Theo sát diễn biến địch trên chiến trường Điện Biên Phủ và để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Kế hoạch Đông Xuân 1953-1954, ngày 29-12-1953, cuộc họp bộ phận tham mưu đi trước do Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ chủ trì, có các đồng chí cố vấn Trung Quốc tham dự. Hội nghị này đã họp bàn kế hoạch tiến công Điện Biện Phủ, dự kiến phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Đến ngày 14-1-1954, Bộ chỉ huy chiến dịch triệu tập hội nghị cán bộ cấp trung đoàn trở lên để phổ biến kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, giờ nổ súng định vào ngày 25-1-1954. Lúc đầu định vào ngày 20-1-1954, nhưng sợ không đủ thời gian triển khai pháo nên đã lùi lại vào ngày 25-1-1954. Ngày 23-1, sau khi Đại tướng kiểm tra mặt trận về và tổ chức cuộc họp Đảng ủy Mặt trận đã thống nhất lùi thêm một ngày, tức ngày 26-1-1954.

Mặc dù hội nghị đã thống nhất cao với phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” nhưng từ sau hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn băn khoăn, trăn trở với phương châm này. Suốt đêm 25-1, Đại tướng không chợp mắt vì những yếu tố thắng lợi ta chưa hoàn toàn cầm chắc. Tảng sáng 26-1, Đại tướng cho gọi đồng chí Hoàng Minh Phương (sĩ quan liên lạc của Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ và đoàn cố vấn Trung Quốc) lên gặp và nói: “Cậu sang báo đồng chí Vi (cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh) là tôi có việc cần bàn gấp sáng nay”.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở lại thăm Điện Biên Phủ tháng 4-1994. Ảnh tư liệu 

Khi trao đổi với cố vấn Trung Quốc, Đại tướng nói: "Tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm kiên cố. Vì vậy, không thể đánh theo kế hoạch đã định (đánh nhanh, giải quyết nhanh, tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 đêm, 2 ngày). Đại tướng nêu lên 3 khó khăn lớn mà bộ đội Việt Nam không thể vượt qua. Thứ nhất, các đơn vị chủ lực Việt Nam mới có khả năng tiêu diệt một tiểu đoàn địch tăng cường trong công sự vững chắc, trong khi đó địch có hàng chục tiểu đoàn, với 49 cứ điểm, binh, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, hệ thống vật cản dày đặc. Hai là, mặc dù có pháo lớn do Trung Quốc giúp đỡ và huấn luyện nhưng đây là chiến dịch hiệp đồng binh chủng quy mô lớn lần đầu, chưa qua diễn tập, cán bộ còn lúng túng trong chỉ huy. Ba là, không quân Pháp rất mạnh, lại có thêm không quân Mỹ tăng cường, trong khi đó bộ đội Việt Nam chỉ quen tác chiến ban đêm ở địa hình dễ ẩn náu. Nay phải chiến đấu liên tục 3 đêm, 2 ngày với quân địch có hỏa lực mạnh trên địa hình trống trải thì sẽ thương vong lớn, khó hoàn thành nhiệm vụ. Theo tôi, nếu đánh theo kế hoạch cũ là thất bại. Trung ương Đảng nhắc nhở: Trận này chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn...".

Sau khi trao đổi với cố vấn Trung Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ triệu tập Đảng ủy Mặt trận, nêu lên 3 vấn đề khó khăn của ta chưa thể vượt qua và đề nghị thay đổi cách đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Cuộc thảo luận diễn ra sôi nổi, các đồng chí: Chủ nhiệm Chính trị, Chủ nhiệm Cung cấp, Tham mưu trưởng mặt trận đều cho rằng ta đã mất rất nhiều công sức kéo pháo vào, vận chuyển lương thực, đạn dược... Nếu giờ này mà thay đổi cách đánh thì giải thích cho bộ đội thế nào. Không khí cuộc họp rất căng thẳng mà giờ nổ súng đang đến rất gần nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa kết luận, phải tạm nghỉ ít phút.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu 

Khi hội nghị tiếp tục, Đại tướng nói: Tình hình rất khẩn trương, cần sớm có quyết định. Vô luận trong tình hình nào chúng ta cũng phải nắm vững nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”. Trước khi lên đường, Bác đã dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, trước sinh mệnh của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: “Nếu đánh có chắc thắng trăm phần trăm không?”. Các đồng chí dự hội nghị không ai dám khẳng định trận này chắc thắng trăm phần trăm... Cuối cùng, Đại tướng kết luận: Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và hoãn cuộc tiến công. Lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Lúc đó là 11 giờ trưa ngày 26-1-1954.

Quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng diễn ra trước 6 giờ nổ súng là một quyết định lịch sử, đầy khó khăn. Quyết định của Đại tướng dựa trên sự đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng, chính xác về địch, về ta. Ta không chỉ thấy được mặt mạnh của ta, mặt yếu của địch để rồi “lạc quan” thắng lợi mà không dám phản biện, tranh luận, thay đổi. Mặc dù công tác chuẩn bị chiến dịch đã theo kế hoạch nhưng địch cũng đã thay đổi lớn so với dự kiến trước đó, từ lâm thời phòng ngự sang phòng ngự kiên cố theo tập đoàn cứ điểm. So sánh tương quan lực lượng, ta không thể đánh thắng địch trong 3 đêm, 2 ngày được và nếu đánh theo phương án cũ, ta có thể sẽ thất bại. Ở đây ta thấy được tư duy quân sự của Đại tướng đã vượt lên trên hoàn cảnh, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Phải là người có tâm, có tầm, có trí tuệ và nhân cách lớn “dĩ công vi thượng” như Đại tướng thì mới thay đổi theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Quả đúng như vậy, từ dự kiến 3 đêm, 2 ngày giành thắng lợi theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, nhưng sau đó quân và dân ta phải mất 56 ngày đêm mới tiêu diệt được Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương án “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng.

70 năm trôi qua, quyết định lịch sử “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bài học vô giá, nhắc nhở chúng ta về tinh thần yêu nước, trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng khi được giao những trọng trách. Phát huy tinh thần đó vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải nắm chắc và phân biệt rõ đối tác, đối tượng; nắm chắc tình hình, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; đặc biệt quan tâm xây dựng sự đoàn kết trong cấp ủy, chỉ huy, đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, đoàn kết quân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm của Đại tướng trước Đảng, trước nhân dân khi phải ra quyết định thay đổi phương châm Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa là bài học, là động lực tinh thần to lớn để chúng ta, nhất là người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt tinh thần 7 dám: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào quá trình công tác. Đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy từng cơ quan, đơn vị không ngừng phát huy trách nhiệm cá nhân, có tư duy sáng tạo, đổi mới. Đặc biệt, trong thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại thì người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải có tư duy sắc sảo, quyết đoán để xây dựng cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu và bước phát triển mới của Quân đội, đất nước. Những cơ quan, đơn vị thuộc diện kiện toàn, sáp nhập cần thực hiện một cách quyết liệt, vì lợi ích chung. Những cơ quan, đơn vị được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, người chỉ huy cần có bước đột phá trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, huấn luyện, diễn tập, vừa nhằm phát huy yếu tố truyền thống, vừa tiếp cận cuộc cách mạng khoa học-công nghệ để Quân đội đủ sức đánh bại mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

TS VŨ BÌNH TUYỂN