Năm 2019, kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá, ở mức 7,02% (là năm thứ hai liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 7%), giúp quy mô nền kinh tế đạt khoảng 267 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.790 USD/người/năm. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới (WB) trên tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, hiện nay Việt Nam đang ở nhóm nước thu nhập trung bình thấp (1.036-4.045 USD/người/năm). Đây là bước tiến đáng kể về thu nhập bình quân đầu người, bởi từ năm 2009, Việt Nam mới chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình thấp (khoảng 1.000 USD/người/năm).

Bước sang năm 2020, trong bối cảnh kinh tế thế giới và hầu hết các nước rơi vào suy thoái sâu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đối với Việt Nam, dù là một trong số ít nước kiểm soát dịch Covid-19 thành công, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi tăng trưởng GDP quý II chỉ đạt 0,36% và 6 tháng đầu năm đạt 1,81%-mức thấp nhất trong 10 năm qua, song vẫn là một trong số ít quốc gia có được mức tăng trưởng dương. Nếu thực hiện được mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và ổn định kinh tế vĩ mô với mức tăng trưởng khoảng 3% năm 2020 và kiểm soát lạm phát dưới 4% thì đó là kết quả rất đáng khích lệ. Theo đó, nếu Việt Nam đạt được mức tăng trưởng này, quy mô nền kinh tế sẽ đạt khoảng 275 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.850 USD/người/năm vào cuối năm 2020.

leftcenterrightdel
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua Tân Cảng Sài Gòn. Ảnh: TIẾN ANH

Việt Nam đã trải qua 10 năm nằm trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp và hiện đang nỗ lực để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Theo kinh nghiệm vượt bẫy thu nhập trung bình của một số nước như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... các nước này cũng mất khoảng 25-30 năm để vào nhóm các nước thu nhập cao như hiện nay. Đối với Việt Nam, để nằm trong nhóm các nước thu nhập trung bình cao vào năm 2025, theo tiêu chí của WB thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam phải ở mức 4.046-12.535 USD/người/năm. Khi đó, quy mô GDP năm 2025 của Việt Nam cần đạt từ 410 tỷ USD (mức cận dưới) đến 1.260 tỷ USD (mức cận trên). Theo đó, với dân số của Việt Nam dự báo khoảng 101 triệu người vào năm 2025 (theo Danso.org), tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cần đạt khoảng 8,3%/năm. Nếu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 ở mức 6,7-6,8% (tương đương với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020) thì phải đến năm 2027 Việt Nam mới được vào nhóm thu nhập trung bình cao.

Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao (gần 7%/năm) trong giai đoạn dài là một thách thức rất lớn, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động và bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam còn nhiều rào cản, điểm nghẽn; đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, phải tận dụng tốt các cơ hội, phát huy tối đa các nguồn lực và hạn chế đến mức thấp nhất các rào cản v.v..

Theo nghiên cứu của Citi Research (năm 2020) cùng với nhận định của chúng tôi, trong giai đoạn 2021-2030, có thể nhận thấy kinh tế thế giới sẽ chứng kiến 8 xu hướng chính sau đại dịch Covid-19.

Một là, xu hướng gia tăng cạnh tranh chiến lược (nhất là giữa các nước lớn) và gia tăng vai trò của chính phủ (do phải giải quyết các vấn đề lớn, kể cả khủng hoảng dịch bệnh, rủi ro bong bóng tài chính, biến đổi khí hậu...).

Hai là, xu hướng thay đổi trong toàn cầu hóa với hình thái liên kết kinh tế theo khu vực, theo nhóm có thể trở nên phổ biến hơn, cùng với xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ.

Ba là, tái định hình chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp, hạn chế rủi ro phụ thuộc vào một hay một vài thị trường lớn.

Bốn là, xu hướng chuyển đổi số nền kinh tế, hình thành nhiều mô hình và phương thức kinh doanh mới, phát triển tiền kỹ thuật số trong thời đại số.

Năm là, xu hướng thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khôi phục nền kinh tế sau đại dịch, làm tăng rủi ro tài chính và bong bóng tài sản do thanh khoản quá dồi dào.

Sáu là, xu hướng thay đổi hành vi đầu tư, tiêu dùng, lối sống của người dân với việc quan tâm nhiều hơn đến yếu tố sức khỏe, môi trường, tiết kiệm, an toàn và dự phòng; cùng với quá trình phát triển kinh tế xanh, năng lượng sạch v.v..

Bảy là, xu hướng già hóa dân số, gia tăng tầng lớp trung lưu và bất bình đẳng xã hội (lực lượng yếu thế chịu tác động mạnh bởi đại dịch Covid-19, trong khi hỗ trợ của chính phủ còn hạn chế).

Cuối cùng, tám là tiếp tục gia tăng ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cạnh tranh về năng lượng và tài nguyên có thể dẫn đến bất ổn, căng thẳng địa chính trị...

Ở trong nước, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã đạt được những kết quả tích cực, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn tới, cụ thể: (i) Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì mức khá cao (tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2019 đạt gần 6,3%), quy mô nền kinh tế không ngừng mở rộng (GDP theo giá hiện hành năm 2019 đạt 6.037,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần năm 2011), lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức mục tiêu (lạm phát bình quân giai đoạn 2011-2019 là 5,74%). (ii) Chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể với sự đóng góp ngày càng tăng của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trong GDP (bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015), năng suất lao động tăng khá (khoảng 6%/năm trong giai đoạn, từ mức 55,2 triệu đồng năm 2011 lên 110,4 triệu đồng năm 2019). (iii) Thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế-xã hội tăng nhanh với đầu tư của khu vực tư nhân tăng bình quân khoảng 17% giai đoạn 2016-2019 (so với mức tăng bình quân 14% giai đoạn 2011-2015), nâng tỷ trọng vốn đầu tư tư nhân chiếm khoảng 46% năm 2019 trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (từ mức 38,3% năm 2015); và vốn FDI đăng ký bình quân đạt 33,5 tỷ USD/năm, giải ngân đạt 18,2 tỷ USD/năm giai đoạn 2016-2019 (cao hơn nhiều so với mức 19,5 tỷ USD/năm và 12 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2015). (iv) Hoạt động ngoại thương chuyển biến tích cực (kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2011-2019, cao nhất khu vực ASEAN (cùng với Campuchia) và từ năm 2016 bắt đầu xuất siêu). (v) Tái cơ cấu nền kinh tế được đẩy mạnh, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh, giai đoạn 2011-2019 đã  cổ phần hóa được 682 doanh nghiệp, thoái vốn được 472 doanh nghiệp, tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) đạt nhiều kết quả tích cực (nợ xấu gộp giảm mạnh từ mức 17,2% năm 2012 xuống mức 4,65% cuối năm 2019); tỷ giá tương đối ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục (khoảng 82 tỷ USD cuối năm 2019); tái cơ cấu đầu tư công đạt kết quả khả quan, luật đầu tư công được ban hành, hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế được cải thiện (bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số sử dụng vốn (ICOR) là 6,14 lần, thấp hơn so với mức 6,91 lần giai đoạn 2011-2015). (vi) Môi trường đầu tư-kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện rõ nét, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao (năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 của Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia, tăng 10 bậc và 3,5 điểm so với năm 2018); chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục được cải thiện (chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng từ mức 52/216 năm 2015 lên 42/126 quốc gia năm 2019)...

Bên cạnh các yếu tố tích cực, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, cụ thể: (i) Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn còn dựa nhiều vào các yếu tố đầu vào như vốn và lao động, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng vẫn ở mức cận dưới của khu vực. (ii) Năng suất lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp chỉ ở mức trung bình trong khu vực. (iii) Mức độ bền vững của nền kinh tế chưa cao, khả năng chống chịu với các cú sốc của nền kinh tế còn yếu khi các tỷ lệ an toàn (nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách...) đều gần chạm ngưỡng. (iv) Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, hoạt động của các DNNN còn chưa thực sự minh bạch, chưa đạt chuẩn khu vực về quản trị doanh nghiệp, nền kinh tế ngày càng phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI trong GDP tăng từ mức 18,05% năm 2011 lên khoảng 20% năm 2019, tỷ trọng xuất nhập khẩu tăng từ 56,9% lên gần 68,8% năm 2019). (v) Hoạt động đổi mới, sáng tạo còn nhiều hạn chế (một số tiêu chí còn ở mức thấp như số lượng phát minh sáng chế, chi đầu tư nghiên cứu khoa học, tỷ lệ doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo còn thấp (chỉ khoảng 61%). (vi) Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam, tùy thuộc vào khả năng thích ứng của Việt Nam v.v..

Trên cơ sở đánh giá xu hướng thế giới, những thuận lợi, thách thức, cơ hội mới trong và sau đại dịch Covid-19, để có thể phát triển kinh tế nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm trong giai đoạn 2021-2030 như dự thảo văn kiện đại hội đang hướng tới, và phấn đấu đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước thu nhập trung bình cao đến năm 2027, cần thực hiện một số giải pháp quan trọng như sau.

Một là, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19 hiệu quả trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ; rà soát, mở rộng và kéo dài các gói hỗ trợ (nhất là đối với các lĩnh vực chịu tác động mạnh như du lịch, hàng không, bán lẻ...) để giúp doanh nghiệp vượt khó, cũng là nuôi dưỡng động lực phát triển kinh tế-xã hội và nguồn thu ngân sách lâu dài.

Hai là, cần sớm hoàn thiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, theo hướng phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm. Theo đó, cần bứt phá trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, thúc đẩy tăng năng suất lao động, gia tăng mức đóng góp của TFP trong bối cảnh đóng góp của yếu tố vốn và yếu tố lao động dự báo sẽ giảm dần (do vốn cần tập trung khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19 và rủi ro an ninh phi truyền thống khác như biến đổi khí hậu, dịch bệnh...; trong khi di chuyển lao động bị hạn chế, tăng trưởng dân số có xu hướng chậm lại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và phát triển công nghệ dẫn đến giảm lao động phổ thông); nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành và nền kinh tế; tiếp tục xác định và đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong 4 đột phá chiến lược của quốc gia trong giai đoạn tiếp theo (ngoài thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực). Chú trọng phát triển liên kết vùng, liên kết ngành nhằm tăng vai trò của các đầu tàu, tạo tính lan tỏa, hạn chế phân tán nguồn lực và phát triển hợp tác, cộng hưởng thay vì cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương.

Ba là, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu; đồng thời theo sát, phân tích và dự báo diễn biến thị trường tài chính-tiền tệ quốc tế để sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách nhằm ổn định thị trường tài chính-tiền tệ, trong bối cảnh rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu đang gia tăng.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh và quyết liệt hơn, đồng bộ hơn các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm bảo đảm việc phân bổ nguồn lực thực sự hiệu quả. Theo đó, ưu tiên hoàn thiện thể chế tái cơ cấu; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hiệu quả thực chất của công cuộc tái cơ cấu đối với cả 5 lĩnh vực (đầu tư công, DNNN, TCTD, NSNN và đơn vị sự nghiệp công). Phấn đấu hệ số ICOR dưới 5 lần, hệ thống tài chính-tín dụng lành mạnh hóa và tiệm cận chuẩn mực quốc tế, DNNN hoạt động theo chuẩn mực quản trị doanh nghiệp quốc tế và tăng tính tự chủ, đổi mới sáng tạo của các đơn vị sự nghiệp công). Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng và chuẩn mực ASEAN-4. Nhất quán thực hiện thành công các nghị quyết, chiến lược, đề án về phát triển ngành công nghiệp (Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), lĩnh vực nông nghiệp (sớm hoàn thiện xây dựng và thực hiện chiến lược cơ cấu lại ngành nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030), và lĩnh vực dịch vụ (Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19-2-2020 về phê duyệt Đề án “Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”) v.v..

Năm là, thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình 749 ngày 3-6-2020), trong đó cần ưu tiên xây dựng hành lang pháp lý cho kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, hạ tầng CNTT và viễn thông, cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân, với cách tiếp cận là theo hướng mở song vẫn kiểm soát được rủi ro. Theo Báo cáo của Tổ chức tư vấn CSIRO (Úc) với đơn đặt hàng từ Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu Việt Nam lựa chọn phương án “chuyển đổi số” tích cực, chủ động thì GDP Việt Nam có thể tăng thêm 1,1 điểm %/năm.

Sáu là, chú trọng tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp, tăng tính gắn kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ; áp dụng chuẩn mực quản trị doanh nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp; nâng đỡ để các hộ gia đình chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ thành công và hiệu quả; đồng thời, tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp lớn (đầu đàn) dẫn dắt, đi đầu trong kiến tạo các chuỗi giá trị với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bảy là, chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế và đối ngoại, tạo đòn bẩy cho phát triển sáng tạo, bao trùm và bền vững: (i) Thực thi hiệu quả nhằm tận dụng các cơ hội từ các FTA thế hệ mới (nhất là CPTPP, EVFTA...) nhằm tăng cường xuất khẩu, thu hút vốn FDI một cách chủ động, sàng lọc; (ii) thực thi hiệu quả những định hướng, mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; (iii) đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, tránh tạo rào cản gia nhập thị trường cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết và không phù hợp.

Tám là, phát triển kinh tế bền vững, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội, bảo đảm mục tiêu bao trùm: (i) Mục tiêu phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá, nóng vội mà phải được cân nhắc tính toán cho phù hợp với điều kiện đất nước theo hướng phát triển nhanh, hiệu quả mà bền vững; (ii) chính sách thu hút FDI phải chú trọng chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng; (iii) hết sức chú trọng quản lý rủi ro an ninh phi truyền thống (biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh năng lượng, an ninh lương thực...); (iv) chăm lo đời sống nhân dân, góp phần gắn tăng trưởng kinh tế phải với tiến bộ, công bằng xã hội để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Chín là, nâng cao sức chịu đựng của nền kinh tế và doanh nghiệp đối với rủi ro, thách thức bên ngoài: Cần tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ trong nước; chú trọng lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao; tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối; lành mạnh hóa hệ thống tài chính...; chủ động nắm bắt diễn biến thị trường trong nước, quốc tế và xây dựng kịch bản ứng phó phù hợp khi cú sốc xảy ra.

TS CẤN VĂN LỰC - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV