Vừa gặp, ông Nam kéo cổ tay áo, khoe với chúng tôi chiếc đồng hồ đeo từ ngày ở tù Côn Đảo: "Đồng hồ Liên Xô hiệu Poljot rất tốt, không cần lên dây cót mà mấy chục năm qua vẫn chỉ đúng giờ"...

Chúng tôi nghe xong chỉ biết cười. Ông đã lẫn rồi. Chúng tôi nói trêu ông: “Đồng hồ tù Côn Đảo chắc chắn là được tôi luyện sẽ khỏe hơn, tốt hơn đồng hồ của chúng cháu-bọn không được đi tù, bác ạ!”. Chúng tôi trêu mà không sợ ông giận, vì ông bị điếc khá nặng, phải ghé vào tai ông, quát to, ông mới cảm nhận được một số từ...

Thật ra, chiếc đồng hồ ông Phạm Nam đang đeo không phải là đồng hồ Poljot, nhưng ông vẫn khăng khăng gọi nó là “Poljot thuộc phe ta”. Ông đã phong tặng cho nó cái danh hiệu cao quý đó thì con cháu cũng vui vẻ thừa nhận. Tất nhiên, thời ông bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo chưa có đồng hồ. Đây là món quà ông được tặng 20 năm trước, hồi ông "mới" 82 tuổi. Hai cây kim sau mặt kính đã rụng ra khỏi trục mấy lần, lâu lâu, chúng lại tự giác tìm về vị trí cũ. Mắt của ông nay đã mờ, không nhìn rõ kim lẫn vạch số nhưng vẫn đinh ninh là mình ăn ngủ đúng giờ kim đồng hồ chỉ, không cần con cháu phải gọi.  

Ở Yên Mô, dòng họ Phạm của ông khá nổi tiếng vì truyền thống yêu nước và thi thư, khoa bảng. Ông Phạm Thận Giá-anh trai của ông Nam-xưa nổi tiếng là thần đồng "học một biết mười”. 18 tuổi, chàng trai Phạm Thận Giá đã học hết các thầy đồ nổi tiếng trong vùng. Không có tiền đi học ở làng xa, chàng quyết lên đường lập nghiệp. Hưởng ứng phong trào xuất dương, năm mới 20 tuổi, chàng tìm đường xuất dương theo nhà yêu nước Phan Bội Châu. Kế hoạch không thành, Phạm Thận Giá bị Pháp bắt bỏ tù... Ra tù, anh về quê rồi lên núi Bảng, một ngọn núi cao, hoang vu, rậm rạp, cùng đống sách, ngồi thiền và tìm hướng thoát cho tương lai...

Nối chí cha anh và truyền thống yêu nước của dòng tộc, ông Phạm Nam lớn lên cũng trốn bố mẹ, rời nhà đi hoạt động cách mạng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông Nam đã có mặt trong đội thanh niên tự vệ, giữ gìn an ninh cho lễ Quốc khánh tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Sau Ngày Toàn quốc kháng chiến, ông được cử ở lại Hà Nội xây dựng cơ sở nội tuyến, đưa các gia đình trí thức yêu nước lên Việt Bắc và các vùng tự do.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Phạm Nam - người cựu tù Côn Đảo. 

Sau Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông năm 1947, quân Pháp tăng cường lực lượng từ Hải Phòng lên đánh phá Liên khu 11-Hà Nội. Trước tình hình mới, cấp trên điều động ông từ Quân đội sang ngành an ninh, biên chế vào Đội Chi Lăng thuộc Công an xung phong nội đô Hà Nội. Thời gian ấy, ông lập nhiều chiến công trong quá trình trinh sát điều tra vẽ sơ đồ tác chiến đánh sân bay Bạch Mai, đồng thời tham gia nhiều trận đánh trừ Việt gian phản động. Không may, đến năm 1948, trong lần vượt tường rào vào thủ tiêu một tên ác ôn ở Hà Nội, ông Nam bị địch phát hiện. Quả lựu đạn ông ném chặn đường rút lui không nổ, ông bị bắt giam vào Nhà tù Hỏa Lò, rồi bị đày ra Côn Đảo. Suốt 6 năm bị tra tấn và lao động khổ sai trên đảo, ông vẫn không khai báo nửa lời, quyết giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng. Ngay trong năm 1949, ông Nam được kết nạp Đảng tại Chi bộ nhà lao.

Trong những năm lao tù, “đập đá Côn Lôn”, ông không hề biết rằng mình đang đi trên con đường mà một người tù nổi tiếng năm 1885 đã đi qua. Người tù đó chính là cụ nội của ông-cụ Phạm Thận Duật (1825-1885), một quan đại thần triều Nguyễn trong phe chủ chiến nhưng phải tuân lệnh vua Tự Đức ký Hòa ước Patenôtre cầu hòa, rồi lại được vua Hàm Nghi ra lệnh chắp bút soạn chiếu Cần Vương. Trên đường hộ giá vua Hàm Nghi ra Tân Sở, Quảng Trị và ra Bắc vận động sĩ phu Bắc Hà hưởng ứng Phong trào Cần Vương kháng chiến, cụ Phạm Thận Duật bị Pháp bắt. Bất chấp mọi lời đe dọa, dụ dỗ hợp tác với chính phủ Nam Triều, cụ Phạm Thận Duật vẫn cự tuyệt, chấp nhận án tù biệt xứ. Trên đường đi đến nhà tù đảo Tahiti, cụ phải dừng lại một tháng tránh bão và chờ tàu trong nhà lao Côn Đảo. Như vậy, trong dòng họ Phạm ở Yên Mạc, ông Nam trở thành người tù chính trị thứ hai bị giam ở Côn Đảo.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, chiến sĩ Phạm Nam được trao trả về đất liền, người gầy "nhẹ như xác ve"... Rất may, đúng thời điểm ấy có cô gái con nhà tư sản trông thấy, động lòng thương, đưa ông về chăm sóc, phục hồi sức khỏe, rồi lấy làm chồng. Trong đám cưới, khách Hà Nội thì thầm bàn tán, cho rằng đó là một hôn lễ xuất phát từ lòng vị tha, tinh thần nhân đạo, không mấy "môn đương hộ đối". Cô dâu là con gái của nhà hàng bánh kẹo Tùng Hiên rất giàu có lúc đó. Bình luận như vậy thật ra rất thiếu cơ sở thông tin. Vì nhà hàng Tùng Hiên ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám đã là một cơ sở bí mật của Đảng. Nhiều chiến sĩ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Minh Đạo đã được nuôi giấu ở đó. Ít người biết rằng, ông Nam và người bạn đời đến với nhau bằng tình yêu cách mạng.  

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Phạm Nam (bên phải) và người thân. Ảnh: MẠC YÊN

Hoạt động tiếp trong ngành an ninh ít năm, ông Nam trở thành một trong số những chiến sĩ cảnh vệ đạt trình độ nghiệp vụ cao cấp. Năm 1959, ông được vinh dự bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Ấn Độ Rajendra Prasad cùng đi trồng cây bồ đề Phật tổ trong chùa Trấn Quốc. Nhưng rồi, sau hơn 10 năm công tác trong ngành an ninh, do hậu quả của những năm tháng bị tra tấn, tù đày trong nhà tù thực dân, hai đầu gối bị cai tù dùng búa gõ tra tấn mỗi năm một đau nhức khiến sức khỏe ông ngày càng giảm sút. Hai tai ông nặng dần, thần kinh ông cũng theo thính lực, mỗi ngày một yếu, vì vậy, ông xin chuyển sang ngành bưu điện và làm việc cho đến lúc nghỉ hưu. 

Mùa xuân năm 2024 này, CCB Phạm Nam đã bước sang tuổi 102. Tai điếc, mắt mờ, đãng trí, nhưng gân cốt vẫn khá rắn chắc, đặc biệt là ông vẫn sống rất lạc quan. Trò chuyện với người thân của ông, chúng tôi được biết, ông luôn ước mong được trở lại thăm Côn Đảo một lần. Mong ước như một điều day dứt, vì ông nghe nói trong Bảo tàng Côn Đảo hiện nay có treo ảnh chân dung cụ nội của ông-Thượng thư Phạm Thận Duật, đặt ở vị trí thứ hai trong dãy chân dung những tù nhân đầu tiên của Côn Đảo. Và một điều nữa là năm nay ông sẽ được nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng. 

Chụp ảnh kỷ niệm với ông, tốp CCB chúng tôi an ủi: "Chúng cháu sẽ tặng bác cái huy hiệu CCB Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Tỉnh Quảng Trị là đất chiến trường, năm 1885, cụ Duật nhà ta đã đưa vua Hàm Nghi từ Huế ra lập căn cứ địa đấy".

Thật ra, nói vậy là chúng tôi nói cho nhau nghe. Tai ông nặng, may ra nghe lọt được một vài từ. Nhưng mới chỉ nghe được hai tiếng "huy hiệu" (nhờ tôi quát thật to vào tai) ông Nam đã gật gật đầu. Khuôn mặt ông bừng sáng với nụ cười vui, tràn đầy hy vọng...

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG