“Làng Mai xưa có 7 cái giếng cổ”-bà Nguyễn Thị Hằng, một người con của làng hiện đang trú tại ngõ 169 phố Hoàng Mai, nhớ lại: “Theo lời ông nội tôi kể, từ đầu thế kỷ trước, những cái giếng làng này đã tồn tại và gánh trọng trách quan trọng, cung cấp nước ăn cho cư dân của các thôn. Giếng nào cũng có đường kính rất lớn, nằm trên diện tích đến hơn 300m2, trông như cái ao con, nước trong vắt và ngọt như nước mưa, xung quanh thành giếng xây tường gạch”. Thời thiếu nữ, anh chị em bà Hằng cùng những nam thanh nữ tú trong làng cứ chiều đến lại gánh đôi xô sắt ra giếng vừa lấy nước về cho gia đình vừa tranh thủ soi mình trên mặt nước, vuốt mái tóc dài đen bóng. Đặc biệt, năm nào cũng vậy, từ chiều ba mươi Tết đến sát giờ Giao thừa, dân làng thường tập trung đông đủ bên bờ giếng để gánh nước về đổ đầy bể nhà mình với ước mong năm mới đến làm ăn phát đạt, lộc tài tràn trề như nước. Giếng làng là hồn quê, là nơi trữ nước-tinh khí của đất trời, biểu tượng cho sự sinh sôi vững bền… là bởi thế.
    |
 |
Một giếng cổ ở Hoàng Mai đã được cải tạo. |
Năm 1985, nhà máy nước được xây dựng, đường nước được kéo về các thôn, xóm và đến từng gia đình. Giếng làng coi như hoàn thành sứ mệnh của mình. Khi làng cổ ven đô lên phố, lên phường, đất ruộng không còn nên chẳng ai gánh nước từ giếng để trồng rau, trồng màu nữa. 3 cái giếng cổ bị lấp dần để xây dựng công trình công cộng. 4 giếng còn lại thì bị bỏ hoang, một số người dân thiếu ý thức, vứt xuống đủ loại rác thải nên nước giếng bị ô nhiễm đến mức không loài cá nào sống nổi.
Ngày ngày đi trên đường làng, chứng kiến cảnh giếng cổ tiêu điều, trở thành nơi đổ rác thải, người dân trong làng đều xót xa và tiếc nuối. Tuy nhiên, thay vì than vãn và chờ đợi, bà con ở các khu dân cư cùng chi bộ, tổ dân phố, mặt trận và các đoàn thể đã bàn nhau, tìm mọi cách để cải tạo và khai thông mạch nước phong thủy của thôn. Đầu tiên là bà con ở khu dân cư số 6-nơi có giếng Tây và giếng Trung làm đơn gửi chính quyền xin được tu tạo lại giếng cổ bảo tồn di sản của cha ông. Sau đó lên kế hoạch di chuyển rác thải, vận động người dân tham gia cải tạo giếng bằng cả vật chất, ngày công và tinh thần.
Bỏ không gần 20 năm, rác thải lâu ngày đã đóng thành mảng dày nên việc di chuyển phế thải rất khó khăn. Để cải tạo giếng, tính sơ bộ, bà con cần đến hàng trăm triệu đồng-một khoản kinh phí không nhỏ. Nhưng rất mừng, đa phần nhân dân đều ủng hộ và tham gia đóng góp. Bà Nguyễn Thị Bích Hồng, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường cho biết: Một chiếc máy chuyên dụng được huy động để “phá” những mảng bùn rác lớn. Các máy bơm hút nước từ nhà dân lân cận cũng liên tục được đưa về để làm loãng bùn. Cứ như vậy, suốt nửa tháng nạo vét liên tục, rác bẩn mới được dọn sạch để chuẩn bị cho khâu tiếp theo là khơi thông dòng chảy, thả cá, trồng hoa… Đặc biệt, rút kinh nghiệm từ các địa phương khác, giếng cổ Hoàng Mai sau khi hồi sinh đã được lắp ngay máy lọc và vòi phun nước để vừa làm đẹp cho giếng, vừa có tác dụng lọc nước, lưu thông dòng chảy, tránh để rêu xanh phủ, gây ô nhiễm nguồn nước.
Sau hơn 4 tháng thi công ròng rã, giếng cổ đầu tiên của làng Hoàng Mai xưa được cải tạo và hồi sinh thành công với kinh phí hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa. Ngay sau đó, 3 giếng cổ còn lại tại khu 5, 6, 7 lần lượt được cải tạo với cách thức tương tự. Ý nghĩa hơn, ở tổ dân phố số 32, bên cạnh việc hồi sinh giếng cổ của khu dân cư, bà con cùng nhau cải tạo mảnh đất bỏ hoang gần 50 năm thành sân chơi cộng đồng. Bà Từ Thị Hạnh, Tổ trưởng tổ dân phố 32 kể lại: Do bị bỏ hoang nhiều năm nên mảnh đất rộng khoảng 500m2 đã trở thành bãi rác cao quá đầu người. Khi bãi rác này không còn đủ sức chứa, giếng cổ hơn 200 năm tuổi của làng Mai xưa nằm cách đó một con đường nhỏ cũng trở thành nơi đổ rác. Thật khó có thể tả hết được sự ô nhiễm của hai bãi rác lộ thiên mà từng ngày, từng giờ người dân quanh đó phải chịu đựng. Ai đi qua cũng đều phải… nín thở. Điểm nóng về môi trường của phường còn là nguồn cơn gây nên tình trạng dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết. Vì thế, vấn đề vệ sinh môi trường được giải quyết ổn thỏa, người dân rất vui mừng, phấn khởi.
Những làng cổ của mảnh đất Thăng Long xưa nay rất ít làng còn giữ lại được gần như nguyên vẹn giếng cổ. Thế nên, người dân làng Mai tự hào về những đóng góp nhỏ bé của mình. Giếng cổ giờ đây như một công viên thu nhỏ, nước đã trở lại trong như xưa, giữa giếng là đài phun nước, xung quanh là những mảng thủy trúc xanh rờn. Một số hộ dân xung quanh giếng cũng tự nguyện trồng thêm cây xanh để lấy bóng mát và những giàn hoa cảnh để tạo cảnh quan xanh và đẹp cho không gian chung. Không cần ai nhắc nhở, phân công, người dân trong làng cổ đã tự giác nhận trông coi giếng. Ở tổ 32 còn lập tổ giếng để nhận nhiệm vụ trông coi, làm vệ sinh và nhắc nhở mọi người cùng chung sức gìn giữ cho dòng nước của làng cổ luôn trong sạch.
Làng xưa giờ đã thành phố thị nhưng đi trên những con đường nhỏ quanh khu dân cư, nhìn ngắm hình ảnh cái giếng nhỏ thân quen, nhiều người cảm thấy cuộc sống thật thanh thản và bình yên như chưa từng phải tất bật ngược xuôi lo toan…
Bài và ảnh: MINH VÂN