“Theo quy định mới của Bộ luật Hình sự thì kể từ ngày 1-1-2018, hành vi gian lận, nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hy vọng, với việc hình sự hóa thì hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH sẽ giảm đi” - Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết.

Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Tính đến hết tháng 10, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 11.804 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, đã phát hiện 28.942 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền 60.506 triệu đồng; đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 356 đơn vị sử dụng lao động với số tiền xử phạt là 4.862 triệu đồng (đã thu 843 triệu đồng). Tình trạng trốn đóng BHXH tại các doanh nghiệp diễn ra khá phức tạp.

Liên quan việc nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH, nợ tiền BHXH hoặc trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu của BHXH Việt Nam cho biết: Các doanh nghiệp nợ đọng là cố tình trốn đóng BHXH của người lao động. BHXH Việt Nam đã làm việc với các địa phương và xác định, từ năm 2018 khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực thì đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an và tòa án để xử lý. Theo ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết: Để lách luật không phải đóng BHXH cho người lao động, nhất là việc thay đổi phương thức đóng BHXH từ năm 2018 trên nền cộng với tiền lương, phụ cấp và một số khoản bổ sung khác, một số doanh nghiệp chuyển hình thức từ hợp đồng lao động sang hình thức hợp đồng kinh tế, thuê khoán, rõ nhất là các doanh nghiệp taxi. Thực tế thời gian qua, để lách luật, không phải đóng BHXH, BHYT, nhiều hãng taxi đã thực hiện khoán xe cho tài xế và không có hợp đồng lao động. Tình trạng trốn, nợ, chiếm dụng BHXH trong các doanh nghiệp đã đến mức báo động và trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp và khiếu kiện giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

leftcenterrightdel

Chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tại tỉnh Nam Định. Ảnh: ĐẶNG HUẾ 

Mới đây, khi báo cáo với Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công với cách mạng, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) cho rằng: Tình trạng lạm dụng để trục lợi gây thất thoát quỹ ốm đau, thai sản, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cũng còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do một số đơn vị khi tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ từ người lao động không thẩm định chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các hành vi trục lợi BHXH còn hạn chế. Tỷ lệ nợ BHXH vẫn còn cao ở các doanh nghiệp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Đặc biệt, hiện có khoảng 1.400 tỷ đồng nợ BHXH từ các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi và quyền lợi của hơn 193.000 NLĐ ở các doanh nghiệp này cũng bị “treo” chưa được giải quyết.

 Một trong những nguyên nhân nợ BHXH hiện nay là chủ yếu các doanh nghiệp lớn vẫn đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Không ít doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh, vi phạm chính sách BHXH, BHYT; ý thức tuân thủ pháp luật của chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, nhiều doanh nghiệp đã thu tiền BHXH của người lao động nhưng không đóng vào Quỹ BHXH mà sử dụng vào mục đích khác. Trong khi đó, mức xử phạt hành chính khi cơ quan, doanh nghiệp nợ đọng BHXH quá thấp, các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, không có tính răn đe, lãi suất chậm đóng chỉ mang tính hình thức, cơ chế xử lý vi phạm rườm rà, tốn thời gian, phụ thuộc nhiều ngành, nhiều cơ quan nên khó áp dụng trong thực tế. Đây là lý do khiến số nợ đọng BHXH ở nhiều địa phương ngày càng tăng và khó giải quyết.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ, cơ quan BHXH cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH. Đồng thời cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN ở Trung ương và địa phương cần quan tâm, hướng dẫn và giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn triển khai thi hành Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động... để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Về công tác khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có kiến nghị với Tòa án Nhân dân Tối cao sớm hướng dẫn tòa án các cấp về giải quyết các vụ kiện liên quan đến BHXH; các cơ quan có liên quan sớm nghiên cứu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện quy định khởi kiện đòi nợ BHXH.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc khởi kiện chỉ là một trong những biện pháp để giảm nợ đọng BHXH chứ không phải là giải pháp chính để thu hồi nợ. Biện pháp quan trọng là thanh tra, kiểm tra xử phạt doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH.

Để bảo đảm quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam sẽ tăng cường đôn đốc cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh; phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn triển khai thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển đối tượng; thu đúng, đủ, kịp thời, chống tồn đọng; giải quyết đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người lao động; ngăn ngừa hành vi trục lợi; bảo đảm cân đối quỹ. Và BHXH Việt Nam sẽ phối hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức họp liên ngành với các cơ quan liên quan nhằm xem xét, tháo gỡ những vướng mắc để những quy định về công đoàn khởi kiện được triển khai được hiệu quả.

Ngoài việc tăng cường các giải pháp chống nợ đọng, vẫn cần những biện pháp chế tài đủ mạnh; cũng như trao quyền thanh tra xử phạt trực tiếp doanh nghiệp, có như vậy ngành BHXH mới thuận lợi hơn trong việc ngăn chặn nợ đọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Tập trung đốc thu, giảm nợ đọng

Nhận định từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ đặt ra với công tác thu là rất lớn và không ít thách thức, ông Nguyễn Trí Đại, Trưởng ban Thu đã đề nghị, BHXH các tỉnh, thành phố tập trung công tác thu, đôn đốc thu nợ BHXH; trong đó tập trung vào những doanh nghiệp nợ dưới 6 tháng và thanh tra chuyên ngành đối với những doanh nghiệp nợ hơn 6 tháng. Trong phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, BHXH các tỉnh, thành phố cần giao chỉ tiêu cụ thể cho BHXH cấp huyện và các đại lý thu. Phối hợp với cơ quan thuế rà soát gần 600.000 doanh nghiệp đang đóng thuế, nhưng đơn vị tham gia BHXH chỉ hơn 250.000 để phát triển đối tượng. Qua việc thanh tra, kiểm tra và phản ánh của các đơn vị khi triển khai quy trình thu và quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT, Trưởng ban Thu cho rằng, hiện phòng thu ở nhiều địa phương không thực hiện hết chức năng, dẫn đến nhiều đơn vị nợ hơn 3 tháng mới chuyển sang phòng thu nợ đôn đốc, đây là một trong những nguyên nhân để tình trạng nợ đọng cao. Đến tháng 10, toàn quốc thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 82% kế hoạch. Số nợ BHXH, BHYT, BHTN chiếm 6,3% số phải thu. Trong đó, nợ dưới 6 tháng chiếm tỷ lệ cao với 7.300 tỷ đồng; nợ BHYT các đơn vị sử dụng lao động là 1.569 tỷ đồng.

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc cuối tháng 11 của BHXH Việt Nam về thu nợ BHXH, BHYT; rà soát, hoàn thiện cấp mã số BHXH, cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu nhấn mạnh, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT còn diễn ra phổ biến, trong khi công tác thanh tra và khởi kiện còn nhiều vướng mắc, số lượng các cuộc thanh tra chuyên ngành chưa nhiều. Đồng thời cũng chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung hơn nữa vào công tác thanh tra chuyên ngành, thu, khai thác và phát triển đối tượng, giảm thấp nhất nợ đọng BHXH. “BHXH Việt Nam đang phối hợp với tòa án xây dựng thông tư hướng dẫn, việc thanh tra, xử phạt, doanh nghiệp không chấp hành hoặc chấp hành không nghiêm thì chuyển hồ sơ sang công an và tòa án theo quy định của Bộ luật Hình sự. Nếu không thanh tra thì không có cơ sở để xử lý hình sự. Không thanh tra là lỗi của ngành BHXH", Phó tổng giám đốc Trần Đình Liệu nêu rõ.

Vấn đề nợ đọng BHXH, chây ỳ của các doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động: Ốm đau, thai sản, thất nghiệp không được giải quyết, về hưu không được lấy sổ, chuyển công tác không được chốt sổ... mà còn ảnh hưởng tới niềm tin và tính nghiêm minh của pháp luật. Vì vậy, những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH cần được xử lý kịp thời và có tính răn đe để chính sách an sinh xã hội ngày càng phát triển bền vững.

BẢO CHÂU