Hồ Suối Hai là công trình thủy lợi đặc biệt, điểm du lịch hấp dẫn bởi sự đan xen giữa sắc vẻ "hoành tráng công nghiệp" của những thân đập nhân tạo với vẻ thơ mộng, chất hoang sơ sơn cước của lòng hồ mênh mông bên ngọn Tản Viên hùng vĩ. Bởi thế, nhiều người đã gọi chệch tên chính của nó thành hồ Suối Đôi, tự ngâm nga "Núi-hồ, ai tạo nên đôi/ Để em mơ mộng, để tôi xao lòng?".
Hồ Suối Hai, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Ảnh: nuibavi.com
Suối Hai, vốn là tên gọi chung của hai con suối Yên Cư và Cầu Rồng có từ lâu đời. Còn hồ Suối Hai là do bàn tay con người cải tạo, "sắp xếp" lại Suối Hai mà thành. Theo "Hà Nội tự điển" (Nhà xuất bản Hà Nội, 1990), từ bao đời xưa, người dân vùng Bất Bạt, Tùng Thiện (thuộc Hà Tây trước đây), khổ về "thủy hại". Vào mùa mưa, Suối Hai đón nước từ các sườn đồi vùng xung quanh dồn vào rồi chảy ra sông Tích Giang, gây úng lớn. Nhưng tới mùa khô thì ngược lại. Do vùng đất này có độ dốc cao nên hết mùa mưa, sông Tích cũng cạn đến đáy và hạn hán lại đe dọa... Để giải quyết nạn này, từ năm 1958, phương án xây dựng hệ thống Suối Hai thành một công trình thủy lợi được Chính phủ đề ra. Sau 6 năm nghiên cứu, thăm dò địa chất, tổ chức thi công, năm 1964, toàn bộ Suối Hai cổ sơ và khoảng một nghìn héc-ta núi đồi gò đống ở đôi bờ của nó đã trở thành một cái hồ điều tiết nước khổng lồ, mang tên hồ Suối Hai.
Hồ Suối Hai có diện tích khoảng 800ha, chỗ sâu nhất hơn 20m, sức chứa khoảng 50 triệu mét khối nước. Với hệ thống đập, cống, kênh, cầu vững chắc, hồ Suối Hai bảo đảm tưới tiêu toàn bộ ruộng đất vùng Ba Vì, để bốn mùa xanh cây, tốt trái; đồng thời vĩnh viễn loại trừ nạn úng lụt do sông Tích gây ra.
Điều đặc biệt là, với mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông, hồ Suối Hai lại có một vẻ đẹp riêng. Ngay trong một ngày, nó cũng có những thay đổi sắc màu, là do sự di chuyển của mặt trời tạo nên khúc xạ ánh sáng dưới mặt nước hồ biêng biếc... Viền quanh hồ là những đồi gò thấp cao đứt nối, tạo thành những con suối nhỏ uốn lượn, tiếp nước cho đại hồ. Giữa hồ lại có đảo-vốn là những quả đồi cao ngày trước, khi xây đập và ngăn dòng, nước dềnh lên nhấn chìm xuống dưới lòng sâu. Một số quả đồi cao nhất thì vẫn nhô được cái chỏm lên trên, trở thành những hòn đảo điểm tô cho mặt hồ...
Vừa qua, có đôi phụ lão đi bách bộ trên đập hồ. Ông là cựu chiến binh Trần Minh Khang, bà là cựu giáo chức Nguyễn Thị Kim Nhị. Hai người cùng quê làng Me-vùng lúa bên dòng sông Tích Giang. Họ hồi tưởng lại chuyện xưa, hồi ông bà tham gia xây dựng hồ Suối Hai. Lúc ấy ông chớm tuổi 18 "áo chưa sờn đã chật", bà cũng vào độ "gái 17 bẻ gãy sừng trâu", cùng hàng nghìn nam nữ thanh niên, hầu hết là người vùng núi Tản, sông Đà, theo tiếng gọi của Đảng về đây lập hồ trị thủy sông Tích... Ông nhớ nhất lần ông được bình bầu là "Lực điền xuất sắc" của đội dân công chủ lực số 2. Danh hiệu ấy của ông là cái cơ duyên, để trước khi ông nhập ngũ (năm 1965), bà có thêm quyết tâm nhận lời: "Chờ anh! Chúc anh chân cứng đá mềm!". Trong lá thư đầu tiên chàng tân binh gửi cho cô giáo sinh "bảy cộng hai" (tốt nghiệp lớp 7, học thêm hai năm trường sư phạm sơ cấp để ra trường dạy học sinh cấp 1) có câu: "Mỗi khi luyện tập đào đắp công sự, anh lại da diết nhớ lúc chúng mình bên nhau đắp đập xây hồ Suối Đôi ở quê hương...".
Ông bà cùng nhớ lại, giữa năm 1967, ông được về phép trước khi đi B, hai người đã đứng hồi lâu ngắm mặt hồ Suối Hai mênh mông với cơ man thủy cầm như vịt trời, sếu, giang, bồ nông, mòng, két... đậu kín mặt hồ và những loài chim hoang dã trú ngụ tại các rừng cây trên những chỏm đảo trong hồ, làm rộn ràng cả không gian mây nước... Và giờ đây, phong cảnh thiên nhiên quanh hồ Suối Hai tuy có được bổ sung những chỗ nghỉ dưỡng, thấp thoáng nhà hàng, khách sạn... nhưng cảnh quan chủ yếu của vùng hồ vẫn là "Trong xanh mặt nước in dáng núi / Tĩnh mịch ven hồ khiến giai nhân".
PHẠM XƯỞNG