Vừa gặp nhau, ông Quảng lắc đầu:
- Sao anh giống như người đi bắt lợn thế nhỉ?
- Dạ! Văn Công xin chào bác buổi sáng bằng ca nhạc: “Xe ta băng qua muôn núi ngàn sông/ Khắp nơi nhân dân đêm ngày ngóng trông”. Cháu vừa chở tạ củ cải lên Bắc Ninh. Khách quen chờ sẵn, loáng cái đã rước hết sạch. Nào, ta đi thôi bác! Xong sớm về sớm, tránh “cô-vít”...
- Nhưng mà anh quần cộc, áo lót hở nách, lại không đeo khẩu trang... Như thế vào làm thủ tục đi xe buýt sao được? Văn hóa công sở để đâu chứ?
- À... Mình đưa hồ sơ qua cửa tiếp nhận, giống như cửa bán vé xe khách. Lại giãn cách hai mét. Không ảnh hưởng gì đâu ạ! Với lại, cháu xem ti vi rồi, thực hiện văn hóa công sở là đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thôi! Chứ xe ôm như cháu thì... “Áo quần lụa lĩnh người ơi! Có che đậy kín phần đời gió sương...?”. Hì hì.
- Ghê quá đấy! Tôi sẽ nói với anh về hình tượng văn học ấy sau. Còn bây giờ, chúng mình đang sống thực với tư cách công dân, phải theo quy tắc ứng xử nơi công cộng mà UBND TP Hà Nội ban hành. Trong đấy, mục nói về ứng xử chung ghi rõ: “Nên làm: Trang phục lịch sự, phù hợp hoàn cảnh, chuẩn mực xã hội”. Đầu năm ngoái, các tổ dân phố đã tọa đàm, ai cũng tâm đắc đồng lòng thực hiện. Giờ đang có “cô-vít”, mình đến giao dịch ở công sở, lại càng phải ăn mặc phù hợp và chuẩn mực!
- Cháu hiểu rồi! Cháu sẽ rút kinh nghiệm cho lần sau. Còn hôm nay...
- Ô hay! Đã gọi là quy tắc thì phải thực hiện mọi lúc, mọi nơi. Phố xá xanh, đẹp, văn minh; công sở hiện đại, văn hóa mà lại có những người khi ra phố, đến giao dịch ở công sở, ăn mặc cẩu thả... thì có khác gì vẽ bức tranh đẹp lại để rơi rớt lên đó những vết màu lạc điệu! Anh cứ mặc chững chạc, đeo khẩu trang vào rồi mới đi được!
- Dạ dạ... cháu hiểu rồi! Không thể “lạc điệu”! Bác chờ cháu về thay trang phục ạ!
PHẠM XƯỞNG