Cách Hà Nội tầm 60km, làng chè Ba Trại có tuổi đời đã hơn 50 năm. Sẵn có lợi thế về khí hậu cũng như đất đai rất thuận lợi cho cây chè phát triển, Ba Trại là xã có diện tích trồng chè lớn nhất huyện Ba Vì với gần 500ha. Với diện tích đất tự nhiên 2.017ha, trong đó có gần 1.000ha đất canh tác, diện tích trồng chè trong toàn xã chiếm 1/3 diện tích chè của cả huyện Ba Vì. Xã Ba Trại có 9 thôn thì cả 9 thôn đều được công nhận là làng nghề sản xuất và chế biến chè. Với người dân nơi đây, chè là nguồn thu nhập chính. Trung bình mỗi năm, chè của xã Ba Trại cho thu hoạch 7-8 lứa, vụ chè chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Những tháng còn lại, sản lượng chè giảm nhưng giá sản phẩm thường tăng gấp đôi, vô tình điều này lại khiến vụ phụ đôi khi lại thành… vụ (thu nhập) chính.
Chúng tôi tìm đến Ba Trại vào đúng thời điểm tiết trời giữa thu, khí hậu Ba Vì vốn đã dễ chịu lại thêm phần mát mẻ. Đặt chân vào làng chè Ba Trại, chúng tôi được nghe người dân kể nhiều về cây chè nơi đây. Ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn 5, xã Ba Trại cho hay: “Gia đình chúng tôi về đây lập nghiệp từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Kia, vẫn còn cái giếng đào năm 1962 và ngôi nhà cấp 4 từ ngày gia đình về đây. Cây chè đã nuôi sống bao hộ gia đình ở Ba Trại hơn nửa thế kỷ nay nên dù nhiều cây trồng khác có thể cho giá trị kinh tế cao hơn nhưng bà con nơi đây vẫn giữ lấy cây chè”.
 |
Những luống chè ở Ba Trại đã có tuổi đời hơn 50 năm. |
Chúng tôi được biết, xã Ba Trại có tới 7 dân tộc sinh sống nhưng chủ yếu là người Mường, người Kinh. Giai đoạn 1962-1966, theo tiếng gọi của Đảng, xã Ba Trại được đón người dân của 9 xã thuộc 3 huyện về định cư xây dựng kinh tế mới. Đó là 6 xã của huyện Phúc Thọ, 2 xã của huyện Thạch Thất và 1 xã của huyện Ba Vì. Không ai bảo ai nhưng đa phần người dân khi đó đều chọn cây chè để lập nghiệp. Chúng tôi thấy nhiều gốc chè ở Ba Trại trông nhỏ là vậy nhưng bà Nguyễn Thị Dung, người làng, cười bảo: “Trông khiêm nhường vậy mà mấy gốc chè đó có tuổi đời gần 60 năm rồi đó”. Mời chúng tôi uống chè và ăn kẹo lạc, bà Dung tâm sự rất thật rằng: “Chè trồng lâu năm nên năng suất có giảm sút, gia đình cũng muốn thay giống mới nhưng vườn chè gia đình gắn với nhiều kỷ niệm về ông bà, bố mẹ, con cháu trong dòng họ nên gia đình tôi và bà con xung quanh không nỡ đốn bỏ, thay giống mới”.
Đúng như lời bà Dung nói, chè già nên uống hơi có vị chát nhưng chúng tôi phấn khởi lắm vì mọi người tự ra vườn hái, tự sao, tự pha chế. Chè Ba Trại khi pha có màu nước xanh, thơm, vị ngọt chát dễ chịu nên được các địa phương lân cận ưa chuộng.
Mấy năm gần đây, làng chè Ba Trại đã đẩy mạnh kết hợp giữa việc trồng chè và làm du lịch. Nhưng thành thật mà nói, khách du lịch đến vùng đất này không nhiều lắm. Nói như ông Nguyễn Văn Dũng thì: “Khách đến đây, nhất là du khách nước ngoài, nhiều người muốn ngủ lại qua đêm nhưng chúng tôi không dám nhận vì sợ không bảo đảm an toàn. Thành ra khách tới đây thường là sáng đến chiều tối về. Ai có nhu cầu ăn uống gì thì báo với chúng tôi. Thích hái chè, sao chè, đóng gói… cho đến chụp ảnh thì mời mọi người tự thân vận động cho vui cho khỏe, và cũng là để biết đồng bào nơi đây làm ra chè sạch vất vả như thế nào”.
Cách đây 4 năm, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, Phòng Kinh tế huyện Ba Vì đã kết hợp với địa phương, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Ba Trại tiến hành trồng mới, trồng thay thế 50ha và thực hiện thâm canh chè
VietGAP với diện tích 16ha. Mô hình thực hiện đồng bộ từ giống đến áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăm sóc, dùng thuốc bảo vệ thực vật, thu hái, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Nhiều người dân Ba Trại khẳng định trồng chè theo kiểu VietGAP vất vả hơn nhưng cho thu nhập cao hơn bởi lượng búp thu hoạch được nhiều hơn. Quan trọng là giờ người tiêu dùng thích sản phẩm sạch, nên có chè trồng theo chuẩn VietGAP thì khách Tây lẫn ta an tâm hơn khi thưởng thức.
Chúng tôi tin điều này là sự thật, nhưng chợt thấy thật khó tin khi một làng chè có tiếng như Ba Trại-nằm trên địa bàn Thủ đô mà ít người dân sinh sống ở Hà Nội biết đến. Chúng tôi tự nhủ, có khi đó lại là điều may mắn cho Ba Trại, để vùng đất này có thể phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững mà vẫn giữ được nét chân chất hồn quê.
Bài và ảnh: MỘC MIÊN