Chính vì thế mà Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh được gọi là “Thành phố không ngủ”. Đáng lẽ thời gian này, thành phố (TP) phải là nơi hội tụ, là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, khi chuẩn bị kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bao giờ cũng thế, mỗi khi tháng Tư về, TP lại tràn ngập những cơn gió mát báo hiệu mùa hè đang đến. Đó là khung trời trong veo, với cảnh náo nhiệt trên đường phố và niềm tự hào trên gương mặt mỗi người. Ấy vậy mà bây giờ, phố phường như đang trong giấc mộng êm đềm, những con đường vắng hoe, những khu vui chơi giải trí, ăn uống trầm mặc đóng cửa. Đi trên đường phố, người ta có thể nghe được tiếng lá reo, tiếng đàn dương cầm từ một ngôi nhà tràn ngập nắng. Tôi bần thần, chơi vơi với hàng chữ đầy cảm xúc trước cửa một quán ăn: “Vì sức khỏe cộng đồng trong phòng, chống dịch Covid-19, quán xin tạm ngưng hoạt động. Hẹn gặp lại quý khách yêu”. Chỉ cần mấy dòng ấy thôi cũng đủ cho thấy quyết tâm của lãnh đạo và người dân TP trong việc đẩy lùi đại dịch lớn đến mức nào. Nó cũng làm cho phố xá, con người đất Sài thành thêm dễ thương gấp bội phần.

leftcenterrightdel
 Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện TP vắng vẻ trong những ngày chống dịch Covid-19. Ảnh: Hùng Khoa

Thời gian này, đến bất cứ khu phố, con hẻm hay một nhà dân nào, ta cũng cảm nhận được ý chí quyết tâm phòng, chống đại dịch của người dân TP. Ông Nguyễn Văn Phong, một cựu chiến binh của Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) khi tiến vào giải phóng Sài Gòn mùa xuân năm 1975, hiện ngụ tại đường Đoàn Văn Bơ, quận 4 chia sẻ: “Mình đã gắn bó với Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh tròn 45 năm, nhưng chưa bao giờ thấy tháng Tư lại tĩnh lặng đến thế. Nhưng sự tĩnh lặng ấy chỉ là cảnh vắng vẻ của phố phường, còn thực tế đây đang là một cuộc chiến thực sự-cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 ở giai đoạn quyết định”. Nói xong, ông Phong lấy hàng loạt ví dụ về các biện pháp, những nỗ lực của lãnh đạo và người dân nhằm đẩy lùi, tiến tới dập tắt dịch bệnh nguy hiểm này. Người cựu chiến binh đã gần 80 tuổi ví von: Nếu như trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ta có 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, thì trong chống dịch Covid-19, TP cũng có nhiều “cánh quân” thiện chiến. “Cánh quân” chủ lực là đội ngũ y sĩ, bác sĩ cùng các chiến sĩ quân đội, công an, an ninh hàng không, hải quan đang ngày đêm điều trị, giành lại sự sống cho những người bị nhiễm Covid-19 và làm công tác kiểm soát, phân loại, thực hiện quy định cách ly phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng. “Cánh quân” quan trọng là lực lượng tuyên truyền, vận động bao gồm: Các cơ quan truyền thông-báo chí, các tổ chức chính trị-xã hội. “Cánh quân” hỗ trợ đắc lực là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm… trong việc vận động, quyên góp kinh phí, vật chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. “Cánh quân” đông đảo nhất là toàn bộ người dân, cùng các du khách đang thực hiện tương đối tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nơi công cộng và nơi ở, cách ly, hỗ trợ chống dịch và thực hiện các quy định của lãnh đạo TP. Tất cả đang dồn sức, tập trung trí tuệ để chống dịch trong 14 ngày tới. Đây là một “trận đánh” vô cùng quan trọng.

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP đã bám trụ kiên cường vượt qua muôn vàn thử thách, hiểm nguy tại trung tâm sào huyệt của kẻ thù để đấu tranh. Sắt son vẹn nguyên với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Bác Hồ kính yêu, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã tiến hành cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận: Chính trị, quân sự và binh vận; lập nên những chiến công vang dội, để lại những kỳ tích, góp phần cùng cả nước lần lượt đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm tháng sau giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã vượt lên những khó khăn, thách thức, kiên trì học tập và làm theo những lời dạy của Bác, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, ổn định tình hình chính trị, trật tự xã hội. Nói như đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh là: “Lãnh đạo và nhân dân TP luôn bám sát thực tiễn, vận dụng những bài học kinh nghiệm trong các thời kỳ kháng chiến; chủ động sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thái độ cương quyết tìm cách tháo gỡ khó khăn đã tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP, từng bước có sự phát triển bền vững”. Chính điều này đã đưa TP Hồ Chí Minh trở thành một trong những trung tâm kinh tế-chính trị-văn hóa -xã hội lớn nhất của cả nước.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh ở quận 8. Ảnh: Lạc Tranh

Khi đại dịch Covid-19 tràn đến thì truyền thống đoàn kết, kiên cường cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thử thách lại được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh phát huy rất hiệu quả. Lãnh đạo TP đã chủ động chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng thực hiện hàng loạt biện pháp phòng, chống. Đó là xây dựng kịch bản, các phương án phòng, chống với gần 40 khu cách ly, nhiều bệnh viện điều trị; hướng dẫn các quận, huyện xác định những nhiệm vụ tại chỗ và phương án tại chỗ trong các tình huống dịch bệnh khác nhau; tăng cường kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam; tổ chức sàng lọc những người có nguy cơ nhiễm bệnh; thực hiện nghiêm việc theo dõi tình hình sức khỏe của người đang được giám sát tại các khu cách ly tập trung, nơi cư trú, lưu trú, khách sạn; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, dung dịch rửa tay kháng khuẩn, phòng diệt khuẩn bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu của học sinh, cán bộ, công chức và nhân dân TP; bảo đảm đủ lượng hàng hóa phục vụ đời sống và công tác phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân... 

Tại kỳ họp bất thường ngày 27-3, Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh đã biểu quyết thông qua việc chi 2.753 tỷ đồng phục vụ công tác chống dịch Covid-19, trong đó sẽ dùng 1.800 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động mất việc do Covid-19 và có chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với y sĩ, bác sĩ, nhân viên, lực lượng vũ trang trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Đồng chí Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh nói rằng: “Tinh thần “chống dịch như chống giặc” được TP triển khai rất quyết liệt từ công tác tuyên truyền, vận động đến thực hiện chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay, sở đã hoàn thành 5 triệu tờ rơi để tuyên truyền 12 việc cần làm ngay trong “14 ngày vàng” phòng, chống dịch”.

Thành phố “sống chậm” bề ngoài, nhưng thực tế lại đang nỗ lực, sôi động trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Những biện pháp quyết liệt theo chỉ đạo của Chính phủ được TP thực hiện rất nghiêm túc. Người dân TP đang chọn cách sống đơn giản hơn, tiết kiệm hơn và tạo cho TP một sắc thái mới-sắc thái của lòng kiên trì, ý thức tự trọng và dũng khí phòng, chống dịch.

“Phòng, chống dịch bệnh hiệu quả là những hoạt động thiết thực nhất lúc này”. Đó là khẩu hiệu hành động trong “14 ngày vàng” chống dịch. Dịp kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay có thể không có những buổi nhạc hội tưng bừng, lễ kỷ niệm hoành tráng và nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa khác, nhưng tôi tin rằng đường phố vẫn rợp bóng cờ hoa và niềm tự hào khôn tả của mỗi chúng ta. Niềm tự hào ấy được kết bằng sức mạnh đoàn kết của dân tộc, niềm tin, tình cảm và ý chí của mỗi người dân trong phòng, chống đại dịch Covid-19.

Giữa những tia nắng vàng tháng Tư, TP hiếm khi nào đẹp trong cảnh thanh bình, êm ả đến vậy. Nhưng tôi tin trong những ngày này, người dân TP đều mang theo tinh thần và khí thế của những cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn năm xưa, cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh nguy hiểm. Và chỉ ít ngày nữa thôi, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh của chúng ta sẽ lại sôi động, hào hoa trở lại, là điểm đến của tất cả mọi người trên con đường hội nhập và phát triển.

LÊ PHI HÙNG