Những cái tên: Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng, Bến Chương Dương, Bến Vân Đồn, Bến Nghé, Bến Thành… đã gắn liền với vùng đất trù phú này từ bao đời, góp phần làm nên vẻ đẹp trên bến dưới thuyền của thành phố hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Nhắc đến Sài Gòn, người ta thường nghĩ đến những tòa nhà cao tầng và những công trình kiến trúc Pháp cổ kính… Thế nhưng, trong bề dày lịch sử, chính hệ thống sông ngòi, kênh rạch mới thực sự gây ấn tượng về thành phố giữa những dòng kênh. Từng tên gọi của những dòng kênh này cũng bình dị, dân dã như chính hồn cốt của người Sài Gòn: Sông Bến Nghé, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, rạch Lò Gốm, rạch Ông Độ, kênh Nước Đen, kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ… Hệ thống kênh, rạch dày đặc không chỉ bao quanh mà ở ngay trong lòng thành phố, là những huyết mạch giao thông để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác từ Đồng bằng sông Cửu Long lên cảng Sài Gòn. Cùng với hệ thống sông ngòi là cơ man cầu với bến, hình thành sinh hoạt buôn bán, cảnh quan văn hóa đặc trưng sông, bến chợ, phố chợ ven sông, làng ven sông… Điển hình là bến Bình Đông. Sinh thời, học giả, nhà văn hóa Vương Hồng Sển, người có kiến thức uyên thâm về Nam Bộ, từng nhận định: “Bến Bình Đông không chỉ là nơi giao thương tấp nập, mà còn lưu giữ nhiều nét kiến trúc và văn hóa xưa như: Dãy nhà ngói cổ, bến thuyền hoa ngày Tết và phong tục cổ truyền chơi Tết của người miền Nam. Bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp hằng năm, bến Bình Đông lại nhộn nhịp ghe, xuồng chở đầy ắp hoa kiểng từ miền Tây về bán cho người dân thành phố chơi xuân. Bến Bình Đông mặc nhiên trở thành điểm hẹn văn hóa mỗi độ Tết đến, Xuân về”. Mặc dù vài năm gần đây, chợ hoa bến Bình Đông có giảm đi đôi chút nhưng vẫn là một “bến hoa” độc đáo của TP Hồ Chí Minh, mang nét duyên dáng rất riêng giữa đô thị đang chuyển mình mạnh mẽ.

leftcenterrightdel
Bến Bạch Đằng trở thành điểm du lịch đường thủy đẹp và thơ mộng

Không tấp nập thuyền bè, hoa trái như bến Bình Đông, nhưng bến Bạch Đằng lại là công viên ven sông đẹp mắt, nơi những chuyến buýt đường sông, tàu du lịch đường thủy đưa đón khách giữa thành phố biển Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, khu vực bến Bạch Đằng được xây dựng nhà ga tàu thủy, có công viên bến Bạch Đằng thoáng mát, đẹp mắt, nằm trong dải quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn, kéo dài từ cầu Sài Gòn qua Tân Cảng, Ba Son, bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ, cảng quận 4 đến chân cầu Tân Thuận. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, 98 tuổi, ngụ tại quận 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Bến Bạch Đằng, bến Hàm Tử, bến Chương Dương… bắt nguồn từ chiến thắng vang dội trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chẳng hạn, bến Bạch Đằng gắn liền với lịch sử 3 lần đánh thắng quân xâm lược; bến Chương Dương và bến Hàm Tử là hai bến sông gắn với chiến thắng quân Nguyên Mông vào thế kỷ 13... Bên kia đường, Tượng đài Trần Quốc Tuấn sừng sững chỉ tay về phía bến Bạch Đằng tạo thành một tổng thể cảnh quan vô cùng uy nghi. Người dân Sài Gòn đầu tư xây dựng nơi này để tưởng nhớ chiến tích hào hùng của quân, dân Đại Việt trong trận Bạch Đằng đại thắng quân Nguyên-Mông.

Nằm ở vị trí gần đối diện với bến Bạch Đằng, ven sông Bến Nghé, Bến Nhà Rồng khởi đầu là một thương cảng lớn của Sài Gòn. Thương cảng này nằm trên sông Sài Gòn và được xây dựng từ năm 1863, trên khu vực gần cầu Khánh Hội (nay thuộc quận 4). Bến Nhà Rồng gắn liền với sự kiện lịch sử người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, ngày 5-6-1911. Theo PGS, TS Hà Minh Hồng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh), Bến Nhà Rồng xưa là thương cảng lớn nằm bên sông Sài Gòn. Trụ sở là một tòa nhà cao hai tầng do Công ty Vận tải đường biển của Pháp là Messageries Maritimes xây dựng vào năm 1863, dùng làm nơi bán vé tàu và chỗ ở cho người quản lý. Đến cuối năm 1899, công ty mới được phép xây cất bến để tàu cập cảng. Bến được lót bằng ván dày, đặt trên trụ sắt dọc theo mép sông. Trụ sở của công ty có kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng theo kiểu “Lưỡng long chầu nguyệt” nên còn được gọi là nhà Rồng. Bởi vậy, bến ấy cũng mang tên là Bến Nhà Rồng.

Đây chỉ là một cách lý giải khá hợp lý, còn nhiều giả thuyết khác gắn với lịch sử Bến Nhà Rồng được lưu truyền trong dân gian. Song, dù giải thích cách nào thì Bến Nhà Rồng vẫn mang dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử, văn hóa của Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh.

Có một tên bến khác không thể không nhắc tới, đó là Bến Thành. Nơi đây nguyên thủy là một bến sông nằm gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này dùng cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành. Vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành. Trong cuốn "Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ", ghi rõ: “Khu Bến Thành giao thương phát triển sầm uất. Dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước, được mô tả như “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông”. Chỗ đầu bến này có lệ, cứ đến mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Người mua kẻ bán tấp nập, dần trở thành điểm vui chơi kỳ thú ở Sài Gòn-Gia Định, nhất là dịp Tết Nguyên đán cổ truyền hằng năm”…

Còn khá nhiều những bến sông khác ở đô thị sông nước Sài Gòn. Trong tiến trình lịch sử không thể phủ nhận một điều, với vị thế là thương cảng trung tâm kinh tế-văn hóa, có tầm giao lưu và ảnh hưởng đến khu vực rộng lớn, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu, đại diện cho “Nam Bộ thành đồng”. Và những bến sông luôn là một trong những yếu tố tạo nên đô thị cổ Bến Nghé-Gia Định, một đô thị Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh rực rỡ, hào hoa, khoáng đạt, đậm nét văn hóa phương Nam.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG