Trời chưa hửng bóng nắng, núi Thầy lặng lẽ soi bóng dưới hồ Long Trì. Trong làn nước sóng sánh ấy, tòa thủy đình hiện lên như nét chấm son, điểm nhãn cho bức tranh sơn thủy hữu tình. Người trong làng thì vẫn bảo rằng, đó là viên ngọc bích nằm trong miệng rồng. Chẳng biết có phải vậy không mà hằng năm, phường rối nước vẫn hì hụi chèo thuyền ra đây biểu diễn.

Lần tìm về khu nhà lưu niệm lịch sử của xã Sài Sơn trong văng vẳng tiếng hát chèo buổi sớm, bà Nguyễn Thị Mùi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Múa rối nước xã Sài Sơn đã có mặt ở đó, bê những con rối ra trước sân rộng. Bà bảo: “Tất cả vốn liếng của đội đấy. Chúng tôi phải củng cố lại để chuẩn bị cho buổi biểu diễn sắp tới”. Quãng độ mươi phút sau, những thành viên trong CLB đã có mặt đông đủ để chỉnh trang lại những con rối. Sau mỗi lần biểu diễn, con thì đứt cước, con thì xước sơn. Do vậy, mọi người phải cẩn thận kiểm tra từng chi tiết để khi trình làng, con rối mới có thể biến hóa lung linh trên mặt nước trong hồ.

leftcenterrightdel
Các thành viên Câu lạc bộ Múa rối nước xã Sài Sơn chỉnh trang lại con rối trước buổi biểu diễn. 

Đứng trước sân, nghệ nhân Vương Như Ý vừa biểu diễn chú Tễu vừa ngân nga câu hát mở màn: “Ơ này bà con ơi! Đất Sài Sơn địa linh nhân kiệt / Núi rồng thiêng quy Phật chùa Thầy / Khách thập phương quy tụ về đây / Trống giong cờ mở tung bay mặt hồ”. Tạm nghỉ tay, ông Ý chia sẻ: “Sài Sơn là nơi đất tổ của nghề múa rối nước. Cách đây gần nghìn năm, Thiền sư Từ Đạo Hạnh lên núi lập chùa giảng đạo, dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Thầy còn sáng tạo ra múa rối nước làm trò vui cho người dân quê thưởng thức. Cũng từ đấy, nghề múa rối nước lan truyền sang các vùng khác. Thế nhưng, bãi bể nương dâu, chiến tranh loạn lạc, trò vui rối nước bị gián đoạn. Bẵng đi một thời gian dài, người trong làng không còn ai nhớ nghề. Ngày hội về, địa phương phải mời phường rối nước Bình Phú (Thạch Thất) về biểu diễn. Xem thiên hạ biểu diễn rối nước trên chính quê mình, dẫu có vui mà sao cứ thấy bùi ngùi tiếc nuối”.

Với mong muốn khôi phục lại nghề múa rối nước trên chính đất tổ, huyện Quốc Oai đã quyết định thành lập CLB Múa rối nước xã Sài Sơn. Xã lựa chọn 23 thành viên ở tất cả các thôn để cùng nhau luyện tập. Huyện thì mời các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Thăng Long về truyền dạy các kỹ năng biểu diễn. Những con rối nước từ nội đô đã theo xe ngược về quê hương xứ Đoài. Còn những người dân quê, lần đầu cầm sào giật dây rối biết bao bỡ ngỡ. Luyện tập trên cạn đã vất vả nhưng khi xuống nước lại khó khăn gấp nhiều lần, người múa rối nước vừa còng lưng nâng sào sao cho cân bằng lại phải điều khiển từng sợi dây rối chằng chịt để con rối ngụp lặn, đùa giỡn, tắm nước, phun khói... Đó là cả một quá trình luyện tập hết sức kỳ công. Thêm vào đó, người biểu diễn các động tác, đi lại, ra vào phải nhịp nhàng sao cho khớp với lời ca, tiếng nhạc. Khó khăn là vậy nhưng chẳng làm sờn lòng những người dân quê. Bao năm nay phải xem rối người, nghĩ mà tủi thân. Nay rối nước của xã được khôi phục, lại do chính người dân quê biểu diễn cho bà con xem nên mọi người động viên nhau quyết tâm thục luyện từng động tác, tích trò. Chẳng những biết kỹ thuật biểu diễn, người trong CLB còn phải học hát, học lời thoại. Những điệu hát chèo, lối nói mộc mạc vang lên như chính hơi thở cuộc sống của bà con nhân dân. Mọi người thay nhau luyện tập từng con rối và thuộc luôn cả lời thoại, khi biểu diễn tới đâu là nói, hát tới đó. Chính vì vậy, những con rối hiện lên sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người xem.

Mỗi trò rối là một câu chuyện mang đậm hơi thở của cuộc sống. Những người nghệ nhân của làng quê cần mẫn cóp nhặt, rồi lại thục luyện các trò phục vụ khán giả thưởng thức. Vào ngày hội lớn, trong tiếng trống rộn ràng, tiếng đàn sáo réo rắt và những câu hát chèo mượt mà đắm say, CLB trình diễn những cảnh sinh hoạt quen thuộc của vùng quê như: Đi cày, cấy lúa, đánh cá, bắt vịt, mục đồng cưỡi trâu. Không chỉ có cuộc sống lao động, mà còn có cả những nét sinh hoạt văn hóa tinh thần như múa tiên hoa sen, đua thuyền, rồng phượng... và đỉnh cao của niềm mơ ước là mong muốn đỗ đạt hiển vinh, mang danh thơm về cho quê hương như: Cá chép vượt vũ môn, vinh quy bái tổ. Mỗi trò lại kết hợp với những làn điệu chèo, xẩm... vừa có tính giải trí, vừa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Qua quá trình biểu diễn, bàn tay người lao động ngày càng thuần thục hơn, những con rối trở nên sinh động, biến hóa lung linh trên mặt nước. Người biểu diễn, dù chẳng có đồng thù lao nào nhưng niềm vui của họ là những tiếng cười và tràng pháo tay tán thưởng của dân làng. Tiếng lành đồn xa, CLB Múa rối nước xã Sài Sơn được mời đi biểu diễn ở các địa phương trong huyện Quốc Oai và huyện Thạch Thất. Những đoàn khách về tham quan chùa Thầy có nhu cầu biểu diễn, CLB cũng sẵn sàng phục vụ. Bằng việc kết hợp du lịch tâm linh với quảng bá văn hóa truyền thống, địa phương đã đưa múa rối nước vào chương trình lễ hội nhằm quảng bá những nét văn hóa đặc sắc của quê hương Sài Sơn. Mong sao niềm đam mê rối nước của bà con nơi đây sẽ không vơi cạn, để những đêm trăng sáng, từng con rối lại được tung tăng vùng vẫy trong làn nước lấp lánh, đem đến niềm vui cho người dân và du khách muôn phương.

Bài và ảnh: VŨ DUY