Ký ức những đêm không ngủ

Ông Võ Quê sinh năm 1948, tại Phú An, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (nay là Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế), nguyên Trưởng ban Công tác Liên chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực Bắc miền Trung... Ông bắt đầu tham gia phong trào học sinh, sinh viên ở Quảng Trị từ năm 15 tuổi. Năm 1968, ông vào Huế học lớp Đệ nhất Ban C Trường Quốc học Huế và tích cực tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên ở Huế. Các phong trào đấu tranh này đa số do Tổng hội Sinh viên Huế lãnh đạo.

Thời kỳ ở Trường Quốc học Huế, ông Võ Quê đảm nhiệm vai trò Trưởng khối Báo chí-Văn nghệ của Tổng hội Sinh viên Huế, rồi tham gia Ban cán sự sinh viên, học sinh Huế. Tuổi mười tám, đôi mươi sục sôi bầu nhiệt huyết, bất chấp hiểm nguy, Võ Quê xông xáo trong những buổi mít tinh, tuyệt thực, bãi khóa, cùng học sinh, sinh viên những đêm không ngủ xuống đường đấu tranh đòi thả tự do cho học sinh, sinh viên bị bắt, đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thống nhất đất nước.

Ông nhớ lại: “Từ năm 1970, tôi trực tiếp tham gia phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên yêu nước. Đau thương, chết chóc không thể làm tuổi trẻ Huế chùn chân. Ngục tù, bom đạn không ngăn được phong trào yêu nước ở thành phố nổi dậy, tiến công. Sức mạnh nhân dân Huế đã nuôi lớn tâm hồn tuổi trẻ chúng tôi, giúp chúng tôi biết chịu thương, chịu khó và biết sống vì một lý tưởng cao đẹp". Năm 1971, lực lượng của ngụy quyền Sài Gòn thường tổ chức đàn áp Tổng hội Sinh viên Huế vào ban đêm ở một số đường thuộc TP Huế. Thời bấy giờ, ông Võ Quê làm phát thanh phản đối chiến tranh có hôm bị hộc cả máu, ngã trên tay bạn bè rồi được đưa đi bệnh viện cấp cứu... Thế nhưng tinh thần chiến đấu của ông và các bạn vẫn không hề giảm sút. Ông Võ Quê bị bắt giam vào nhà tù Côn Đảo từ ngày 7-5-1972 cho đến tháng 3-1973.

Nhớ lại những tháng ngày đó, ông chia sẻ: “Khi bị bắt ra nhà tù Côn Đảo, điều đầu tiên là tôi tự nhủ mình kiên quyết giữ gìn khí tiết, phẩm chất cách mạng để trong quá trình bị địch thẩm vấn, tra khảo... vẫn không làm phương hại tổ chức, lộ bí mật cơ sở. Sau đó, trong thời gian bị giam cầm tôi được các anh Nguyễn Quang Vịnh, Nguyễn Trung Tín... lúc ấy ở trong xà lim hầm đá Trại Phú Hải (Trại Hai) bí mật liên hệ, động viên nên tôi tự tin, lạc quan tiếp tục hoạt động bằng cách đưa thông tin, thuốc men, thơ sáng tác trong nhà tù Côn Đảo đến các tù nhân khác. Chính nhờ có tâm trạng phấn chấn, tin tưởng về một ngày tự do mà tôi vượt qua nỗi ám ảnh ngục tù”.

Cho đến bây giờ, thời quá khứ hào hùng hòa mình vào phong trào yêu nước của tuổi trẻ học đường ấy trở thành ký ức không phai mờ trong lòng người cán bộ hội năm xưa. Những tháng ngày xuống đường đấu tranh gian khổ mà tràn đầy dũng khí cùng những bài thơ ông viết trong những ngày rực lửa đấu tranh, chống Mỹ-ngụy đến nay vẫn được nhiều bạn bè nhắc đến.

leftcenterrightdel

Nhà thơ, nghệ nhân Võ Quê. 

 Những vần thơ có lửa

Vừa tham gia các phong trào đấu tranh, ông Võ Quê vừa viết văn, làm thơ. Những năm chiến tranh ác liệt, ông viết vở kịch thơ "Giọt máu ta một biển hòa bình" và tác giả cũng là diễn viên chính trong vở kịch ấy. Những lần diễn tại đại học xá Nam giao Huế, đại học xá Minh Mạng, Sài Gòn, Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đều trong vòng vây của cảnh sát dã chiến, mật vụ.

Ông Võ Quê bắt đầu sự nghiệp sáng tác thơ năm 16 tuổi và có tác phẩm đầu tiên được xuất bản vào năm 1969. Đến nay, ông đã xuất bản hơn 20 tập thơ, lời ca Huế, truyện ngắn và bút ký. Ký ức của một thời tuổi trẻ sôi nổi xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình và những tháng năm bị đày ải nơi nhà tù Côn Đảo đã đi vào tác phẩm của ông, được ghi chép lại trong các tập thơ, hồi ký như: "Một thuở xuống đường"; "Côn Đảo"; "Lục bát Côn Đảo" và "Lửa đường phố"... Đặc biệt, bài thơ "Thừa Phủ ơi lòng ta hồng biển lửa!", thai nghén trong phong trào đấu tranh sục sôi của sinh viên thập niên 1970 đã được tuổi trẻ học đường miền Nam thời đó yêu thích.

Nói về hoàn cảnh ra đời của bài thơ này, ông tâm sự: “Thời học Ban C ở Trường Quốc học Huế, tôi may mắn được làm Trưởng ban Báo chí-Văn nghệ của trường niên khóa 1968-1969 và làm quen dần với không khí văn học nghệ thuật tại TP Huế. Hằng ngày trên đường Lê Lợi, TP Huế, tôi bắt gặp hình ảnh những tù nhân nhà lao Thừa Phủ làm lao công trong tư thế nhọc nhằn, gian khổ. Qua hình ảnh họ tôi muốn thể hiện khát vọng tự do, hòa bình, thống nhất đất nước, tinh thần chống áp bức bạo quyền của nhân dân trong vùng địch tạm chiếm. "Kiêu hùng tóc biếc bay cao/ Em tung nón rách/ Em gào tự do/ Ngày mai trên những chuyến đò/ Có cô con gái học trò sang sông/ Áo bay thơm má em hồng/ Cờ vươn cao gọi gió/ Thừa Phủ ơi/ Lòng ta hồng biển lửa!".

Bài thơ sau đó được phổ biến rộng trong phong trào yêu nước ở Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn, Cần Thơ... Cũng theo lời kể của ông Võ Quê thì sau này khi có dịp gặp nhau các anh chị em trong phong trào thanh niên sinh viên, học sinh yêu nước trước đây vẫn mời ông đọc lại bài thơ ấy. Với ông, quá khứ đẹp luôn luôn mới. Âm vang của bài thơ mong sẽ còn được ngân vọng trong tình tự đất nước đang ngày một đổi mới, phồn vinh.

leftcenterrightdel

Bìa tập thơ "Một thuở xuống đường" của tác giả Võ Quê.  

Miệt mài gìn giữ ca Huế

Thời thanh niên sôi nổi xuống đường tranh đấu với những vần thơ có lửa sau đó ông Võ Quê tiếp tục theo đuổi đam mê văn hóa nghệ thuật. Từng là Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Võ Quê luôn trăn trở, nghĩ suy làm sao gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Trọn đời gắn bó với vùng đất quê hương nên phong cảnh thiên nhiên và bản sắc văn hóa Huế đã ăn sâu vào máu thịt trở thành tình yêu tha thiết, nặng sâu trong tâm hồn thi sĩ.

Năm 1983, Câu lạc bộ (CLB) ca Huế thính phòng được thành lập, nhà thơ Võ Quê cùng với các nghệ nhân, nghệ sĩ ca Huế nhiều năm qua đã lặng lẽ “giữ lửa” cho loại hình nghệ thuật này.

Trung trinh một tấm lòng, 40 năm đồng hành, trong vai trò là Chủ nhiệm CLB, với tâm niệm “Tri ân tiền nhân để phát tiết tinh hoa”, Võ Quê luôn đau đáu làm sao để ca Huế thính phòng không bị mai một. Đều đặn vào tối thứ ba hằng tuần, CLB ca Huế thính phòng lại tổ chức biểu diễn miễn phí tại địa chỉ 25 Lê Lợi, TP Huế để phục vụ khán thính giả, những người yêu ca Huế. CLB đã thu hút được rất nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân gạo cội và cả những bạn trẻ có năng khiếu, tình yêu loại hình nghệ thuật ca Huế đến đây cùng giao lưu, sinh hoạt, gìn giữ và lan tỏa.

Trước đây, ông Võ Quê từng đưa nhóm ca Huế của Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên Huế sang Mỹ tham dự liên hoan dân ca quốc tế ở Lowell, đã gây tiếng vang lớn cho ca Huế với người xem nơi đất khách. Sau đó là nhiều cuộc xuất ngoại khác như đi Pháp, Hàn Quốc... ca Huế vì thế được bạn bè khắp nơi biết đến. CLB ca Huế thính phòng thỉnh thoảng đến các trường học, bệnh viện trên địa bàn tỉnh để biểu diễn, đồng thời giao lưu với các CLB dân ca các tỉnh miền Trung và TP Hồ Chí Minh... Trong vai trò người đứng đầu CLB, nhà thơ, nghệ nhân Võ Quê luôn cháy hết mình bằng tình yêu da diết với các làn điệu dân ca, đưa ca Huế đến gần hơn với bạn trẻ. Với ý thức nâng niu, trân trọng, gìn giữ ca Huế, vừa qua, ông đã hoàn thành cuốn sách bút ký "Khổ luyện và tài hoa" giới thiệu chân dung các nghệ sĩ ca Huế từ xưa đến nay và sưu tầm, biên soạn để cho ra mắt sách "Lời ca Huế".

76 tuổi đời, nhà thơ, nghệ nhân Võ Quê vẫn không ngừng say sưa giữ lửa đam mê, để ca Huế cứ da diết, cứ nỉ non, cứ đọng mãi trong lòng người nghe.

 Bài và ảnh: TRẦN VĂN TOẢN