Ai cũng rõ, Việt Nam là một quốc gia đất không rộng, người không đông, nhưng lại có một vị trí địa-chính trị-quân sự hết sức đặc biệt, phải thường xuyên tiến hành chiến tranh chống xâm lược. Quân đội là một phương tiện tiến hành chiến tranh. Nhưng ở Việt Nam, nếu chỉ riêng mình quân đội thì không đủ sức hoàn thành nhiệm vụ giữ nước, vì tương quan lực lượng giữa quân xâm lược với dân tộc ta luôn luôn phải “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh” nên nhất thiết phải liên kết với nhân dân mới đủ sức mạnh để tiến hành chiến tranh nhân dân theo hai phương thức: Phương thức chính quy của quân đội thường trực và phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân của quần chúng vũ trang mà ta quen gọi là chiến tranh du kích. Ngay trong các quân đội của các triều đại phong kiến Lý, Trần, Tây Sơn, khi tiến hành chiến tranh giữ nước, tổ tiên ta cũng đã từng nhiều lần thực hiện điều đó. Sang thời hiện đại, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, điều đó càng được thực hiện chặt chẽ hơn. Có thể nói, sự liên kết quân đội với nhân dân để tạo thành sức mạnh giữ nước là một vấn đề chủ chốt, chi phối tất cả mọi hành động tiến hành chiến tranh giữ nước trong suốt cả chiều dài lịch sử mấy ngàn năm ở Việt Nam.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) chăm sóc vườn rau. Ảnh: DUY HÙNG

Nếu như dưới thời hiện đại, ở các nơi khác trên thế giới, nhân dân chỉ giúp nhà nước xây dựng quân đội theo tỷ lệ dân số, quân đội đủ số lượng để có thể độc lập tác chiến, mà ở các quốc gia đó, chiến tranh xâm lược cũng ít xảy ra, thì trái lại, ở Việt Nam tình hình có khác. Ngay ở cuối thế kỷ 20, từ năm 1945 đến 1979, dân tộc ta đã phải tiến hành tới 3 cuộc chiến tranh giữ nước. Do đó, quân đội phải thường xuyên liên kết chặt chẽ với nhân dân mới có đủ sức mạnh để chống giặc. Việc làm đó không chỉ diễn ra trong một vài năm, mà là cả một thời gian dài. Nhân dân giúp quân đội tiến hành những công việc chuẩn bị chiến đấu cũng như công việc chiến đấu. Quân đội giúp nhân dân những công việc thường ngày của sự nghiệp dựng nước. Khi xây dựng, tổ chức ra đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-đội nghĩa quân để tiến hành giải phóng dân tộc, Đảng Cộng sản cũng thấy được rằng tổ chức này sẽ làm công việc kháng chiến bên cạnh công việc kiến quốc, không chỉ giành lại chính quyền cho dân tộc mà còn đem lại cho cách mạng cả một chính thể mới, chính thể xã hội chủ nghĩa, theo đúng như quy luật lịch sử Việt Nam là dựng nước đi đôi với giữ nước. Cho nên, trong mối quan hệ máu thịt thường ngày với nhân dân, bên cạnh chức năng chiến đấu là cơ bản, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn có hai chức năng khác nữa là công tác và sản xuất. Là một tổ chức quân sự của nhân dân, do nhân dân xây dựng nên và để bảo vệ nhân dân mà nó đã chiến thắng tất cả mọi kẻ thù xâm lược. Cho nên muốn tồn tại, quân đội phải tự tạo cho mình một chỗ đứng chân vững chắc trong nhân dân như “con cá bơi trong nước”.

Trong việc thực hiện chức năng đội quân công tác, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó mật thiết, đồng cam cộng khổ với nhân dân, thực sự là cầu nối vững chắc, nơi tin cậy của Đảng, của Nhà nước với nhân dân. Sống trong lòng nhân dân, bộ đội ta luôn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, đoàn kết, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chống phá độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ra sức giúp dân xóa đói giảm nghèo, xóa nạn mù chữ, khám chữa bệnh, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người và vùng đồng bào công giáo. Quân đội ta cũng là lực lượng xung phong trong cứu hộ, cứu nạn, hết lòng giúp nhân dân phòng chống và khắc phục hậu quả thiên nhiên, hỏa hoạn, xả thân trong hiểm nguy để cứu giúp tính mạng và tài sản của nhân dân. Công tác dân vận của quân đội đã góp phần rất quan trọng trong việc xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng thế trận lòng dân, giữ vững ổn định chính trị của đất nước, cuộc sống bình yên và hạnh phúc của đồng bào. Với công tác dân vận, năm 1954, tại các khu vực đóng quân, bộ đội đã giúp nhân dân hàng chục vạn ngày công cày bừa, cấy gặt… Bên cạnh đó, bộ đội còn góp phần vào việc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, nhanh chóng tháo gỡ bom mìn, dây kẽm gai, khôi phục ruộng đất xung quanh đồn bốt địch để nhân dân cày cấy. Cán bộ, chiến sĩ các Sư đoàn 324, 325, các Trung đoàn 270, 271 thuộc Quân khu IV đã giảm bớt khẩu phần lương thực, dành ra hơn 14 tấn gạo giúp đỡ đồng bào các vùng bị đói.

Đầu năm 1955, miền Bắc bị hạn hán nghiêm trọng, các đơn vị bộ đội đã góp hơn 6 triệu ngày công vét hàng trăm ki-lô-mét mương máng và đào hàng ngàn giếng nước để giúp dân chống hạn, cứu lúa.

Ngày 25-9-1955, một cơn bão lớn đã đổ bộ vào Hải Phòng, nước biển dâng cao, tràn vào các xã ven đê, gây tổn thất lớn về người và của cho nhân dân. Các đơn vị vũ trang được lệnh hành quân cấp tốc, tham gia chống lụt, cứu dân và hộ đê bao bị vỡ. Giữa cơn sóng to, gió lớn, đã xuất hiện hàng trăm tấm gương sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Đồng chí Phạm Minh Đức, chiến sĩ Đại đội 1, Trung đoàn 53, Sư đoàn 350, liên tục vật lộn với sóng gió, cứu được 14 người. Anh đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, được Quốc hội, Chính phủ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Phạm Minh Đức là người anh hùng đầu tiên được tuyên dương trong thời kỳ hòa bình. Trong trận bão lớn này, các lực lượng vũ trang đã cứu được 1.193 người dân, hàng ngàn con trâu, bò, lợn và nhiều tài sản quý báu. Sau cơn bão, bộ đội còn giúp nhân dân dựng lại 279 ngôi nhà, sắp xếp chỗ ở cho 5.913 gia đình có nhà bị đổ hoặc bị tốc mái.

Mùa thu năm 1957, miền Bắc lại bị bão lớn. Đê Mai Lâm (Đông Anh, Hà Nội) bị vỡ, nước tràn vào ngập trắng đồng ruộng, xóm làng. Không ngại khó khăn, vất vả, hy sinh, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ngày đêm dầm mình dưới nước xiết, nắm chắc tay nhau làm hàng rào, chặn dòng nước lũ, để bộ đội và nhân dân đóng cọc, làm bè, hàn vá đoạn đê vỡ.

Ngày 1-10-1958, công trình đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải (Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương) được khởi công. Bộ Tổng Tham mưu đã điều động các sư đoàn chủ lực và các lực lượng vũ trang các Quân khu Hữu ngạn, Quân khu Tả ngạn cùng 1.000 cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh đến tham gia xây dựng.

Thực hiện chức năng đội quân tham gia lao động sản xuất, Quân đội ta luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh sản xuất, góp phần bảo đảm cuộc sống và hoạt động của bộ đội, khắc phục những khó khăn cho ngân sách quốc phòng còn rất hạn hẹp, giảm bớt sự đóng góp của nhân dân.

Tham gia lao động sản xuất và phát triển kinh tế, kết hợp với quốc phòng là một nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa chiến lược lâu dài của Quân đội ta.

Với tinh thần “sản xuất cũng là một mũi tiến công”, Quân đội ta chủ động ra quân trên nhiều lĩnh vực, mạnh dạn đi vào nhiều ngành kinh tế mũi nhọn, vừa bảo đảm một phần hậu cần thiết yếu của quân đội, góp phần giữ gìn năng lực sản xuất quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, vừa góp phần làm phong phú thị trường tiêu dùng và sản xuất trong nước, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, ổn định tình hình chính trị ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng về giảm quân số, và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 23-5-1956, Bộ Quốc phòng đã ra Nghị định số 030/NĐ, thành lập Cục Nông binh và điều chuyển gần 8 vạn cán bộ, chiến sĩ quân đội sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng đất nước. Các đơn vị này đã tham gia khôi phục kinh tế đất nước bị chiến tranh tàn phá, xây dựng các nhà máy tại Thái Nguyên, Việt Trì-hệ thống cơ sở hạ tầng như công trình đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải, triển khai xây dựng 29 nông trường quân đội trên miền Bắc như Mộc Châu, Sông Hiếu…

Ngay sau khi thống nhất đất nước, Chính phủ đã ra Nghị định số 59/NĐ-CP, ngày 5-4-1976, thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), đồng thời chuyển một số lớn lực lượng quân đội (gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ) sang làm kinh tế, xây dựng đất nước. Đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế quân đội ngày càng nền nếp, đạt hiệu quả toàn diện.

Nổi bật là, quân đội ta đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc xây dựng các khu kinh tế, quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, biên giới, vừa tham gia phát triển kinh tế-xã hội, vừa tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn và là sự vận dụng sáng tạo đường lối quốc phòng toàn dân, quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, và kinh tế với quốc phòng. Các khu kinh tế-quốc phòng để tổ chức xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, kết hợp với bố trí lại các tộc người trên vành đai biên giới ở các vùng dự án, tổ chức phát triển sản xuất, khai hoang, trồng mới cây công nghiệp, giải quyết việc làm, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Theo sự phát triển của nền kinh tế đất nước, việc tổ chức các doanh nghiệp quân đội cũng ngày càng được cải tiến. So với 20 năm trước, số lượng doanh nghiệp quân đội chỉ còn một nửa, nhưng quy mô và năng lực của từng doanh nghiệp đã lớn mạnh lên nhiều, doanh thu và lợi nhuận cũng tăng lên gấp bội. Các đơn vị làm kinh tế quân đội đã xung kích trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, biên giới, hải đảo. Nhiều doanh nghiệp quân đội cũng đã xác lập vị trí, tạo được uy tín trong cộng đồng các doanh nghiệp và trên thị trường, tích cực tham gia những lĩnh vực, những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước… Tiêu biểu là Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty Thành An, Tổng công ty 28, Tổng công ty 15...

DƯƠNG XUÂN ĐỐNG (Nhà nghiên cứu văn hóa quân sự)