Thanh Bình Từ Đường là ngôi từ đường của ngành hát bội nước ta. Các nghệ sĩ hát bội cả nước dưới thời phong kiến khi mất đều được thờ cúng tại đây. Bởi vậy, ngoài đoàn hát bội Duyệt Thị Đường của Cố đô Huế thường đến cúng viếng thì các đoàn hát bội ở Nam Bộ ai cũng mong muốn được một lần về thăm. Vừa qua, Đoàn hát bội-cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đã có chuyến hành trình “về nguồn” Thanh Bình Từ Đường để bái lạy tổ nghiệp và được hát phụng cúng tổ nghiệp của mình.
Vượt qua 1.000km từ TP Hồ Chí Minh để đến với Cố đô Huế, Đoàn hát bội - cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đã lập tức triển khai dự định của mình. Trong đoàn gồm các nghệ sĩ hát bội kỳ cựu, giỏi nghề, như: NSƯT Ngọc Khanh, NS Bo Bo Hoàng, NS Hữu Lập, NS Thanh Hiệp, NS Phi Hùng, NS Minh Được, NS Mỹ Tuyết, NS Tuấn Kiệt và khá đông các nghệ sĩ hát bội trẻ, yêu nghề đến từ Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Dương...
NSƯT Ngọc Khanh (giữa) biểu diễn một trích đoạn hát bội với các đồng nghiệp.
Đoàn đã đến thăm Duyệt Thị Đường, nhà hát tuồng được xây dựng năm 1826 dưới triều vua Minh Mạng, được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Duyệt Thị Đường chính là một nhà hát biểu diễn hát bội dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần nhà Nguyễn và cũng là nơi biểu diễn hát bội dành cho quan khách, sứ thần thưởng thức. Hát bội là ngành giải trí, tiêu khiển chính thống của triều đình, nên khi vạch đồ án xây dựng kinh thành Huế, vua Gia Long đã nghĩ đến chỗ đất làm Duyệt Thị Đường và do đó đến đời Minh Mạng nhà Duyệt Thị được xây cất khang trang với tổng diện tích 11.740m², trong đó diện tích xây dựng nhà hát là 1.182m².
Đoàn cũng đã đến thăm và xin được phụng cúng, bái lạy tổ nghiệp tại Thanh Bình Từ Đường. Trước cửa vào ngôi từ đường là bức hoành phi lớn sơn son thếp vàng, khắc chữ “Thanh Bình Từ Đường” làm vào năm Tự Đức thứ 6 (1853). Trải qua gần 200 năm, màu rêu phong càng làm tăng vẻ cổ kính cho ngôi từ đường và bức bình phong long mã (ngựa hóa rồng) chắn ngang lối vào ngôi từ đường càng đặc trưng cho kiến trúc tâm linh xứ Huế xưa. Theo người dân địa phương thì ngày xưa Thanh Bình Thự rất rộng, bao trọn cả kiệt 281 Chi Lăng, TP Huế. Xóm Thanh Bình vì thế cũng được gọi là “xóm hát bội”.
Ông Trần Ngọc Lợi, năm nay đã hơn 90 tuổi, người hương khói ngôi từ đường đã 60 năm nay (từ năm 1954) hồ hởi kể: Thanh Bình Thự được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 5 (1825) để dùng làm nơi luyện tập cho những nghệ nhân thuộc đội hát bội Việt Tường trong cung cấm. Các sân dài và rộng trước ngôi Thanh Bình Từ Đường hiện nay trước đây là sân khấu Thanh Bình. Sân khấu này lúc đầu chỉ để diễn tập, dần dần về sau theo yêu cầu của quần chúng, sân khấu Thanh Bình đã biểu diễn phục vụ rộng rãi người xem của kinh thành. Có thể khẳng định Thanh Bình Thự là trường dạy nghệ thuật hát bội có quy mô lớn nhất và tổ chức chặt chẽ nhất ở nước ta dưới thời phong kiến.
Đoàn hát bội-cải lương tuồng cổ Ngọc Khanh đã biểu diễn cho hàng trăm khán giả, với phần đông là người dân xóm hát bội, các trích đoạn hát bội và cải lương tuồng cổ như: “Huỳnh Châu hội yến”, “Tống tửu Đơn Hùng Tín”, “Phàn Định Công chém Sứ đề cờ”, “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”, “Tạ Ôn Đình đại chiến Phàn Diệm”, “Song nữ loạn Viên môn”, “Câu thơ yên ngựa”, “Lưu Kim Đính chiêu phu”, “Sau bức màn nhung”... ngay tại sân khấu được dựng lên ở sân Thanh Bình Từ Đường.
NSƯT Ngọc Khanh tâm sự: “Sân khấu hát bội đầy tính nhân văn, phản ánh rất rõ những tích cực và tiêu cực của xã hội qua mỗi thời đại, mỗi thời kỳ lịch sử, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín mà đặc biệt là chuyên chở những tâm tư, ước vọng của nhân dân ta. Vì vậy, nghệ thuật hát bội đã đi sâu vào trong lòng mỗi người dân Việt Nam, là một trong những nền tảng quý báu của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc... Dưới sự hội nhập văn hóa thế giới, mỗi thời đại đều có những loại hình văn hóa mới xuất hiện và cái cũ thường rơi vào quên lãng. Trên thực tế, loại hình nghệ thuật hát bội cũng rơi vào tình trạng ấy. Đó là điều mà chúng tôi đau đáu trong lòng khi sàn diễn hát bội cứ bị thu hẹp dần”.
Đêm diễn kết thúc khi đã quá nửa đêm, vậy mà khán giả vẫn ngồi xem và luôn dành những tràng pháo tay cho các nghệ sĩ. Nghệ sĩ hát bội Hữu Lập, người có 60 năm gắn bó với sân khấu cảm động nói rằng: “Nếu các lần lưu diễn chỉ cần số lượng 1/4 khán giả như ở xóm hát bội này là chúng tôi đã mãn nguyện. Chúng tôi được thưởng rất nhiều tràng pháo tay. Tôi nghĩ đấy chính là động lực cho anh, chị em gắn bó với nghề”.
Sau chuyến đi, NSƯT Ngọc Khanh chia sẻ: “Giấc mơ ấp ủ đã thành hiện thực. Thật vô cùng hạnh phúc khi được thành kính dâng lên tổ nghiệp những nén nhang mang tấm lòng hướng về các bậc tiền nhân đã có công khai sáng ngành nghề, chỉ dạy, dẫn dắt cho thế hệ hôm nay, cho chúng con được tỏa sáng và được nhiều cảm tình của khán giả thân yêu”.
Bài và ảnh: VĂN TOÀN