Ông là nhạc sĩ Lê Mây-tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Hà Nội linh thiêng và hào hoa”, “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Người là Hồ Chí Minh”, “Lời ru của mẹ”...

Từ chiếc nôi âm nhạc cổ truyền

Nhạc sĩ Lê Mây sinh năm 1942, quê ở xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Miền quê thanh bình của vùng đồng bằng Bắc Bộ ấy trong ký ức của cậu bé Lê Mây cho đến nay còn vang vọng tiếng đàn bầu, đàn nhị. “Năm tôi 13 tuổi, chú ruột tôi đi bộ đội về mang theo cây đàn nhị. Tôi mê mẩn đến nỗi cắt cả phanh xe đạp làm dây, lén cắt cả tóc mẹ làm tay kéo. Hồi ấy, mỗi lần có đoàn chèo ở các tỉnh về biểu diễn, hay mỗi khi trong làng, trong xã có đám tang là tôi lại chăm chăm lén đi xem các nhạc công kéo đàn để học lỏm cách chơi”-nhạc sĩ Lê Mây nhớ lại.

leftcenterrightdel
 

Niềm say mê với âm nhạc truyền thống cứ thế lớn dần trong cậu bé Lê Mây. Năm 1960, ở cái tuổi thanh niên sôi nổi nhất, Lê Mây trở thành học sinh Khoa Nhạc cụ dân tộc, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông kể: “Trước khi đỗ trường âm nhạc tôi đang học trường ngoại ngữ đóng ở bãi Phúc Xá. Nhưng niềm đam mê với âm nhạc đã khiến tôi quyết tâm thi tuyển trường nhạc. Hôm nhận giấy báo trúng tuyển bố đem từ quê lên, tôi vui đến nỗi chỉ kịp báo với chị lớp trưởng trường ngoại ngữ rằng em đỗ rồi, em sang học ở trường nhạc đây”.

Những năm tháng học ở Trường Âm nhạc Việt Nam, dưới sự dìu dắt của NSND Vũ Tuấn Đức, các thầy Tạ Tấn, Phạm Ngữ… cậu học trò Lê Mây đã dần trưởng thành. Năm 1964, sau khi tốt nghiệp thủ khoa hệ trung cấp Khoa Nhạc cụ dân tộc Việt Nam, theo tiếng gọi của Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, chàng thanh niên Lê Mây khoác ba lô lên Tây Bắc nhận phụ trách dàn nhạc của Đoàn Văn công Nghĩa Lộ. Những năm tháng gắn bó với nơi này, không bản làng nào ông không qua, từ bản người Mông, người Thái đến người Mường ông đều đặt chân tới. Dẫu phải trèo đèo, lội suối đi phục vụ biểu diễn cho bà con nhưng gian khó chẳng khiến ông bỏ cuộc. Cũng tại đây, Lê Mây đã sáng tác những ca khúc đầu tiên cho đoàn văn công biểu diễn như: “Mẹ đảm con ngoan”, “Lão Hoa đi tìm bò”, “Ta đi trồng rừng”, “Pú Trạng ơi máy bay rơi”, “Bài ca người đốn gỗ”… đồng thời còn còn dạy nhạc lý cho các nghệ sĩ trong đoàn.

Đến những ca khúc ghi dấu thời gian

Sau này (từ năm 1971 đến năm 1990) khi trở về Thủ đô công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Lê Mây vẫn giữ được cho mình nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào. Ông viết nhiều, viết khỏe và dường như chẳng “ngại ngần” bất kể đề tài nào. Nhiều cuộc thi viết ca khúc do các ngành, các tỉnh, thành phố hay các hội văn học-nghệ thuật phát động, ông đều sẵn sàng tham gia và đã gặt hái được những giải thưởng cao. Bài hát “Người là Hồ Chí Minh” là một minh chứng. Ca khúc này ông viết năm 1990 để hưởng ứng cuộc thi viết về Bác Hồ do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động và đã được giải đặc biệt. Hay như bài “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” ông viết ở Khách sạn Khăn Quàng Đỏ từ một sự thôi thúc của một người bạn rằng, làm sao để các em có được bài hát biểu diễn ngay trong hội nghị hôm ấy. Một số ca khúc khác của ông cũng được ra đời từ “chất xúc tác” là các cuộc thi như: “Võng đay trưa hè” (đoạt giải cuộc thi do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức), “Ao làng” (đoạt giải cuộc thi sáng tác về đề tài môi trường), “Mũ bảo hiểm” (đoạt giải cuộc thi sáng tác về đề tài an toàn giao thông)…

Nhạc sĩ Lê Mây chia sẻ, nhiều người nói sáng tác thường phải xuất phát từ nguồn cảm hứng chứ không gò theo một khuôn khổ hay định hướng của một cuộc thi thì mới có chất lượng, tuy nhiên với ông thì khác. “Viết theo định hướng, theo chủ đề không dễ, sáng tác ca khúc cho một cuộc thi đòi hỏi nghệ sĩ phải có “tay nghề” và cả “kỹ năng”-nhạc sĩ Lê Mây khẳng định. Và điều này đã được ông minh chứng bằng rất nhiều tác phẩm của mình.

leftcenterrightdel
Bản nhạc “Trăng về phố” của nhạc sĩ Lê Mây. Ảnh: ĐẶNG THỦY

Chùm ca khúc ông viết trong chuyến ra huyện đảo Trường Sa tháng 4-2009 là một ví dụ cho thấy sức viết khỏe, khả năng sáng tạo dồi dào của nhạc sĩ. Chỉ trong 8 ngày ở Trường Sa, nhạc sĩ Lê Mây đã viết được 7 ca khúc (“Sóng gió Trường Sa”, “Tôi hát đảo Phan Vinh”, “Chuyện tình Trường Sa”, “Đảo chìm”, “Cây xanh trên đảo”, “Con tàu Titan”, “Ra biển”). Trong đó, ca khúc “Chuyện tình Trường Sa” đã được giải thưởng của Bộ Quốc phòng, ca khúc “Đảo chìm” đoạt giải Nhất cuộc thi “Đây biển Việt Nam”.

Điểm lại một số ca khúc của nhạc sĩ Lê Mây càng thấy rõ sự tài hoa cũng như khả năng sáng tạo của ông. Sau này khi đã nghỉ công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, tưởng như có thể rời bỏ âm nhạc để theo đuổi kinh doanh, nhưng rồi niềm say mê với âm nhạc vẫn níu ông không dứt. Ông quyết định lại dừng việc kinh doanh để chuyên tâm với âm nhạc. Đến với âm nhạc từ thuở mười tám, đôi mươi, giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, nhạc sĩ Lê Mây đã có gia tài khá “đồ sộ” với khoảng 300 ca khúc về nhiều đề tài, từ quê hương, đất nước, tình yêu, tuổi trẻ đến đề tài về thiếu nhi hay cuộc sống đời thường, trong đó có rất nhiều tác phẩm đã in dấu trong lòng công chúng.

Và một Hà Nội linh thiêng hào hoa...

Nói đến nhạc sĩ Lê Mây không thể không nhắc đến những ca khúc ông viết về Hà Nội. Và nói đến những ca khúc viết về Hà Nội không thể không nhắc đến nhạc sĩ Lê Mây. Từ bài hát đầu tiên ông viết về Hà Nội-bài “Đêm thu Hà Nội” cách đây hơn 30 năm, tình yêu Hà Nội tiếp tục được ông nối dài qua hàng loạt các ca khúc: “Quê hương ơi, Hà Nội ơi”, “Trăng về phố”, “Hà Nội linh thiêng hào hoa”, “Cà phê chiều Yên Phụ”, “Phía tây thành phố”…

Nếu như “Quê hương ơi, Hà Nội ơi” là lời tỏ bày tình yêu với nơi mình đã sinh ra và nơi mình gắn bó thì “Trăng về phố” lại là khúc tâm tình ông gửi trao trong một đêm Hà Nội mất điện. Còn “Hà Nội linh thiêng hào hoa” là một ca khúc đã nằm lòng trong trái tim của bao người yêu nhạc. Ca khúc này được tác giả ấp ủ sáng tác từ rất lâu nhưng năm 1997, ông mới chỉ nhen nhóm viết được 4 câu. Sau đó khi tham gia trại sáng tác viết về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, trong một giấc mơ ông bỗng thấy trước mắt mình một kinh thành sương khói huyền bí. “Và rồi những câu hát đầu tiên bật lên trong tôi: “Trăm miền về đây, về đây hội tụ/ Ngàn năm về đây, về đây hội ngộ/ Khí phách cha ông hồn thiêng sông núi/ Khát vọng bao đời gửi gắm đó Thăng Long/ Ôi kinh thành ngàn năm ngàn năm/ Qua nắng mưa thời gian thời gian/ Qua bão giông đạn bom đạn bom/ Vẫn uy nghiêm rêu phong rêu phong Hà Nội/ Vẫn thơm hương từng trang từng trang Hà Nội”. Tôi ngồi dậy, lấy vội cây bút chép liền mạch như có người đọc bên tai. Sau 30 phút, ca khúc được hoàn thành, tôi gọi Vũ Thiết (người ở cùng phòng với tôi ở trại sáng tác) dậy nghe bài hát. Nghe xong, Thiết bảo: “Thật tuyệt vời”, còn tôi thì thở phào nhẹ nhõm”-nhạc sĩ Lê Mây nhớ lại.

Ca khúc “Hà Nội linh thiêng hào hoa” được đánh giá là ca khúc hay nhất của trại sáng tác, sau đó được thu thanh và được nhiều ca sĩ tên tuổi lựa chọn biểu diễn khi hát về Hà Nội. Với Lê Mây đây cũng chính là niềm hạnh phúc vô bờ của người nghệ sĩ khi tác phẩm của mình đến và sống được trong lòng công chúng.

leftcenterrightdel
Bản nhạc “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Ảnh: ĐẶNG THỦY

Ca khúc “Phía tây thành phố” ra đời gần đây nhất (tháng 3-2019), ông viết như một sự mở rộng biên độ không gian cho Hà Nội. Không chỉ là Hà Nội của Hồ Tây, Hồ Gươm, của cây xanh mái phố; không chỉ là Hà Nội của những con đường thênh thang, những tòa nhà cao vút… Hà Nội trong ông còn là nơi có ngôi nhà bình yên giữa làng quê yêu dấu. Nơi ấy: “Làng bình yên trong phố/ Phố tưng bừng trong làng/ Lối mòn xưa cũ đã đổi thay/ Và con đường mới đang rộn ràng phía tây hôm nay như thế đó/ Dù cho ai đi đâu về đâu/ Tôi vẫn mãi tình yêu Hà Nội/ Tôi vẫn mãi phía tây thành phố/ Vì nơi đó với tôi bao người thân thương/ Vì nơi đó với tôi đã thành quê hương”. Ngôi làng bình yên phía tây thành phố mà nhạc sĩ Lê Mây nhắc tới ấy chính là làng Cao Trung, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Kể từ ngày mở xưởng làm đàn T’rưng ở đây cho đến khi quyết định bỏ phố về làng sống lúc tuổi già, với Lê Mây đó là cả một chặng đường với bao kỷ niệm đáng nhớ.

Viết về phía tây thành phố cũng chính là một cách tỏ bày tình yêu với Hà Nội-nơi ông gắn bó và coi đó như quê hương thứ hai của mình. Nơi ấy, trên cánh đồng âm nhạc, nhạc sĩ Lê Mây-“người thợ cày” ngày đêm bền bỉ với công việc của mình để từ những luống cày ấy “thành lúa, thành bắp, thành khoai”.

GIA PHÚ