Phần lớn tranh trưng bày được bán ngay trong ngày khai mạc. Mừng hơn nữa, đây là mốc son mở ra cánh cửa mới trong hành trình hòa nhập cộng đồng của các em nhỏ chẳng may mắc chứng tự kỷ.
    |
 |
Niềm vui của cô giáo Lương Giang và học trò tại triển lãm. |
Đã thành nếp, từ hơn 3 năm nay, vào các ngày thứ sáu trong tuần, tại Trung tâm nghệ thuật Megan, cô Lương Giang và trợ giảng đều đến sớm hơn thường lệ để chuẩn bị cho giờ học của các em nhỏ mắc chứng tự kỷ. Lớp học chỉ diễn ra trong hơn 60 phút, nhưng phải mất một buổi chuẩn bị và buổi còn lại dọn dẹp sau khi lớp học kết thúc. Nhưng các cô đều hiểu học trò của mình là những người rất đặc biệt và mỗi giờ ở bên các em đều trở nên đặc biệt hơn.
Được đào tạo bài bản về hội họa tại Trường Lasalle College of the Art của Singapore, về nước, Lương Giang và cộng sự đã mở một trung tâm nghệ thuật nho nhỏ ở Hà Nội với mong muốn chia sẻ hiểu biết, đam mê hội họa đến với mọi người. Lương Giang kể, ban đầu, cô và ê-kíp chỉ định mở một lớp dạy vẽ cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, với mong muốn giúp các em có cơ hội làm quen với hội họa. Nhưng học viên đầu tiên của lớp lại là một bé mắc chứng tự kỷ. Khi ấy, cô mới nhận ra rằng, với các bạn có hoàn cảnh khó khăn thì chỉ cần tặng khóa học miễn phí, nhưng với các con đặc biệt thì phải có lớp riêng và cách tiếp cận khác. Và thế là, một lớp học vẽ dành cho các bạn nhỏ đặc biệt ra đời.
Mọi việc khó hơn suy nghĩ. Các bạn nhỏ này luôn có tâm thế đóng chặt cửa với thế giới xung quanh, nên bước đầu tiên là đến gần và thuyết phục các bạn nhỏ chịu mở lòng. Cô Lương Giang và các trợ giảng đã tham khảo nhiều tài liệu để hiểu thêm về các bạn, vừa dỗ, vừa dạy, kiên nhẫn gợi mở từng chút. “Hầu hết học sinh mới vào lớp đều khó bảo. Các con không nghe cũng không nhìn cô giáo nên phải kiên nhẫn khơi gợi sự thích thú của các con. Từng chút, từng chút một!”, Lương Giang chia sẻ.
Quản lý một lớp với gần 20 em, mỗi buổi Lương Giang cần tới 4-5 trợ giảng. Các con tham gia lớp học có độ tuổi khác nhau, lại thuộc các thể bệnh không giống nhau. Vì thế, để các con ngồi chung lớp một giờ thôi cũng là thách thức. Chuyện ném bút, ném màu tung tóe xảy ra hằng ngày. Nhiều bạn tiện tay bôi màu ra sàn, tường, thậm chí quần áo của cô cũng lấm lem màu... Sau hơn một giờ đồng hồ mà nhiều khi cô và các trợ giảng cũng không thể nhận ra lớp học của mình. Không chỉ lộn xộn mà có những hôm lớp học rối tinh lên vì có bạn mới hoặc có bạn tâm trạng không tốt...
Nhiều người hỏi Lương Giang rằng: Có bị áp lực nhiều không? Làm thế nào để có thể đồng hành với các bạn ấy trong một thời gian dài và đi tới kết quả khả quan như vậy? Cô trả lời rằng: “Đó thực sự là một hành trình dài được bồi đắp không chỉ bằng sự chia sẻ, cảm thông của những người bố, người mẹ, của các ông, bà mà còn bằng chính sự trong trẻo của các con”.
Trung Hiếu là một trong những học viên đầu tiên đến lớp học vẽ của cô Lương Giang. Ban đầu bố mẹ cũng lo lắng, băn khoăn, liệu con mình có chịu ngồi nghe, tiếp nhận những bài học, hướng dẫn của cô hay không... Nhưng, thật không ngờ sau hơn hai năm gắn bó với lớp, khả năng hội họa của em có bước tiến rất nhanh. Còn Văn Duy, từ nhỏ đã có sự khác biệt so với các trẻ khác. Lớn lên một chút thì Duy luôn chơi một mình, không thể đi học ở trường cùng các bạn, hay cáu bẳn, đập phá đồ chơi, thậm chí có những lúc tự làm tổn thương mình bằng cách đập đầu vào bất cứ vật gì xung quanh. Đến lớp học của cô Giang, Duy và các bạn được các thầy cô chia sẻ yêu thương, chấp nhận khác biệt và dạy dỗ, đồng hành để tiếp thêm ngọn lửa tình yêu với hội họa. Các thầy cô đã khơi dậy năng khiếu, mở ra đường hướng phát triển trong tương lai cho chính những đứa trẻ vừa khác biệt, lại vừa đặc biệt như Duy.
Bằng cái tâm và trách nhiệm của một người mẹ, lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ tự kỷ của cô Lương Giang đã thu hút gần 20 em. Trong đó, nhiều em thể hiện năng khiếu qua những nét vẽ tự nhiên khiến cô cảm thấy các em chính là những thiên tài. Sau 3 năm, cùng với sự kiên nhẫn và tình thương yêu ở lớp học, 6 bé là Trung Hiếu, Văn Duy, Tuấn Duy, Quang Huy, Hương Giang, Danh Lâm đã có được triển lãm tranh đầu tiên. “Đối với những gia đình có con tự kỷ thì cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Họa sĩ Lương Giang đã mang đến cho chúng tôi một cầu vồng đầy màu sắc”, chị Mai Anh, mẹ của Trung Hiếu xúc động chia sẻ. Còn bố mẹ của Tuấn Duy, Văn Duy... thì khoảnh khắc đứng giữa triển lãm nhỏ đầu tiên của các con khi ấy thực sự hạnh phúc.
Những nét vẽ còn chưa cứng cáp, cách sử dụng màu sắc, bố cục của nhiều tranh không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào của hội họa... Song, điều đó không quan trọng bằng việc các em đã có thể bước ra khỏi rào cản vô hình để đến với thế giới quanh mình. “Triển lãm không chỉ nhằm trưng bày các tác phẩm nghệ thuật mà còn giúp định hướng giáo dục và việc làm tương lai cho nhóm trẻ năng khiếu nghệ thuật, truyền cảm hứng cho các gia đình có con mắc chứng tự kỷ, khuyến khích chú ý, tạo cơ hội và phát huy năng lực của trẻ, thay đổi nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ theo hướng tích cực”, chị Thanh Hằng, người nhiều năm theo dõi lĩnh vực văn hóa nhận xét khi tham quan triển lãm.
Có thể nói, kỹ năng trong hội họa là công cụ giao tiếp, giúp trẻ giải tỏa căng thẳng và thoải mái, tự tin thể hiện bản thân với thế giới xung quanh. Song mục tiêu của cô Lương Giang là có thể ươm mầm hội họa để trong tương lai các con có thể vẽ để tự nuôi sống bản thân.
Bài và ảnh: MAI AN