền, tập múa, tập các nghi thức... Đến ngày chính hội, tưng bừng khách đổ về. Có nhiều người tò mò muốn biết trong cuộc sống hiện đại, khi mà làng lên phố, khi mà cuộc sống với các phương tiện nghe nhìn hiện đại đã trở thành phổ biến, khi mà giới trẻ đã quen với hip-hop, với rock, với dancing... thì lễ hội sẽ ra sao? Có nhiều người muốn đến tìm hiểu một hình ảnh của văn hóa dân gian trong đời sống hiện đại. Số đông người muốn được thưởng thức, hòa nhập vào đời sống tâm linh, vui niềm vui được trao truyền từ cha ông...
    |
 |
Khuôn viên đình-chùa làng Quan Nhân. Ảnh: HOÀNG MINH |
Trong những ngày lễ hội, sự kiện được chờ đón nhất là rước kiệu Thánh. Sáng 11-2 âm lịch, từ sáng sớm, người từ các ngõ đổ về đình làng. Các gia đình có nhà ở ven khu vực gần chùa, đình đều có bày hương vàng, hoa quả ra trước cửa nhà bái vọng. Hàng quán đóng cửa. Các cụ già bắc sẵn ghế tìm chỗ nào ở cửa nhà thuận lợi nhất để có thể xem mà không bị xô đẩy. Nhiều ông bố công kênh con lên vai. Người người chen chúc. Sân đình tràn ngập sắc đỏ, sắc vàng với những dáng vẻ bận rộn, háo hức... Sau mấy lời khai mạc là lễ rước bắt đầu. Dẫn đầu là đội múa lân, đội trống. Rồi voi, rồi ngựa, rồi lần lượt các đội được chuẩn bị từ trước, tham gia hành lễ... Có 4 kiệu: Một kiệu cho bát hương và một kiệu cho Đức Thánh ông gọi là Long Đình do giai nam khiêng cùng một kiệu cho bát hương và kiệu cho Đức Thánh bà gọi là kiệu Bát Cống do giai nữ khiêng...
Ngày hội, nhìn các cháu thanh niên thời nay vốn không quen với việc mang vác gánh gồng thay nhau khiêng những chiếc kiệu chắc là rất nặng chạy sang Giáp Nhất, Phùng Khoang... dễ chừng hàng cây số mới hiểu thêm sức mạnh của văn hóa tín ngưỡng. Thường thì Đức Thánh ông ngự ở trên đình, Đức Thánh bà ngự ở phủ. Sau khi rước kiệu về, tượng Đức Thánh bà được đưa lên đình. Ba hôm sau, ngày 14-2 âm lịch, tượng Đức Thánh bà mới được trả lại phủ. Đây là một nét độc đáo mang ý nghĩa nhân văn của lễ hội làng Quan Nhân.
Lễ hội 5 làng Mọc nói chung và lễ hội hằng năm của làng Quan Nhân nói riêng là một sự kiện văn hóa lành mạnh, đang dần được xã hội hóa. Lễ được tổ chức nhằm tôn vinh những người có công với nước, với làng xã, nhằm truyền đến các thế hệ tình yêu quê hương và gìn giữ các giá trị của làng. Thời gian trôi đi, thang giá trị có thể có những thay đổi, nhưng tin chắc Lễ hội làng Mọc Quan Nhân vẫn được duy trì, nâng cấp và phát triển những nhân tố mới với các giá trị mới.
PGS, TS TÔN PHƯƠNG LAN