Tôi gặp Đại tá Lường Văn Khoa tại Trạm khách T67, Bộ Tham mưu Quân khu 7 ở đường Hoàng Diệu sau một hội nghị. Hôm ấy, tôi chú ý đến ông bởi ông khác biệt hẳn so với nhiều CCB có mặt tại đó. Dáng cao lớn, tóc cắt cao nhiều sợi bạc, khuôn mặt vuông vức, ông nổi bật trong chiếc áo trắng. Nhìn ông như một trung niên tráng kiệt.
Khi đã thân quen, ông hé lộ được sinh ra ở Bắc Kạn vào năm 1946 và là người dân tộc Tày. Ông nhập ngũ năm 1964 rồi vào Nam, biên chế về các đơn vị đặc công chiến đấu cho đến ngày giải phóng (30-4-1975). Ông từng tham gia quân tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trước khi về nghỉ hưu, Đại tá Lường Văn Khoa là Phó hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 7.
Ông đưa tôi trở về với những ngày tháng đánh bọn Pol Pot trên đất Campuchia. Ông kể, tháng 7-1980, Bộ tư lệnh Quân khu 7 ra quyết định điều động ông về Trung đoàn 115, Đoàn 7701, Mặt trận 779 với chức danh Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng. Đầu năm 1981, ông mới sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ. Lúc này, Trung đoàn 115 đang làm nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho nhân dân của 3 xã thuộc huyện Stoung, tỉnh Kampong Thom, Campuchia.
|
|
Đại tá Lường Văn Khoa trò chuyện về thời chiến đấu ở Campuchia. Ảnh: XUÂN HÀ
|
- Cậu biết không, lúc ấy đầu của tớ có giá cao lắm?
- Xưa nay có ai bán đầu lấy tiền mà giá cao hả bác? Tôi thật thà hỏi lại ông.
- À, chuyện cũng dài. Tóm gọn lại là sau khi sang Campuchia làm nhiệm vụ thì bọn Pol Pot treo thưởng 50 lượng vàng cho ai lấy được đầu của tôi.
- Chắc bác phải tổ chức đánh cho chúng tổn thất nặng đến kinh hồn bạt vía thì mới có giá cao thế. Chuyện thế nào hả bác?
- Không hẳn thế đâu. Đó là cuộc chiến giành dân từ tâm.
Hướng mặt về phía cửa đầy ánh nắng, Đại tá Lường Văn Khoa chậm rãi kể.
Đến đơn vị, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lường Văn Khoa đi nắm bắt thực tế tình hình địa phương. Với vốn tiếng Khmer học được từ thời kháng chiến chống Mỹ, bộ đội Khoa đã nhanh chóng làm thân với cán bộ xã và trưởng các phum cùng nhân dân địa phương. Người dân ở đây yêu mến, kính trọng và gọi bộ đội Khoa là tà Khoa.
Ở thời điểm này, bọn Pol Pot bị đuổi đến vùng núi cao, rừng rậm. Thỉnh thoảng chúng cho lực lượng xuống tập kích các đoàn xe chở hàng tiếp tế, thậm chí có lúc chúng còn tập kích vào sở chỉ huy các tiểu đoàn.
Có hôm đang ngủ, nghe pháo nổ ùng oàng mấy phát gần sở chỉ huy rồi im bặt. Sáng hôm sau, Lường Văn Khoa và cán bộ đến hiện trường thì phát hiện vết đạn pháo 105mm được bắn từ hướng Bắc tới, cách sở chỉ huy Trung đoàn 115 chỉ chưa đầy 400m. Điều này gợi cho Lường Văn Khoa nhiều dự cảm chẳng lành.
Sau khi nghiên cứu tình hình, Lường Văn Khoa nhận định có khả năng bọn Pol Pot thiết lập đường dây liên lạc với một số kẻ xấu trong các phum nên mới nắm được thông tin và tổ chức lực lượng đánh lén.
Lần ấy, sau khi cấp trên lệnh cho đơn vị đưa 12 cán bộ lớn tuổi, sức khỏe yếu và thương binh về nước thì bộ đội Khoa nhận được thông tin từ một ông già rằng bọn Pol Pot đã xuống núi. Điều ấy khiến tà Khoa hết sức bất ngờ.
Sau một thời gian suy tính, chắp nối thông tin, Lường Văn Khoa đoán địch sẽ tập kích vào đoàn cán bộ về nước nên đề nghị hội ý chỉ huy và lên phương án tác chiến. Sau khi rà soát địa hình đường đi, Lường Văn Khoa đã dự kiến vị trí địch phục kích tại Lò Chan, vì nơi đây có nhiều yếu tố thuận lợi cho chúng.
Sáng hôm sau, đúng 6 giờ, đoàn cán bộ xuất phát như kế hoạch. Lúc sau, một đại đội do Lường Văn Khoa chỉ huy cũng lặng lẽ bám theo. Khi đoàn gần đến vị trí dự kiến thì có tiếng mìn nổ ầm ầm, tiếng súng AK và tiếng hô xung phong vang lên, Lường Văn Khoa lệnh cho đại đội cơ động gấp lên trợ chiến và cũng hô xung phong. Kết quả, ta đã tóm được 6 tên Pol Pot. Trung đoàn đưa 3 tên về tỉnh và nhốt 3 tên còn lại trong hầm để khai thác thông tin.
Nghe tin đó, hơn 150 người dân ở các phum lân cận kéo đến nhà Chủ tịch xã Ka-ro-dia là Lui Đùm, yêu cầu liên hệ với bộ đội Việt Nam để bảo lãnh người bị bắt. Chỉ huy Trung đoàn 115 cử lực lượng sang tuyên truyền, giải thích, nhưng họ không nghe. Ngày nào họ cũng đến nhà Chủ tịch, tuy lực lượng có giảm nhưng tính chất thì vẫn căng thẳng. Đến ngày thứ tư, có 10 người gồm 4 ông sãi già và 6 người dân đại diện cho 3 gia đình có người bị bắt yêu cầu Chủ tịch Lui Đùm đưa đến gặp bộ đội Việt Nam.
Trung đoàn 115 bố trí một lán nhỏ, mái phủ bạt để tiếp đón. Lúc này tà Khoa mới đến gặp, trò chuyện. Tà Khoa khéo léo hỏi về đời tư từng người và cuộc sống của họ dưới thời Pol Pot... Đến bữa, tà Khoa mời họ món ăn Việt Nam và tiếp tục trò chuyện vui vẻ. Cuối cùng, một ông sãi già đứng lên run run nói:
- Ở trong phum, kẻ xấu suốt ngày tung tin xuyên tạc về bộ đội Việt Nam. Bọn Pol Pot treo thưởng 50 lượng vàng cho ai lấy được đầu tà Khoa. Nhưng hôm nay thì đã hiểu lòng tốt của tà Khoa và Quân tình nguyện Việt Nam nên không nghe lời bọn chúng nữa...
Thì ra, trong số 3 tên bị nhốt tại Trung đoàn 115 có một tên từng là bí thư xã dưới thời chính quyền Khmer đỏ và từng có nhiều nợ máu với nhân dân. Bọn chúng muốn dùng áp lực của nhân dân để bắt bộ đội Việt Nam phải thả người. Nhờ có kinh nghiệm dân vận mà tà Khoa đã nắm bắt được tình hình và có cách giải quyết thấu tình đạt lý.
Vài ngày sau, một tên Pol Pot đột nhập tới nơi giam giữ, lẻn vào cắt dây trói để một tên tù binh bỏ chạy. Vừa trốn khỏi nơi giam giữ, tên này đã bị vệ binh phát hiện tri hô. Tà Khoa cầm khẩu súng ngắn lao ra khỏi lán đuổi bắt. Thấy tên Pol Pot chạy ra khoảng trống, tà Khoa lao đi như một mũi tên để đón đầu. Gần đến nơi, anh giơ súng định bắn nhưng lại thôi. Bị vây không đường chạy, tên tù binh bị bắt lại. Sau này, khi nhiều đồng đội thắc mắc sao không bắn, Lường Văn Khoa nói rằng, nếu bắn nó chết hoặc bị thương thì nhân dân trong các phum sẽ không còn tin bộ đội Việt Nam.
Trước tình hình đó, Lường Văn Khoa đã đề nghị với trên, tham mưu với chính quyền địa phương của bạn đưa đội vận động quần chúng về các phum của 3 xã: Đoong, Ka-ro-dia, Xăng-ka-riêm.
Ngay sau khi đội công tác gồm 43 người do Yêng Sô phụ trách đến, Trung đoàn 115 đã tổ chức họp và thống nhất hành động dân vận trong một tháng. Họ chia lực lượng công tác thành hai tổ. Một tổ đưa theo hai tên tù binh; tổ khác thì mang theo một tên. Họ về các phum để vận động.
Kết thúc tháng công tác, theo thống kê, cả nghìn người dân đã cung cấp thông tin về bọn Pol Pot, đồng thời giao nộp cho chính quyền hàng trăm khẩu súng các loại. Từ đó trở đi, không có hiện tượng lính Pol Pot phục kích, đánh phá hoạt động vận tải và đột kích vào nơi đơn vị đóng quân.
Những năm tiếp theo, Lường Văn Khoa được giao nhiệm vụ về làm chuyên gia Chủ tịch huyện Stoung. Tà Khoa có điều kiện gắn bó với đồng bào các phum và có lúc làm “thầy thuốc bất đắc dĩ”.
Gần dân, tà Khoa thấy nhiều người bị tiêu chảy nhưng chữa trị bằng "nước suối thiêng" và cầu cúng nên bệnh ngày càng nặng thêm. Ông đã hướng dẫn họ cách giữ vệ sinh, ăn chín, uống sôi và làm thuốc gia truyền từ cây rừng chữa khỏi cho nhiều người. Nhân dân gọi tà Khoa là thầy thuốc.
Một lần, có gia đình người địa phương hớt hải chạy vào nhờ tà Khoa cứu cháu nội của họ tên là A Siêu, 5 tuổi, nằm ly bì trên giường mấy giờ đồng hồ.
Hỏi chuyện mới biết, thấy cháu bị ho, gia đình mua thuốc và được người bán đưa cho 3 viên, hướng dẫn uống vào sáng, trưa, chiều. Nhưng sau khi uống 1 viên thì A Siêu ngủ mê man đến tận 6 giờ tối mà chưa tỉnh. Xem thuốc, tà Khoa tá hỏa nhận ra đó là thuốc phiện. Cháu bé đã uống quá liều nên mới ngủ ly bì... Ngay lập tức, tà Khoa điều trị, chăm sóc, giúp cháu bé dần tỉnh lại. Ông bà nội cháu bé đã quỳ lạy và cảm ơn “thầy thuốc Việt Nam” tà Khoa. Tiếng lành đồn xa, tà Khoa được nhiều người yêu quý.
Đại tá Lường Văn Khoa còn kể với tôi nhiều chuyện thú vị trong gần 10 năm làm nhiệm vụ ở Campuchia. Những câu chuyện ông kể ở trên khiến tôi liên tưởng đến câu Nguyễn Trãi viết trong “Bình Ngô đại cáo” nổi tiếng: “Bó tay để đợi bại vong, giặc đã trí cùng lực kiệt/ Chẳng đánh mà người chịu khuất, ta đây mưu phạt tâm công”.
Có lẽ, cách đánh giặc bằng tâm giống như Nguyễn Trãi khái quát, hoặc qua câu chuyện của Đại tá Lường Văn Khoa, chỉ có ở đạo quân nhân nghĩa, Bộ đội Cụ Hồ.
TRẦN THÁI HỌC