Hiểu được vai trò của trí thức, hiền tài, nên trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ kiên trì vận động, thuyết phục được rất nhiều trí thức, nhân tài lớn đi theo cách mạng. Những lần “tam cố thảo lư” của Bác để lại cho chúng ta nhiều bài học về thu hút, sử dụng nhân tài hiện nay.
Thấu hiểu hiền tài như một người bạn
Sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi “Nhân tài và kiến quốc”, trong đó, Người viết: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Một năm sau (ngày 20-11-1946), Người lại ra chỉ thị “Tìm người tài đức”, nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”.
Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Hội đồng Chính phủ cử một ban cố vấn 10 người, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn, một bậc “triều ẩn lập thân hành thiện”. Trước đó, Bác đã hai lần viết thư mời cụ Bùi ra giúp Chính phủ non trẻ của nước nhà nhưng cụ Bùi viện lý do là quan lại cấp cao của Nam triều quá lâu, không hiểu gì về thời thế mới, sợ không đóng góp gì được cho cách mạng nên không dám nhận lời.
|
|
Bác Hồ với các trí thức cách mạng là đại biểu Quốc hội. Ảnh tư liệu |
Nhận được hồi âm từ cụ Bùi, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nản chí. Người viết lá thư thứ ba với đề “Lời tâm tri” và giao cho thư ký của mình là đồng chí Vũ Đình Huỳnh trực tiếp cầm thư về quê cụ Bùi ở Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Đông (Hà Nội hiện nay). Bác nói: “Tôi tin lần này chú yết kiến cụ Bùi và trao tay cụ thư này của tôi, cụ sẽ vui lòng ra giúp nước”. Nhận “Lời tâm tri” từ đồng chí Vũ Đình Huỳnh, cụ Bùi nâng niu mở phong thư hình chữ nhật. Đọc thư, cụ nở nụ cười tươi sáng cả gương mặt hiền từ. Cụ nói với đồng chí Vũ Đình Huỳnh: “Có cái nhục nào bằng cái nhục vong quốc nô! Tôi ra làm quan từ thuở ngoài hai mươi tuổi của cái thời nước mất, ngoại bang đô hộ; hơn ba mươi năm ở ghế quan trường dưới ba đời vua “An Nam”. Nay nhờ có Hồ Chủ tịch lãnh đạo, dân ta rửa được cái nhục vong quốc, nước Nam ta đã có độc lập, nhân dân ta có tự do, ai nấy đều hả lòng, hả dạ. Tôi đã tàn niên, được Hồ Chủ tịch vời ra không phải để làm quan mà để giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà, dân tộc”.
Ngày 22-11-1945, đồng chí Vũ Đình Huỳnh đi đón cụ Bùi Bằng Đoàn về ngôi nhà số 8 Lê Thái Tổ. Bác Hồ đợi sẵn ở bậc thềm tại cửa phòng lớn. Hai người như đôi bạn cố tri lâu ngày tái ngộ ôm nhau, rồi cùng đi dạo dưới những hàng cây trong vườn, đàm đạo việc nước tâm đầu ý hợp...
Theo nhà sử học Trần Huy Liệu, sở dĩ cụ Bùi đọc lá thư thứ ba của Bác Hồ xong, thanh thản nhận lời ra giúp nước vì trong “Lời tâm tri” của Bác Hồ có một câu thơ Đường: “Thu thủy tàn hà thính vũ thanh” (tạm dịch: Dòng thu sen tạ lắng mưa rơi). Câu thơ mang ý nghĩa tượng trưng nhưng diễn đạt ý nghĩ sâu xa, thể hiện tấm chân tình của Bác Hồ nên cụ Bùi đã xóa đi được những ngờ vực, ẩn ức trong lòng, vui vẻ nhận lời giúp Chính phủ mới.
Sử dụng mặt tốt của hiền tài cho sự nghiệp chung
Cũng trong những ngày đầu của Chính phủ cách mạng, Bác Hồ lại cử đồng chí Vũ Đình Huỳnh đi Lạng Sơn mời cụ Vi Văn Định về Hà Nội giúp đỡ Chính phủ. Một cán bộ của ta thưa với Bác: “Ông Vi Văn Định nguyên là Tổng đốc Thái Bình khét tiếng bắt cán bộ cách mạng, ta không trừng trị là phúc cho ông. Bác mời ông ta ra làm việc, liệu có nên không?”. Bác mỉm cười: “Con người đều có mặt tốt, mặt xấu. Chúng ta sử dụng mặt tốt của họ có lợi cho sự nghiệp chung. Cụ Vi có con rể danh tiếng như ông Nguyễn Văn Huyên, ông Hồ Đắc Di, cháu rể là Tôn Thất Tùng và đàn con cháu của cụ đang hăng hái tham gia việc nước...”.
Trước khi lên đường đi Pháp với tư cách thượng khách của Chính phủ Pháp (ngày 31-5-1946), Bác Hồ lại một lần nữa giao đồng chí Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phải lên Lạng Sơn đón cụ Vi về Hà Nội “kẻo hữu sự thì không kịp”.
Lúc này, cụ Vi trong lòng còn nhiều nghi ngại với Chính phủ của Cụ Hồ. Đồng chí Vũ Đình Huỳnh kiến nghị với Bác Hồ, trong đoàn cán bộ lên đón cụ Vi nên cử những cán bộ đã từng bị bắt giam ở Thái Bình để đánh tan những nghi ngờ trong lòng cụ, thể hiện sự chân thành của Chính phủ mới khi mời cụ ra hợp tác. Đồng chí Ba Ngọ và hai cán bộ nữ từng bị bắt giam ở Thái Bình trong thời kỳ cụ Vi làm Tổng đốc Thái Bình đã tham gia đoàn công tác. Trước khi đoàn lên đường, một cuộc họp của đại diện Chính phủ bao gồm những nhà cách mạng có uy tín, như Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... với con cháu cụ Vi, đã tạo cho gia đình sự tin tưởng. Các con gái cụ Vi đã nhận lời viết thư khuyên cha về Hà Nội.
Đoàn công tác do đồng chí Ba Ngọ dẫn đầu lên bản Chu (Lạng Sơn) mời cụ Vi, đưa cả thư của cô con gái nhưng cụ vẫn thoái thác: “Tôi nay già yếu rồi, chắc không đóng góp được việc gì, xin cho lão giả yên tri”. Đoàn công tác đành ra khỏi bản Chu nhưng không về, vài ngày sau trở lại thuyết phục cụ lần nữa. Lần này, tấm lòng thành của những người cách mạng đã thuyết phục được nguyên Tổng đốc đại thần Nam triều Vi Văn Định. Cụ đã làm hàng trăm mâm cỗ mời đồng bào Tày, Nùng trong vùng đến liên hoan và thông báo: “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đón tôi về Hà Nội. Khi vắng tôi, mọi việc các con, các cháu và dân bản các trại vẫn làm ăn bình thường”.
Về Hà Nội không lâu thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cụ Vi dù tuổi đã cao vẫn một lòng một dạ lên Chiến khu Việt Bắc đồng cam cộng khổ với Chính phủ của Cụ Hồ...
Hai câu chuyện trên là ví dụ minh chứng cho phương pháp “tam cố thảo lư” cầu hiền tài của Bác Hồ. Khi Người “hai tay xây dựng một sơn hà”, nền độc lập non trẻ của đất nước vừa mới ra đời đã lâm cảnh thù trong giặc ngoài khiến Chính phủ cách mạng rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong tình hình đó, chỉ có tầm nhìn Hồ Chí Minh mới có thể quyền biến: Tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam với tuyên ngôn: “Đứng trước sự đòi hỏi của Tổ quốc, đứng trước nhiệm vụ thiêng liêng đối với đất nước ở trong những giờ phút sinh tử tồn vong của quốc gia dân tộc, những sự mâu thuẫn giữa các xu hướng chính trị, các giai cấp, các tôn giáo, những sự chia rẽ về dân tộc đều phải xóa bỏ và nhường bước cho sự đoàn kết rộng rãi, thành thực, vững chắc”.
Đó cũng là phương pháp, bí quyết cầu hiền tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay trong những ngày đầu trứng nước của cách mạng, bên cạnh cụ Vi Văn Định, cụ Bùi Bằng Đoàn như đã kể trên, thì các bậc hiền sĩ như cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Phan Kế Toại, cụ Bùi Kỷ... cùng nhiều vị chí sĩ tài cao, đức trọng, các giáo sĩ, nho gia, đại thần Nam triều và cả ông vua thoái vị Bảo Đại đã tham gia giúp việc Chính phủ cách mạng.
Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng là một trong những trí thức đã tham gia cách mạng bởi sức hấp dẫn và cảm hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Bác Hồ từ trần vào ngày 2-9-1969, trong đau thương vô bờ bến, ông đã viết những dòng xúc động: “Bác ơi! Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Con nhắc lại mấy kỷ niệm đánh dấu từng chặng đời con, để ghi vào lòng, tạc vào dạ rằng, chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con”. Ông cũng nói với đồng nghiệp và học trò: “Nếu quả tôi đóng góp chút ít cho khoa học chính là nhờ tôi biết học và hành bài học đoàn kết của Bác Hồ”.
Đại tá, PGS, TS LÊ DUY CHƯƠNG