Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, các chàng trai, cô gái Hà Nội cũng như lớp lớp thanh niên cả nước đã phải gác lại những ước mơ còn dang dở của mình để xung phong ra trận. Có những người ngã xuống khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Có những người trở về khi thân thể đã không còn lành lặn... Thế nhưng, khí phách hiên ngang, tinh thần lạc quan cách mạng của họ vẫn mãi được khắc ghi trong lịch sử dân tộc và lan tỏa đến đời sau. Trưng bày “Lửa thanh xuân” giới thiệu đến người xem những hình ảnh, tư liệu quý về truyền thống yêu nước, tinh thần cống hiến, hy sinh của các thế hệ đoàn viên, thanh niên qua các thời kỳ. Trong đó có những tấm gương sáng đã viết nên khúc tráng ca tuổi trẻ về tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, như: La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Trần Văn Ơn...; là những ánh sao nơi tù ngục: Lý Tự Trọng, Nguyễn Hoàng Tôn, Phạm Hướng, Lê Tám, Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Đình Xô, Đặng Hồng Sơn, Châu Văn Mẫn, Nguyễn Tài Triệu, Tống Trần Hội...

leftcenterrightdel
Các nhân chứng lịch sử và khách tham quan dự Lễ khai mạc trưng bày “Lửa thanh xuân”.

Gặp lại hình ảnh của mình và đồng đội mấy chục năm trước tại khu trưng bày, ông Nguyễn Tài Triệu, thương binh hạng 1/4, nguyên Bí thư Chi đoàn Nhà máy In Ngân hàng, một nhân chứng tiêu biểu cho khí phách người Hà Nội như được sống lại ký ức một thời trai trẻ. Ông kể: “Năm 1965, khi tôi mới 16 tuổi, học hết lớp 7 (hệ phổ thông 10 năm), hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” do Thành đoàn Hà Nội phát động, tôi đã viết đơn bằng máu xung phong vào Nam chiến đấu. Trong một trận đánh ở Tuy Hòa (Phú Yên) năm 1967, tôi bị thương ở chân và bị địch bắt. Chúng tra hỏi liên tục nhưng tôi chỉ trả lời một câu duy nhất “Không biết”. Không khai thác được gì nên chúng để mặc vết thương không chữa trị cho tôi dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử, chân phải cưa đến 3 lần, cụt gần đến háng...”. Ông Tống Trần Hội, thương binh hạng 1/4, cựu tù Trại giam Tù binh Phú Quốc, nguyên Phó bí thư Chi đoàn Phân khu D9 cũng là một trong những người xung phong vào Nam chiến đấu khi đang học lớp 10/10. Năm 1968, ông bị địch bắt và cắt hết gân, cơ từ đầu gối xuống mắt cá chân, để lại vết thương sâu hoắm trên cơ thể rồi tháo xương mác ở hai chân vì chúng không khai thác được thông tin gì. Hơn nửa thế kỷ qua, ông Hội chỉ đi bằng hai xương chày như kéo lết trên đường. Thế nhưng, “suy nghĩ và nhớ lại, tôi càng nâng niu một thời tuổi trẻ hào hùng... Mong rằng, thế hệ trẻ hôm nay có thật nhiều nhiệt huyết để thay chúng tôi viết tiếp trang sử hào hùng của dân tộc”-ông Tống Trần Hội bày tỏ.

leftcenterrightdel
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Châu Văn Mẫn (ngoài cùng, bên phải) cùng các bạn trẻ xem lại hình ảnh về tuổi 20 của mình trong nhà lao Côn Đảo tại khu trưng bày.

Không chỉ có hình ảnh, tư liệu về khí phách hiên ngang, nghị lực phi thường của thế hệ thanh niên thời chiến khiến người xem bùi ngùi xúc động, trưng bày còn có hàng chục hiện vật gắn liền với quá trình hoạt động Đoàn của các cựu tù chính trị và cựu chiến binh Thủ đô như: Huy hiệu Đoàn, khăn mùi soa, số tù, sổ tay, thư, giấy khen... Giới thiệu với chúng tôi về tờ giấy khen của mình đang được đặt trang trọng trong tủ kính, NSƯT Hoàng Quân Tạo, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, đó là giấy khen của Ban Chấp hành Thành đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam Hà Nội tặng ông năm 1956 vì đã có thành tích vận động thanh niên và nhân dân đi học bình dân học vụ, giúp đỡ nhiều người thoát nạn mù chữ. Ông Tạo từng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò những năm 1952-1954. Ông cũng là người viết đơn bằng máu xin vào Nam chiến đấu theo phong trào “Ba sẵn sàng” năm 1964.

“Đó quả là một thời không thể nào quên. Chúng tôi đã lấy gai bưởi châm đến tê buốt các ngón tay để lấy được thật nhiều máu ký vào Đơn xin nhập ngũ”-NSƯT Hoàng Quân Tạo nhớ lại. Theo ông: “Thời thanh xuân là thời có sức khỏe nhất, sôi nổi nhất, vì vậy, các bạn hãy tận dụng tuổi trẻ của mình để cống hiến thật nhiều cho đất nước, cho xã hội, để tuổi trẻ không trôi đi một cách hoang phí...”. Ông rất tâm đắc với những khẩu hiệu, câu nói truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ đang được trưng bày tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò như: “Cuộc đời có một bầu trời, còn ta có một đôi cánh”, “Trong cơn mưa bạn sẽ thấy cầu vồng, trong đêm tối bạn sẽ thấy những vì sao”, “Đừng để khó khăn đánh gục bạn, hãy kiên nhẫn rồi bạn sẽ vượt qua”...

Lửa thiêng trao truyền thế hệ trẻ. Tiếp nối truyền thống thanh xuân hào hùng của các thế hệ cha anh đi trước, thanh niên thời nay cũng để lại những hình ảnh đẹp, việc làm ấn tượng qua các phong trào: Thanh niên lập nghiệp, Tuổi trẻ giữ nước, Thanh niên tình nguyện. Họ sẵn sàng dấn thân để cống hiến sức trẻ của mình vào công cuộc bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

MINH THÀNH