Và để nắm bắt được thời cơ nhằm đi tới ngày toàn thắng, Bộ Thống soái tối cao (Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương) cũng đã đem hết nỗ lực chủ quan vào công tác chuẩn bị. Vì vậy, suốt gần hai năm (1973 và 1974), Đường Hồ Chí Minh cũng được mở rộng hơn để bảo đảm việc cung cấp trên quy mô lớn cho chiến trường. Đặc biệt, ưu thế quan trọng nhất, tạo nên sức mạnh chiến đấu áp đảo đối phương là tinh thần của bộ đội ta, khí thế rất cao, sẵn sàng lên đường chiến đấu trong bất cứ tình huống nào.
Thời cơ chiến dịch và thời cơ chiến lược
Với một thái độ rất thận trọng, trước khi bước vào hoạt động, Bộ Thống soái tối cao cũng đã cho tiến hành hai trận đánh đáng chú ý vào cuối năm 1974. Đó là trận Thượng Đức (Quảng Nam) và trận Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước). Hai trận đánh này nhằm mục tiêu duy nhất là thăm dò lực lượng đối phương. Nếu như trận đánh thứ nhất là một luận cứ góp phần vào kế hoạch tác chiến trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975, đánh dứt điểm quân ngụy, thì trận đánh thứ hai đã củng cố lòng tin của quân ta là quân Mỹ ít có khả năng can thiệp trở lại miền Nam Việt Nam. Những trận đánh thăm dò đó đã giúp Bộ Thống soái tối cao đi tới quyết tâm giáng đòn quyết định trong mùa xuân 1975.
Cho đến đầu năm 1974, khoảng 1,1 triệu quân ngụy được bố trí thành hai đầu mạnh: Một đầu là quân khu 1, bao gồm Huế-Đà Nẵng, nhằm đối phó với quân chủ lực từ miền Bắc tiến công vào, một đầu là quân khu 3, bao gồm khu vực Sài Gòn-Biên Hòa, nhằm bảo vệ trung tâm chính trị, kinh tế, một thành phố đông đảo, lại có bộ máy đầu não. Mà đã dồn lực lượng mạnh vào hai đầu thì ở giữa chắc chắn sẽ yếu, đó là quân khu 2, trong đó có Tây Nguyên. Vì thế, Tây Nguyên đã trở thành hướng tiến công chiến lược rất quan trọng với quân ta.
Quyết tâm mở Chiến dịch Tây Nguyên là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng căn cứ vào thế bố trí binh lực của địch “mạnh ở hai đầu”, ta phải tạo một thế trận chiến lược, ghìm chặt địch ở hai phía để phá vỡ thế ở giữa. Thực hiện ý định đó, ta đưa Quân đoàn 4 vào phía bắc Đồng Nai và Quân đoàn 2 vào phía tây Huế. Thấy hai quân đoàn của ta bất ngờ xuất hiện, địch buộc phải đưa sư đoàn lính dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ ra giữ hai khu vực đó, mặc nhiên để hở Tây Nguyên.
Như vậy, thế trận hai bên đã hình thành một cách rõ nét. Địch ở thế phòng ngự, ta ở thế tiến công. Đòn trinh sát chiến lược Thượng Đức và Phước Long trước đó cho thấy thế địch đã yếu, thế ta đã mạnh, chỉ còn đợi thời. Đó là thời cơ chiến dịch để hành động, nghĩa là khi sư đoàn dù ra giữ Huế-Đà Nẵng và sư đoàn lính thủy đánh bộ ra giữ Sài Gòn, giữ chặt được hai sư đoàn tổng dự bị chiến lược của địch ở hai nơi, đó sẽ là thời cơ để ta tiến công, giải phóng nơi địch yếu trước.
Ở đây đã thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa thời cơ chiến lược và thời cơ chiến dịch. Thời cơ chiến lược là nền tảng để tạo nên thời cơ chiến dịch, và khi thời cơ chiến dịch đã giúp cho quân ta chiến đấu thắng lợi thì nó lại góp phần thúc đẩy thời cơ chiến lược tiến lên những bước mới. Nói gọn lại thì thời cơ mới xuất hiện sau những chiến thắng lớn về quân sự.
Vậy thế nào là thời cơ chiến lược và thời cơ chiến dịch?
“Thời cơ” là một từ Việt gốc Hán, theo “Hán-Việt từ điển” của Đào Duy Anh. Về nghĩa đen, “thời” là mùa, cũng có nghĩa là năm tháng, là thời gian; “cơ” là máy móc về nghĩa bóng. Thời cơ là máy móc, là “cơ hội, vừa đúng vào lúc ấy”, là “cái máy xoay chuyển cuộc đời”.
Từ dịch nghĩa trên, chúng ta có thể hình dung: “Thời” là thời gian, một dòng chảy bất tận, liên tục, từ quá khứ đến tương lai; còn “cơ” là một nhát cắt ngay tại một thời điểm nào đấy.
Theo “Từ điển tiếng Việt”, thời cơ còn có các từ đồng nghĩa: Cơ hội, dịp và mang theo 3 đặc điểm: Hiếm có, ít khi xảy ra, xuất hiện trong một thời gian tương đối ngắn; điều kiện thuận lợi để thực hiện điều mong muốn đã có dự định trước.
Để hành động đúng thời cơ, giành được thắng lợi, trước hết cần kịp thời. Vì thời cơ ít khi xảy ra, đã hiếm có, lại xuất hiện trong một thời gian hạn hẹp, ngắn ngủi, đến trước thời cơ là chưa đúng lúc, còn đến sau thời cơ là đã muộn. Tiếp theo, cần kết hợp chặt chẽ trong hành động, giữa tính khách quan và tính chủ quan của thời cơ. Bởi lẽ, thời cơ do điều kiện khách quan mang lại nhưng thiếu sự nỗ lực của chủ quan tương thích để nắm bắt thì không bao giờ giành được thắng lợi.
Đi vào tình hình cụ thể của một cuộc chiến tranh, thời cơ được phân chia thành hai cấp độ: Thời cơ chiến lược và thời cơ chiến dịch. Thời cơ chiến lược thuộc phạm trù chiến tranh, liên quan chặt chẽ đến toàn bộ cuộc chiến tranh. Nó có thể là sự chuyển giai đoạn hoặc sự đột biến trong chiến tranh. Thời cơ chiến lược là thời điểm xuất hiện các sự kiện lớn, các hiện tượng quan trọng về chính trị, quân sự, báo hiệu những điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành chiến tranh. Nó làm cơ sở cho việc định hướng chiến tranh. So với thời cơ chiến lược, thời cơ chiến dịch ngắn hơn và chỉ mang tính chất đấu tranh vũ trang thuần túy. Về thực chất, thời gian chiến dịch là thời gian chuẩn bị khẩn trương cho hành động, tuyệt đối không được chậm trễ. Đó là sự chuyển hóa thời gian thành sức mạnh trên một không gian nhất định, với những phương tiện, bằng những phương pháp nhất định, để giành thắng lợi. Nói đến thời cơ chiến dịch là nói đến việc hành động nhanh chóng, kịp thời, không được “sớm quá” nhưng cũng không được “muộn hơn”, mà phải là “đúng lúc”. Đó là chưa nói đến độ “chính xác” của thời cơ trong chiến tranh hiện đại, khi các sự kiện diễn biến được tính đến từng giây, từng phút.
Một trận xóa sổ “quả đấm thép”
Điều này đã được cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975 chứng minh rõ. Thật vậy, ngày 30-9-1974, Bộ Chính trị đã họp để đánh giá tình hình, thông qua bản dự thảo kế hoạch chiến lược do Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu, soạn thảo, nhan đề “Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam sau vài ba năm làm thay đổi so sánh lực lượng ở miền Nam” và đi đến xác định quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976.
Thế nhưng, sau đòn tiến công chiến lược mở đầu Tây Nguyên, bằng Chiến thắng Buôn Ma Thuột và trận đánh bại cuộc phản kích của địch, giải phóng quận lỵ Phước An, đập tan hoàn toàn kế hoạch chiếm lại vị trí đã mất, đặc biệt là trận đánh tiêu diệt trung đoàn 53 địch ở sân bay Phượng Dực (phía đông thị xã Buôn Ma Thuột) vào ngày 17-3-1975 - một trận đánh góp phần xóa sổ sư đoàn 23, “quả đấm thép” của quân ngụy, được giao đặc trách 6 tỉnh cao nguyên trung phần, với quân số hơn 10.000 người, luôn vỗ ngực là “Nam bình, Bắc phạt, Tây Nguyên trấn” và cắt đứt vị trí bàn đạp mà địch hy vọng sẽ sử dụng để phản kích, đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột - thì cục diện chiến trường chuyển biến rất nhanh, một sự đột biến chiến dịch đã xuất hiện và dẫn tới sự bùng nổ chiến lược, nhất là khi chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho quân ngụy rút khỏi Kon Tum (ngày 16-3-1975) và Pleiku (ngày 17-3-1975). Vì vậy, ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã mở cuộc họp quan trọng nhằm đánh giá lại toàn bộ tình hình, xác định phương hướng phát triển và chỉ đạo cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975. Tiếp đó, ngày 19-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhất trí cho chuyển sang phương án thời cơ, hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm trong năm 1975, xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu ở Sài Gòn.
Tiếp theo việc giải phóng hoàn toàn 70.000km2 vùng đất Tây Nguyên, 10 ngày sau, ngày 29-3-1975, tình hình chiến sự lại có bước phát triển mới. Chỉ 4 ngày sau khi giải phóng TP Huế, quân và dân ta đã đánh tan 10 vạn quân ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giải phóng TP Đà Nẵng-một nhiệm vụ hết sức quan trọng mà Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đề ra cho đòn tiến công chiến lược thứ hai đã thu được kết quả rất khả quan.
Sau thắng lợi của chiến dịch kế tiếp Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị khẳng định: Về thế chiến lược và so sánh lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo trước đối phương. Cuộc chiến tranh của nhân dân miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt mà thời cơ chiến lược cũng đã chín muồi.
Bộ Chính trị quyết định nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo chắc thắng, bất ngờ, quyết tâm thực hiện tổng công kích trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm.
Như vậy là chỉ trong tháng 3-1975, đã 3 lần Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương điều chỉnh quyết tâm chiến lược. Từ dự kiến giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, rút xuống trong năm 1975, rồi rút xuống trước mùa mưa năm 1975. Mỗi lần hạ quyết tâm mới là một lần đem lại những thắng lợi mới rất to lớn mà cũng thật không ngờ. Tiếp đó, đến ngày 31-3-1975, với kết quả thắng lợi của đòn chiến lược mở đầu Tây Nguyên và đòn chiến lược kế tiếp Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương lại đưa ra một quyết định mới: Giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất mà tốt nhất là trong tháng 4-1975.
Chạy đua với thời gian
Bức điện số 157 của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi đến các cánh quân ngày 7-4-1975 nhắc lại quyết định trên qua việc nhấn mạnh đến nỗ lực tạo thời cơ: Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!
Trước tình hình chiến sự diễn ra một cách dồn dập, nhằm chỉ đạo kịp thời, ngày 22-4-1975, Bộ Chính trị lại triệu tập họp khẩn cấp để hội ý về sự phát triển của tình hình cuộc tổng tiến công chiến lược ở miền Nam và đề ra chủ trương, phương châm lãnh đạo trong những ngày sắp tới.
Từ những phân tích, đánh giá một cách khoa học, Bộ Chính trị khẳng định: “Thời cơ để mở cuộc tổng tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi”.
Cuộc chạy đua với thời gian càng trở nên cấp thiết và gấp rút khi cả hai bên tham chiến đều rất chú ý sử dụng yếu tố thời gian, nhằm tạo một thời cơ thuận lợi nhất. Âm mưu của địch là tìm mọi cách hòng ngăn chặn, níu kéo đà tiến công của ta chậm lại để hy vọng mong manh vào một giải pháp cứu nguy nào đó, còn hơn là bó tay chờ chết. Còn chủ trương của ta là ngược lại, thần tốc và gắng hết sức tiêu diệt địch trước mùa mưa. Vấn đề thời cơ đã trở thành một mệnh lệnh “tập trung mọi lực lượng, mọi phương tiện, bảo đảm cho trận quyết chiến lịch sử giành toàn thắng”.
Có thể nói rằng, chủ động đi đôi với thần tốc, chủ động đi đôi với táo bạo là bước phát triển mới của bài học về nhạy bén nắm bắt thời cơ, giành thế chủ động trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, chiến dịch cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Và sự thật, ngày 30-4-1975 - ngày kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng là ngày kết thúc cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa xuân 1975 - đã diễn ra đúng như dự kiến ban đầu.
(còn nữa)
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG - Nhà nghiên cứu Văn hóa quân sự