Một lần, bên chén trà sen thơm ngát, lãng đãng câu chuyện về người phố cổ, bà hỏi tôi: “Nếu con trai em bị con nhà hàng xóm đánh, em xử lý thế nào?”. Sau chút băn khoăn, tôi trả lời: “Chắc em sẽ sang nói chuyện với nhà hàng xóm, để họ dạy bảo con họ”. Bà bảo: “Đó là cách ứng xử thông thường và có thể khiến nhà hàng xóm mếch lòng. Nếu gặp trường hợp ấy, chị sẽ sang nhà hàng xóm xin lỗi họ vì mình đã dạy con không nghiêm”.
Cách ấy, nghe qua thấy hơi ấm ức. Nhưng ngẫm kỹ thật sâu sắc! Nếu là những người có ý tứ (mà chắc là thế!), hàng xóm của bà sẽ căn vặn con về vụ ẩu đả. Trẻ con khó nói dối, nhà hàng xóm sẽ hiểu chuyện. Họ sẽ dạy bảo con cái nghiêm cẩn hơn. Và hơn thế, họ sẽ có lời xin lỗi lại. Thế là vẹn cả đôi đường. Tình làng nghĩa phố vẫn trọn vẹn!
Nhà ông ở phố Đào Duy Từ. Thuở trước, ông từng là nghệ sĩ tuồng có tiếng. Thời môn nghệ thuật truyền thống ấy thất thế, ông bỏ đoàn về nhà với hai bàn tay trắng, không lương hưu, cũng chẳng trợ cấp. Giờ, hằng ngày ông vẽ mặt nạ tuồng bán cho du khách. Mặt nạ của ông khác hẳn những nơi khác làm. Mỗi chiếc đều là độc bản, có thần, có thái riêng. Ông bán chủ yếu cho khách nước ngoài nhưng giá rất phải chăng, dù ông chả giàu có gì. Ông kể: Có khách nước ngoài lên tận “xưởng” vẽ của ông và rất ngạc nhiên khi nghe giá bán. Người ta nói, sao rẻ thế! Chắc tại ở những nước giàu, các tác phẩm nghệ thuật có giá hơn. Nhưng kệ thôi, không phải vì thế mà tăng giá, mục đích chính của mình là giới thiệu văn hóa truyền thống của mình cho người ta biết. Còn chuyện cơm- áo-gạo-tiền thì đủ ăn là tốt rồi!
Nghệ sĩ tuồng ở phố Đào Duy Từ vẫn hàng ngày đem văn hóa truyền thống tới du khách nước ngoài.
Phố cổ Hà Nội hẹp, nhà nọ kề cận, thậm chí cài răng lược vào nhau, va chạm, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi. Vì thế, nếu không biết cái câu “Một phận nhịn, chín phận lành” thì khó sống lắm. Chuyện của bà ở phố Mã Mây là một trong vô vàn những cách ứng xử đẹp vô cùng của người Hà Nội phố cổ. Đơn cử như lời ăn tiếng nói cũng đã là một câu chuyện dài. Đó là cách ăn nói không bao giờ thiếu “có thưa, có gửi”, “dạ, vâng” lễ phép hay tác phong khi nói. Mọi gia đình Hà Nội nền nếp, không kể sang hèn đều răn dạy con em mình điều hay lẽ phải, em trai học tài, em gái học nữ công gia chánh. Ra đường người nhỏ tuổi phải chào hỏi người lớn. Trong cùng một ngõ phố, người này trông thấy người kia thì chào, người dưới trông thấy người trên phải chào hỏi. Về lễ nghĩa trong giao tiếp ứng xử, nhà văn Vũ Ngọc Phan viết: “Dân Hà Nội xưa cũng có người đẹp, người xấu, người trang nhã, người thô tục như các nơi khác thời bấy giờ, nhưng người ta nhận thấy trong sự giao tiếp giữa con người với con người, ít khi người Hà Nội xưa có những thói thô bạo, tục tằn”. Nét thanh lịch trong giao tiếp, ứng xử của người Hà Nội còn thể hiện ở hành vi tiếp khách-một hoạt động giao tiếp đặc trưng. Khách đến nhà, chủ nhà thường thay quần áo cho ngay ngắn, mời khách những món ngon nhất và thậm chí còn nhường cho khách ăn.
Chuyện của ông ở phố Đào Duy Từ lại là một điển hình của phong cách buôn bán nơi phố cổ. Khu "ba sáu phố phường" có truyền thống thương mại lâu đời. Ngoài đặc trưng độc đáo như các “phố hàng”, còn một thứ vô cùng đáng quý là văn minh thương mại. Thứ nhất, người Hà Nội gốc buôn bán gần như không nói thách. Có chăng, chỉ là chút ít để khách mua mặc cả cho xôm. Thứ hai, chất lượng hàng thế nào, nói thế ấy, không bao giờ có chuyện gian dối. Dù là đầu giờ sáng, chưa mở hàng, khách có không mua cũng được tạm biệt bằng một nụ cười thân thiện. Nhất định không có chuyện mắng xơi xơi rồi mang bó giấy đốt vía đâu. Chủ cửa hàng nào làm việc ấy, dù “đóng đô” ở phố cổ cũng chắc chắn không phải người Hà Nội gốc.
Nay, ngay tại khu phố cổ, người Hà Nội gốc cũng không còn nhiều. Nhưng may mắn, cái nếp thanh lịch xưa vẫn ít nhiều được gìn giữ. Vẫn còn những bà ở phố Mã Mây, những ông ở phố Đào Duy Từ truyền lại cho các thế hệ sau. Thậm chí, bà ở phố Mã Mây còn mang ý định mở một lớp nữ công gia chánh theo “trường phái” Hà Nội cổ. Chương trình của lớp đó có từ cách đi chợ, cách vào bếp đến cách ứng xử với đời. Mong dự định của bà sớm thành hiện thực!
Bài và ảnh: DUY TRẦN