“Phép thử” sức mạnh cộng đồng
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và trong điều kiện thực hiện nhiều biện pháp để phòng dịch, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân, người dân TP Hồ Chí Minh đã có những nghĩa cử hào hiệp, những tấm lòng thơm thảo và chân thành, góp sức chăm lo cuộc sống cho người lao động nghèo, hoàn cảnh kém may mắn đang gặp khó khăn trong mùa dịch. Hiện nay, hàng trăm điểm phát miễn phí gạo, cơm, thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... được tổ chức, lan truyền mạnh mẽ thông điệp đầy tính nhân văn với các khẩu hiệu: “Nếu khó khăn cứ lấy một phần-Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”, “Cần thì lấy, có thì cho”...
    |
 |
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh thăm, trao quà tặng người bán vé số dạo. |
Những ngày qua, điểm phát gạo Cà phê 48 trong con hẻm nhỏ đường số 48, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức có nhiều người đến nhận. Theo anh Phạm Đình Thắng-người cùng các bạn tình nguyện lập điểm phát gạo này, mỗi ngày điểm phát gạo mở vào hai khung giờ, từ 9 giờ đến 11 giờ và từ 14 giờ đến 16 giờ. Người đến nhận phải đi qua phòng khử khuẩn và luôn giữ khoảng cách 2m được định sẵn. Người già, phụ nữ mang thai sẽ được trao tận tay. Bà Nguyễn Thị Chúc, ngụ khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh bộc bạch: “Tôi đi rửa bát đĩa thuê cho các quán ăn, nhưng thời gian qua thì không có việc làm. Tôi rất biết ơn những nhà hảo tâm đã giúp đỡ người nghèo có được bữa ăn đầy đủ trong lúc dịch bệnh này”.
Cũng trong thời gian dịch bệnh xảy ra, quyết định đóng cửa các chi nhánh “Cơm chay 0 đồng Nhất Tâm”, anh Trần Thanh Long (quận 7) tập trung thực hiện “Nhà ăn 0 đồng” trong khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh) với 2.000-4.000 phần ăn mỗi ngày để giúp đỡ người lao động nghèo trong khu vực. Anh Long tâm sự: “Ngày thường tôi làm từ thiện được thì lúc dịch bệnh cũng phải làm được. Những phần cơm chay hay xôi chay không phải lớn nhưng với người thu nhập thấp thì cũng giảm bớt gánh nặng mưu sinh”. Theo đó, khoảng sân trống nhà ăn được anh Long đánh dấu vị trí cách nhau 2m để bảo đảm an toàn. Ngoài phục vụ tại chỗ, anh cùng nhóm thiện nguyện mang những suất ăn đi phát khắp nơi trong thành phố và các bệnh viện. Tương tự, quán cơm dã chiến “Trái tim yêu thương” tại phường 25, quận Bình Thạnh được mở để cung cấp những suất cơm cho người nghèo. Quán do các nghệ sĩ, diễn viên kết hợp với doanh nghiệp chuyên cung cấp thực phẩm lập ra. Hằng tuần, từ thứ hai đến thứ sáu, quán nấu khoảng 1.000 suất cơm trưa mỗi ngày tặng người nghèo. Việc phát và nhận cơm diễn ra thân thiện và trật tự.
Đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn vượt qua dịch bệnh, bằng khả năng và cách tổ chức thiết thực, nhiều tập thể, cá nhân đã lan tỏa hành động ý nghĩa và nhân rộng đến mọi thành phần trong xã hội. Đó là hình ảnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (quận Gò Vấp) ngày đêm may khẩu trang tặng người nghèo; là cụ bà Lê Thị Sửu dùng tiền tiết kiệm mua 1 tấn gạo tặng những hoàn cảnh khó khăn; là các cháu nhỏ dành toàn bộ tiền mừng tuổi Tết ủng hộ các y sĩ, bác sĩ nơi tuyến đầu phòng, chống dịch; là các chủ nhà trọ miễn, giảm tiền thuê nhà cho công nhân… đến các tổ chức công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên quyên góp tiền, vận động các mạnh thường quân tài trợ khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm để phát cho người già neo đơn, tàn tật, trẻ em cơ nhỡ, tiếp sức cho đội ngũ phục vụ các khu cách ly tập trung. Hay như anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh (PHGLock) ở quận Tân Phú sử dụng thiết bị của công ty sáng chế ra chiếc máy phát gạo tự động (còn gọi là “ATM gạo”) đầu tiên mang lại hiệu ứng xã hội rộng rãi. Sau đó chiếc máy được nhân rộng, triển khai ở nhiều điểm trên địa bàn thành phố và nhiều địa phương khác trên cả nước.
    |
 |
Lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh phối hợp với các ban, ngành tặng quà những người bị ảnh hưởng của dịch bệnh. |
Nhân lên sức mạnh nghĩa tình
“Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành tinh thần, phương châm hành động, một quyết sách, cũng là một đạo lý sống và hành xử của cả hệ thống chính trị, cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân TP Hồ Chí Minh. Vừa qua, thành phố đã thông qua gói chi 1.800 tỷ đồng hỗ trợ 600.000 công nhân, người lao động bị mất việc làm (không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp) do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thành phố chính là địa phương đi đầu cả nước có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng. Cùng với đó, khoảng 15.000 hộ người có công, 9.000 hộ nghèo, cận nghèo, hơn 20.700 người bán vé số dạo được hỗ trợ. Đáng chú ý, toàn bộ nguồn kinh phí hỗ trợ khoảng 1.800 tỷ đồng được trích từ một phần thu nhập tăng thêm trong năm 2020 của cán bộ, công chức, viên chức thành phố.
Đồng chí Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: “Việc triển khai các chính sách hỗ trợ tới nhiều đối tượng trong lúc dịch bệnh cũng là áp lực không nhỏ với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, địa phương. Nhưng tất cả đều tận tâm, nỗ lực hết sức, nâng cao trách nhiệm phục vụ để nhanh chóng đưa chính sách mang tính nhân văn đến với người dân. Khoản hỗ trợ từ ngân sách, từ cộng đồng có ý nghĩa rất lớn. Đây không phải là chế độ mà là chính sách hỗ trợ trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19. Tôi mong người nhận trân trọng tấm lòng này của thành phố”.
Cùng với những chính sách hỗ trợ đầy tính nhân văn, TP Hồ Chí Minh còn có nhiều chương trình thiết thực nhân lên sức mạnh nghĩa tình. Để những người trên 60 tuổi hạn chế phải ra khỏi nhà, Sở Y tế thành phố đã chỉ đạo, yêu cầu các bệnh viện công lập và ngoài công lập, trung tâm y tế, phòng y tế các quận, huyện, phòng khám đa khoa chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi. Ngoài ra, thành phố thực hiện chi trả lương hưu, tiền trợ cấp tận nhà đối với người có công, hưu trí, diện bảo trợ xã hội trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19. Khi thực hiện cách ly xã hội, ngành giao thông vận tải phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Mai Linh cung ứng 200 xe taxi để hỗ trợ miễn phí đưa đón người bệnh đến cơ sở y tế. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn quyết định miễn tiền nước trong 3 kỳ (từ tháng 3 đến tháng 6-2020) cho các hộ nghèo, cận nghèo và các khu vực cách ly tập trung. Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giao thông vận tải điều động xe ô tô từ 16 chỗ đến 45 chỗ đưa người hoàn thành 14 ngày cách ly trở về nhà miễn phí; Bộ tư lệnh thành phố hỗ trợ đưa về tận nhà đối với công dân ở các tỉnh lân cận, bảo đảm lương khô, nước uống trên xe để phục vụ mọi người trong quá trình di chuyển xa.
    |
 |
Máy phát gạo tự động tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. |
Chia sẻ về chính sách đậm tính nhân văn và những hoạt động nghĩa tình trên địa bàn thành phố, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh nhận định: “Phẩm chất nghĩa tình của nhân dân thành phố luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, thể hiện trong mọi hoạt động của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân và đang thể hiện rất rõ nét, dưới nhiều hình thức phong phú trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh này. Có thể nói, những quyết sách kịp thời, hành động nhanh chóng của các cơ quan chức năng, tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại thành phố đã góp phần rất lớn trong bảo đảm an sinh xã hội, ổn định tình hình để người dân thành phố vững tin, chung tay cùng các cấp phòng, chống dịch bệnh”.
Từ lâu, chất nghĩa tình đã trở thành “đặc sản” trong văn hóa ứng xử, tư duy hành động của con người ở Thành phố mang tên Bác kính yêu và đó cũng là một sức mạnh quan trọng tạo nên sự đồng lòng, hiệp lực của cả hệ thống chính trị và người dân, nhất là trong những lúc khó khăn. Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau của hệ thống chính trị thành phố, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân khi tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch và những tấm lòng thơm thảo sẻ chia những bữa cơm, phần gạo, túi thực phẩm… đã cộng hưởng, tạo nên sức mạnh để thành phố luôn vững vàng trong “cuộc chiến” chống dịch. Những hoạt động lan tỏa tình người, tinh thần nhân văn ấy càng có ý nghĩa mạnh mẽ hơn khi thành phố đang thiết thực chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bài và ảnh: HỒNG GIANG