Hơn 300 năm trước, nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) đã nổi tiếng xứ Kinh Bắc với 5 đặc tính nổi bật: Chắc, khỏe, bền, thanh, đẹp. Nón làng Chuông ra đồng che nắng. Nón làng Chuông làm duyên cho thiếu nữ lên xe hoa về nhà chồng. Nón làng Chuông tạo dáng dịu dàng, thướt tha cùng trang phục áo dài truyền thống…
Làm duyên cùng nón Chuông.
Chừng hai thập kỷ trước, nón làng Chuông, sản phẩm từng được cung tiến, dành cho các hoàng hậu, công chúa, như rơi vào quên lãng. Khi ấy, chiếc nón rộng vành, “cồng kềnh” trở nên không còn phù hợp với đời sống hiện đại đòi hỏi sự gọn gàng, tốc độ.
Mươi năm trở lại đây, nhạy bén cùng xu thế cách tân trang phục và hội nhập quốc tế, người làng Chuông đã đã có sự khởi đầu mới. Nón làng Chuông liên tục thay đổi, cải tiến mẫu mã, trong đó đặc biệt chú trọng vào những sản phẩm thế mạnh như: Nón trắng, nón quai thao, nón lá già… và sản phẩm phục vụ khách du lịch: Nón chóp dứa, nón tơi, nón Thái, nón Hàn Quốc… Sản xuất truyền thống nhỏ lẻ được chuyển sang hướng liên kết, chuyên môn hóa, hình thành bộ phận chuyên cung cấp nguyên vật liệu, bộ phận chuyên khâu, bộ phận chuyên thu mua giải quyết đầu ra cho sản phẩm… Nhiều doanh nghiệp làm nón đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, tài chính để nâng cao năng suất và hoạt động quảng bá sản phẩm. Chưa hết, người làng Chuông còn phát triển dịch vụ du lịch làng nghề nhằm tăng cường quảng bá chiếc nón truyền thống và tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Người làng Chuông đang đi đúng hướng. Ngôi làng nhỏ bé bên dòng sông Đáy đã tấp nập trở lại. Khách đến làng không chỉ để mua nón, chụp ảnh mà rất nhiều người còn đến tham quan, muốn tận mắt chứng kiến các công đoạn làm nón. Rồi nón làng Chuông tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế, ký hợp đồng thương mại với bạn hàng trong và ngoài nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức… Nón làng Chuông còn tham gia vào nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như: SEA Games 22, Hội nghị APEC 2006... Giờ đây, người làm nón đang dồn hết tâm huyết cho nghề truyền thống, bởi đó không chỉ là kế sinh nhai mà còn là huyết mạch của làng nghề.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN ANH