Chủ động tìm đến khán giả trẻ
Liên hoan vọng cổ, trích đoạn cải lương và các ca khúc mang âm hưởng dân ca lần IV năm 2019, do Nhà văn hóa Sinh viên TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa khép lại nhưng dư âm và ý nghĩa của nó vẫn còn lan tỏa trong tuổi trẻ thành phố. Đoạt giải nhất vọng cổ nhờ tiết mục “Giọt sữa cuối cùng”, bạn Trần Thảo Nguyên, sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Hát vọng cổ thực sự rất khó, đòi hỏi người hát phải giữ giọng ngọt ngào, thấu hiểu từng câu chữ, giai điệu. Tôi bắt đầu hát vọng cổ từ khi học đại học, được tham gia Câu lạc bộ Giai điệu phương Nam của Nhà văn hóa Sinh viên thành phố. Dù khó hát nhưng khi tập luyện được, chắc chắn người trẻ sẽ rất đam mê với loại hình nghệ thuật này”.
Cao Ngọc Minh Thư, sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, người trẻ có nhiều dòng nhạc để giải trí, nếu âm nhạc dân tộc không chủ động đến với giới trẻ thì sẽ khó phát triển. Vài năm trở lại đây, TP Hồ Chí Minh đã rất tích cực trong việc đưa các chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc, đặc biệt là cải lương, đờn ca tài tử đến với giới trẻ. Ngoài các hội thi, liên hoan, đến với Nhà văn hóa Thanh niên thành phố, người trẻ sẽ được hòa mình trong các chương trình sân khấu cải lương, sân chơi đờn ca tài tử “Tiếng tre xanh”… Hàng loạt chương trình với nhiều quy mô khác cũng được tổ chức thường xuyên tại các địa điểm công cộng như phố đi bộ Nguyễn Huệ, Cung Văn hóa Lao động, Nhà văn hóa Sinh viên… Cùng với đó là các chương trình biểu diễn và giới thiệu về âm nhạc dân tộc đến hệ thống trường học với mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ, thu hẹp dần khoảng cách giữa các loại hình âm nhạc dân tộc với nghệ thuật đương đại.
Lan tỏa để cộng hưởng
Trong đề tài nghiên cứu “Nghệ thuật cải lương tại TP Hồ Chí Minh trong bối cảnh hội nhập”, anh Hoàng Sơn Giang, cán bộ Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh cho biết, cuộc khảo sát đối với 1.000 sinh viên trên địa bàn thành phố về sở thích âm nhạc thì nhạc trẻ hiện vẫn chiếm ưu thế, sau đó là nhạc trữ tình, dân ca, bolero, nhạc nước ngoài, rồi mới đến âm nhạc dân tộc. Riêng với cải lương, chỉ có 12,5% khán giả trẻ thực sự yêu thích. Những lý do người trẻ chưa yêu thích âm nhạc dân tộc được nêu ra như bài hát quá dài, nhàm chán và lỗi thời, nghệ sĩ không thu hút, kịch bản cũ…
Anh Hoàng Sơn Giang tâm sự rằng, dù không quay lưng nhưng không thể phủ nhận thực tế là số lượng người trẻ thực sự yêu thích, đam mê với âm nhạc dân tộc còn ít. Nói đến âm nhạc dân tộc, nhiều bạn trẻ vẫn hào hứng nhưng để tìm hiểu sâu không phải ai cũng đủ đam mê. Có những bạn trẻ yêu thích cải lương nhưng không dám tự tin nói ra vì sợ bạn bè chê cười. Phần lớn khán giả trẻ thích những gì năng động, chân thực và gần gũi với cuộc sống. Giai điệu dễ nghe, lời nhạc dễ thuộc chính là sợi dây kết nối quan trọng giữa âm nhạc và khán giả trẻ. Lý giải thêm vấn đề này, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Bên cạnh số ít người trẻ được sinh ra trong các gia đình có truyền thống nghệ thuật nên có môi trường thẩm thấu, còn lại đa số chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc. Người trẻ chưa nói không với âm nhạc dân tộc nhưng đối tượng này chưa thích vì chưa có hiểu biết và nghe được. Do vậy, muốn bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phải có tri thức, hiểu biết để từ đó kích thích sự tìm hiểu, yêu thích và cuối cùng là đam mê cho người trẻ”.
Trong đời sống văn hóa của giới trẻ TP Hồ Chí Minh, vẫn có những câu lạc bộ tập hợp những nhóm bạn trẻ yêu thích và hát cải lương, đờn ca tài tử, vọng cổ ở các trường học, nhà sinh hoạt văn hóa nhưng số lượng rất ít, môi trường để hoạt động cũng hạn chế. Về lâu dài, vẫn chưa có hướng phát triển đồng bộ và điểm nhấn để thu hút sự quan tâm của giới trẻ đến với âm nhạc dân tộc. Do vậy cần sự quan tâm của các cấp với đa dạng hoạt động, tạo nhiều cơ hội để người trẻ tiếp xúc với âm nhạc dân tộc. Có như vậy, các giải pháp sẽ mang tính hệ thống và đồng bộ từ các cấp quản lý, nghệ sĩ, đơn vị kinh doanh và biểu diễn để có những thay đổi về nội dung, hình thức biểu diễn… phù hợp, đủ mạnh để tạo sự cộng hưởng phát huy giá trị của âm nhạc dân tộc.
Bên cạnh đó, các loại hình âm nhạc dân tộc, đặc biệt như cải lương cần làm mới cách tiếp cận khán giả trẻ. Có thể là xây dựng trang web, tăng cường biểu diễn trên sóng phát thanh, truyền hình, mạng xã hội. Những ca khúc nhạc trẻ “triệu view” sau một thời gian rồi cũng bị quên lãng, nhưng những làn điệu dân ca, câu hò, điệu lý, bài vọng cổ… dù có tuổi đời dài cả thế kỷ vẫn có sức hút rất riêng với mọi lứa tuổi, vẫn được nhiều bạn trẻ giữ gìn và theo đuổi bằng niềm đam mê.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG