Phép dùng binh phải “thiên biến vạn hóa”
Sau 8 năm xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã bị suy yếu rõ rệt: Thiệt hại gần 390.000 quân, tiêu tốn 2.000 tỷ Franc, liên tục bị ta đẩy vào thế bị động chiến lược. Trước sự sa lầy của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương, thúc ép Pháp phải kéo dài và mở rộng chiến tranh. Để tìm lối thoát, thực dân Pháp đã tranh thủ sự viện trợ của Mỹ để đẩy mạnh chiến tranh, cố tìm một thắng lợi quân sự nhằm “rút lui trong danh dự”. Ngày 7-5-1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Navarre sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và thông qua Kế hoạch Navarre gồm hai bước với hy vọng sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng.
Để triển khai kế hoạch, Navarre huy động lực lượng cơ động lên đến 84 tiểu đoàn trên toàn chiến trường Đông Dương, trong đó ở Đồng bằng Bắc Bộ có 44 tiểu đoàn, tiến hành những cuộc càn quét, bình định, mở những cuộc tiến công lớn vào Ninh Bình, Thanh Hóa...
Về phía ta, đầu tháng 10-1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... dự hội nghị. Bộ Chính trị quyết định: Giữ vững thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính. Tập trung lực lượng, mở những cuộc tấn công vào các hướng địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một phần sinh lực, buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó với ta. Phương châm chiến lược: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, đánh ăn chắc và tiến ăn chắc.
Kết thúc cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: Tổng Quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại Đồng bằng Bắc Bộ. Về hoạt động, lấy hướng Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”.
Tại hội nghị ở Tỉn Keo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và cả trong kế hoạch của Navarre đều chưa xuất hiện cụm từ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng ta là tiến lên Tây Bắc để căng địch ra, bắt chúng phải bị động đối phó với ta, như vậy đã tạo tiền đề đầu tiên cho Điện Biên Phủ.
Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại, khi nghe đồng chí trình bày về tình hình quân địch từ tháng 5 đến tháng 10-1953, Bác ngồi họp với thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay duỗi thẳng. Đôi mắt Người lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn. Rồi bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng...
"Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền"
Giữa tháng 11-1953, ta tiến quân theo hướng Tây Bắc và Trung Lào. Thực dân Pháp phát hiện thấy sự chuyển quân của ta; ngày 20-11-1953, Navarre cho 6 tiểu đoàn cơ động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ nhằm bảo vệ Tây Bắc và Thượng Lào. Khi đó ta đang có 1 đại đội đóng ở đây. Trước sức tấn công áp đảo của địch, đại đội của ta chiến đấu ngoan cường nhưng phải rút lui để bảo toàn lực lượng.
Ngày 10-12-1953, quân ta tấn công và giải phóng thị xã Lai Châu, bao vây Điện Biên Phủ. Navarre buộc phải điều thêm 6 tiểu đoàn ở Đồng bằng Bắc Bộ lên tăng cường cho Điện Biên Phủ, biến đây thành nơi tập trung quân thứ hai của Pháp. Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch đánh bại địch ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, phải hoàn thành cho kỳ được.
Điện Biên Phủ có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng và thật trùng hợp khi cả hai phía đều coi đây là điểm quyết chiến chiến lược và cùng chấp nhận cuộc chiến đấu. Ngày 20-1-1954, khi một viên tướng Pháp ngạo mạn tuyên bố: Thách Tướng Giáp giao chiến ở Điện Biên Phủ, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không quyết định tấn công ngay, mà gấp rút chuẩn bị mọi mặt để tạo thành thế trận bao vây, bảo đảm chắc thắng mới đánh. Và ở tận Việt Bắc xa xôi, Bác Hồ cũng đã ung dung giải thích với một nhà báo nước ngoài về thế trận Điện Biên Phủ. Người lật ngược chiếc mũ cát đặt trên bàn, đưa ngón tay theo vành mũ mà nói: "Đây là núi, chúng tôi đang ở đây. Còn phía dưới (Người đặt tay xuống đáy mũ) là thung lũng Điện Biên Phủ, quân Pháp ở đấy. Chúng không thể thoát ra khỏi đây được...".
Ngày 22-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ Quyết chiến quyết thắng cho Quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công, hoàn thành cho kỳ được Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận. Giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, trước khi ra mặt trận, Bác nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền”. Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.
Chính sự tin tưởng tuyệt đối của Bác Hồ mà sau một đêm thức trắng suy nghĩ với nắm ngải cứu trên đầu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy” là “kéo pháo ra”, thay đổi phương châm tác chiến đã thống nhất trong Đảng ủy Mặt trận và đoàn cố vấn Trung Quốc từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Cho dù với sự thay đổi ấy, hàng vạn quân và dân ta phải áp dụng một hình thức tác chiến mới, khó khăn, gian khổ hơn nhiều, nhưng cũng đỡ tổn hao xương máu hơn và giành chiến thắng.
Món quà vô giá
Ngày 11-3-1954 (trước khi quân ta nổ súng tấn công Him Lam hai ngày), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ. Người căn dặn: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.
Bức điện ngày 15-3-1954 của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ ở Mặt trận Điện Biên Phủ, đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của Quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của Quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng...”.
Trải qua 3 đợt chiến đấu gay go, gian khổ, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, Quân ta đã làm nên chiến thắng lẫy lừng. Thực dân Pháp cùng bọn can thiệp Mỹ thất bại hoàn toàn. Toàn thể bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm do tướng De Castries cầm đầu đã bị bắt sống, hơn một vạn sáu nghìn tên địch bị chết hoặc bắt làm tù binh. Điện Biên Phủ là trận đánh tiêu diệt và bắt sống quân viễn chinh xâm lược lớn nhất và gọn nhất của Quân đội ta. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc oanh liệt cuộc tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của quân và dân ta.
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của quân và dân ta về quân sự, mà đó còn là món quà vô giá góp phần vào thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể: "Trước khi bắt đầu trận Điện Biên Phủ, tôi phải đi Geneva dự hội nghị quốc tế về Việt Nam. Lúc ra đi, Bác nói với tôi: "Mình có một món quà rất quý tặng chú". Đúng, món quà đó thật là vô giá bởi Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954 thì hôm sau, ngày 8-5-1954, Hội nghị Geneva khai mạc. Đây là ngẫu nhiên hay tất yếu? Trong lịch sử, lắm khi ngẫu nhiên là tất yếu, và Bác Hồ là người cực kỳ nhạy cảm với cái ngẫu nhiên là tất yếu và cái tất yếu là ngẫu nhiên này".
Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu
Mười năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến thắng: “Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”.
Sau ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ một ngày, trong thư gửi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc, Bác Hồ đã hình dung ta còn phải chiến đấu lâu dài mới giành được thắng lợi cuối cùng: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn”.
Đúng như Bác dự đoán, trước dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, nhân dân ta còn phải làm cuộc trường chinh kháng chiến 21 năm nữa, cho đến Đại thắng mùa Xuân 1975, non sông mới thu về một mối, đất nước mới hoàn toàn độc lập, tự do.
TS CHU ĐỨC TÍNH