Từ những ngày hoạt động cách mạng ở Huế, Võ Nguyên Giáp luôn coi Bác Hồ (lúc đó Người lấy tên Nguyễn Ái Quốc) là hình mẫu lý tưởng: "Trong ảnh, Nguyễn Ái Quốc còn trẻ, có đôi mắt rất linh lợi, đầu đội mũ phớt đen. Tấm ảnh đã mờ. Nhưng với trí tưởng tượng và lòng kính phục của chúng tôi, đấy là hình ảnh sáng ngời của người thanh niên cách mạng đầy nhiệt tình và chí lớn". Những bài viết của Bác luôn được ông đọc, nghiên cứu kỹ lưỡng.

Lần đầu được gặp Bác ở Thúy Hồ (thắng cảnh ở Côn Minh, Trung Quốc), Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: “Đến Thúy Hồ, tôi thấy anh Vũ Anh ngồi trong một chiếc thuyền với một người đứng tuổi, gầy gò, có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt”. Sự miêu tả chi tiết về ngoại hình của Bác cho thấy ấn tượng sâu sắc mà Người để lại trong lòng Đại tướng.

leftcenterrightdel
          

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1962. Ảnh tư liệu 

 

Trong cuốn hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ về cảm giác quen thuộc ngay từ lần gặp đầu tiên, cho thấy sức hút mạnh mẽ từ nhân cách và phong thái của Bác: “Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có những điều rất đặc biệt. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình đã được ở gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát lên sự trong sáng, giản dị”. Võ Nguyên Giáp cũng không khỏi bất ngờ: “Không ngờ một con người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương”.

Thời gian sau đó, Võ Nguyên Giáp luôn ghi nhớ lời Người dạy: Nội dung chính trị phải đúng, ngắn gọn, hợp ý nghĩ quần chúng. Bác Hồ cũng thường xuyên dặn ông phải “cố gắng học thêm quân sự”. Nhớ lại ngày ăn Tết ở Tĩnh Tây, Trung Quốc, Bác Hồ cùng đồng chí, cán bộ đến từng nhà đồng bào biên giới, tự tay trao những tờ giấy đỏ “Cung chúc tân niên” do chính Bác viết. Sự gần gũi, quan tâm đến đồng bào của Bác đã in sâu trong tâm trí ông. Từ cử chỉ, hành động và những lời Bác dạy, chỉ bảo, Võ Nguyên Giáp cùng đồng đội biết rõ “ông cụ mảnh khảnh mặc bộ quần áo Nùng giản dị này là người gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam”. 

Sau những năm tháng hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra ý tưởng thành lập LLVT nhân dân và giao nhiệm vụ đó cho Võ Nguyên Giáp. Trước câu hỏi của Người: Việc này chú Văn phụ trách, chú Văn có thể làm được không? Võ Nguyên Giáp đáp: Có thể được. Người hỏi tiếp: Có thể tìm được một căn cứ “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, mình còn yếu, địch mạnh nhưng nhất định không để địch tiêu diệt, có thể như thế được không? Võ Nguyên Giáp đáp: Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt ta được. Hôm đó, trong căn lều không đèn, trên núi cao trời lạnh giá, Võ Nguyên Giáp cùng đồng đội mỗi người gối một khúc gỗ cứng, nằm nghe Bác phác những nét chính về Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động... cùng lời dặn dò phải dựa vào dân, lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. 

Những ngày làm việc ở Tân Trào, Võ Nguyên Giáp luôn thấy Bác cặm cụi công việc, không mấy nghỉ ngơi. Năm 1945, trong những ngày chuẩn bị cho hai cuộc họp Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu, Bác bị ốm nặng. Thấy Bác không khỏe, Võ Nguyên Giáp lo lắng xin phép ở lại chăm sóc. Đêm đó, trong cái lán nhỏ giữa rừng, ông đã thức trắng đêm bên Bác. Dù sốt mê man, Bác vẫn không ngừng nhắc nhở về công việc, về nhiệm vụ của Đảng và dân tộc. Tỉnh dậy trong cơn sốt, Bác nhìn Võ Nguyên Giáp và nói: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”. 

Trước khi xây dựng LLVT nhân dân, Bác đã căn dặn Võ Nguyên Giáp làm người cách mạng nhất định phải: “dĩ công vi thượng” (đặt việc công lên trên hết). Lời dặn chân tình ấy đã đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt cả cuộc đời. Sau này, khi Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, trên cương vị người lãnh đạo, Đại tướng luôn tự nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thương yêu binh sĩ và cùng chỉ huy các cấp rèn luyện cán bộ, chiến sĩ dưới quyền. Dưới sự lãnh đạo của Đại tướng, Quân đội ta trở thành đội quân cách mạng, được nhân dân tin yêu gọi là Bộ đội Cụ Hồ. 

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấm nhuần tư tưởng “chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến” của Người, Đại tướng đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý này vào thực tiễn. Đại tướng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chính trị, của việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Quân đội và nhân dân. Nhờ vậy, Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ là một đội quân mạnh mẽ mà còn là một đội quân không ngại khó, ngại khổ, vì nhân dân phục vụ.

Tình cảm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho Bác trở thành những bài học quý giá về đạo đức, lòng trung thành và tình đồng chí, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của mỗi người dân Việt Nam.

THANH HẢI