Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc (nay là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) khoảng tháng 6-1971, một số bạn trong khóa chúng tôi đang chờ phân công công tác thì nhận được giấy gọi nhập ngũ. Ngày 25-8-1971, tại trường ở nơi sơ tán (Phúc Yên, Vĩnh Phúc), chúng tôi đã khoác lên mình bộ quân phục rộng thùng thình. Cảm giác mới lạ và thích thú ập đến.

Chỉ sau đó nửa tháng, ngày 6-9-1971, lệnh tổng động viên ban ra toàn quốc. Sinh viên và giảng viên đại học ở các trường trên địa bàn Hà Nội cũng rầm rập nhập ngũ. Cụm từ "lính sinh viên" bắt đầu xuất hiện trong Quân đội từ đấy.

Sau ngày nhập ngũ, chúng tôi được đưa về một ngôi làng thuộc huyện Mê Linh (bây giờ thuộc TP Hà Nội) để tập điều lệnh đội ngũ. Tiểu đội trưởng của chúng tôi trẻ măng, nói ngọng "l" với "n". Ban đầu nhiều người trong chúng tôi thấy buồn cười nhưng dần dần nghe nhiều cũng quen. Những ngày đầu, nỗi nhớ sách vở vẫn luôn vởn lên vào giờ nghỉ, nhất là những lúc đêm xuống. Mấy cuốn sách chúng tôi mang theo đã được đọc hết nhẵn. Ở thành phố, tôi đã "phải lòng" sách từ thời niên thiếu, giờ làm quen một môi trường mới-môi trường quân ngũ "lính mới tò te" cũng có không ít bỡ ngỡ...

Qua những ngày tập điều lệnh, chúng tôi được hành quân về ga Phúc Yên. Từ đây về ga Yên Viên rồi chuyển tàu lên Thái Nguyên. Chúng tôi là lính mới thuộc Sư đoàn 304A. Ở ga Phúc Yên, một cuộc chia tay với bạn bè trong trường ra đưa tiễn đầy nước mắt. Người yêu tôi nức nở trong vòng tay tôi. Tôi và nàng đã yêu nhau từ năm 1968. Nếu không nhập ngũ, chúng tôi dự định sau khi ra trường, nhận công tác sẽ tổ chức lễ cưới vào năm 1972. Bởi thế nên cuộc chia tay hôm ấy khởi đầu cho những ngày xa cách đẫm lệ. Nhưng biết làm sao được. Thời chiến mà. Trong số chúng tôi, ngoài những bạn cùng lớp, đồng khóa (1966-1971) còn có các thầy, như: Thầy Lương (Khoa Vô tuyến điện), thầy Đức (Khoa Khoa học cơ bản)... Thầy trò bây giờ thành đồng đội. Người yêu tôi vẫn chưa thôi khóc. Nàng có linh cảm gì, tôi đâu biết được. Còn tôi, môi trường mới buộc phải cứng rắn để vượt qua chính mình, để có đủ khả năng thích ứng với tình hình. Bởi vậy mà tôi đã nén khóc. Nhưng tôi cũng đang dần nhận ra, trước mắt sẽ là những ngày tháng mới, môi trường mới lạ... Cảnh chia tay ở sân ga đã khắc sâu vào đáy lòng tôi không thể phai mờ. Đã bao người lính như thế trước tôi?

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ ANH 

Lên Phú Bình (Thái Nguyên), chúng tôi thuộc biên chế của Tiểu đoàn 45 huấn luyện. Những ngày mưa nắng thao trường, những đêm tuần tra canh gác đã nhuốm vào từng người lính mới màu sương gió. Từ Tiểu đoàn 45 huấn luyện, chúng tôi lại được thuyên chuyển sang Tiểu đoàn 44 huấn luyện tại xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Đấy là một làng ven sông Cầu, gần phố Thắng. Ở đó, ngoài chúng tôi, các đại đội khác cũng toàn học sinh và giáo viên các trường trung cấp nghề. Chúng tôi bắn đạn thật ở Trường bắn Núi Đót và hành quân dã ngoại dài ngày. Đích thân những cán bộ Tiểu đoàn này sẽ dẫn những người lính mới chúng tôi vào chiến trường.

Sau đợt dã ngoại đầy thử thách qua rừng núi Võ Nhai, Đình Cả, chúng tôi lại được thuyên chuyển tiếp tục sang Sư đoàn 325A đóng tại Thượng Lan, Bắc Giang. Ở đây tất cả sinh viên đã tốt nghiệp như chúng tôi và các giảng viên đại học của nhiều trường đều được tập hợp vào một đại đội nằm trong "tiểu đoàn sinh viên" do Sư đoàn 325A quản lý. Sư đoàn 325 vốn là đơn vị tiền thân ở Mặt trận Bình-Trị-Thiên thời chống thực dân Pháp cho đến bây giờ. Mặt trận mà Sư đoàn sẽ tham chiến chính là Quảng Trị năm 1972. Còn anh em ở Sư đoàn 304 mà chúng tôi vừa rời xa thì với phẩm chất của một sư đoàn chuyên đánh rừng núi sẽ thẳng tiến vào Tây Nguyên mà cụ thể là Mặt trận Kon Tum cũng nóng bỏng như Mặt trận Quảng Trị mùa hè năm 1972. Sau này gặp lại những người trở về, được biết rất nhiều đồng đội của tôi ngày ấy mãi mãi nằm lại Kon Tum mùa hè năm 1972. Giữa những người lính ngã xuống năm 1972, đã có bao nhiêu người lính sinh viên...

Ở Sư đoàn 325, "đại đội đặc biệt", chúng tôi đón Tết 1972 tại Thượng Lan. Mùa đông năm ấy không biết rét hơn hay do lính mới trang bị phong phanh mà tôi cảm thấy cái buốt lạnh luôn thường trực cứa vào thân thể như những nhát dao vô tình. Ở đại đội "lính mới tò te" này có lẽ tuổi tác già nhất toàn quân. Trẻ nhất đại đội thì cũng vừa tốt nghiệp đại học 5 năm, khoảng 22-23 tuổi, còn già nhất là các giảng viên đại học có người đã 35 tuổi. Nhưng dù trẻ hay già cũng đều là binh nhì, cùng tổ 3 người.

 Để chuẩn bị cho xuân mới năm ấy, các trung đội râm ran chuẩn bị những tiết mục văn nghệ. Nhiều anh em có năng khiếu văn nghệ đã được phát huy. Nhiều người nhờ thế mà được tranh thủ tụt tạt về Hà Nội để mang lên các nhạc cụ như: Accordion, kèn clarinet, đàn violin... Tôi cũng được tranh thủ về nhà để mang lên cây guitar mượn của bạn cùng trường, nhà ở phố Hàng Lược (Hà Nội). Tôi vốn yêu âm nhạc từ bé. Tình yêu âm nhạc khiến tôi luôn mong ước sau này trở thành nhạc sĩ. Năm 1965, tôi đã viết ca khúc "Hành khúc tự vệ trường Thái Phiên" cho Trường cấp 3 Thái Phiên của tôi ở Hải Phòng. Khi đang học ở Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc, tôi cũng để lại một hành khúc "Bài ca Trường Đại học Kỹ thuật thông tin liên lạc". Máu âm nhạc khiến tôi và một số bạn khi đóng quân ở Thái Sơn còn rủ nhau đêm thứ bảy lội qua sông Cầu sang đất Phổ Yên, Thái Nguyên chơi. Ở thị trấn này có nhiều nhà máy, có nhiều người đi học nước ngoài về đem theo những máy quay đĩa của Nga, của Đông Âu. Chúng tôi cứ thế đi trong đêm Phổ Yên, chỗ nào nghe thấy âm nhạc thì dừng lại lắng nghe say sưa. Một lần thấy ở trong căn nhà vọng ra tiếng hát của ca sĩ thần đồng Ý Robertino với "Trở về Suriento", "Mama"... chúng tôi như bị chôn chân trước cửa căn nhà xa lạ. Người chủ nhà bất ngờ mở cửa thấy một nhóm chiến sĩ đứng sững như trời trồng thì lạ quá. Anh lịch sự mời tất cả vào căn nhà chật chội của mình để ngồi thưởng thức âm nhạc. Nhờ thế thành quen. Sau bữa đó, cứ tối thứ bảy là chiến sĩ mới chúng tôi lại rủ nhau lội sông sang nhà anh nghe nhạc. Và nhóm chúng tôi đã được đặt tên là "Hội lội sông".

Sau Tết, chúng tôi được biên chế về các quân, binh chủng trong toàn quân. Tôi, nhà thơ Anh Ngọc cùng một số bạn học được biên chế về trung đoàn xây dựng đường dây 132 của Bộ tư lệnh Thông tin. Rồi ngày lên đường vào Quảng Trị cũng đến... Từ đó đến nay cũng đã mấy chục năm trôi qua, trong những ngày đầu xuân mới này, khi thanh niên trên khắp mọi miền đất nước đang rộn ràng không khí nhập ngũ, những ký ức về những ngày đầu trong quân ngũ của tôi lại ùa về. Những ngày đầu quân ngũ ấy đã cô đặc trong tôi thành bài thơ "Chúng mình":

Chúng mình là những binh nhì

Qua đại học rồi vào bộ đội

Rời chồng sách cũng "sọt rèn"  leo núi

Khép cửa gác cao tay mở đất dựng hầm

 

Chiếc vỏ chăn đắp tạm mùa đông

Giảng đường mới bãi cỏ xanh trống trải

Tiểu đội trưởng chính là thầy giáo mới

Chân lại tập đi, tay lại tập chào

 

Luyện tập liên miên một tuần qua mau

Đốn củi, xúc than tranh thủ ngày chủ nhật

Thoắt ba tháng bắn xong bài thứ nhất

Dã ngoại về chuẩn bị vượt Trường Sơn

 

Anh là thầy giáo bộ môn

Anh nữa với tôi công trình còn phần cuối

Tất cả bây giờ đều là đồng đội

Tổ ba người ba khẩu AK

 

Tất cả cùng về tấp nập sân ga

Cùng cõng nặng ba lô con cóc

Bao giờ quên tháng ngày này đất nước

Chỉ còn đêm nay là ta ra đi...

  Nhạc sĩ NGUYỄN THỤY KHA