"Tóm gọn" lời khai của tên phản bội

Sau Tổng tiến công và nổi dậy đợt 1 (tháng 2-1968), Tư Cang trở ra chiến khu An Thành nằm giữa sông Thị Tính và sông Sài Gòn, thuộc địa phận tây nam Bến Cát vừa chỉ đạo bộ phận mật trong thành, vừa trực tiếp chỉ huy đơn vị vũ trang của Cụm A18 ở chiến khu. Toàn cụm đang chuẩn bị cho cuộc tấn công đợt 2 thì ngày 21-4-1968, công văn hỏa tốc của cấp trên gửi đến Tư Cang, chỉ thị: “Một cán bộ cao cấp của ta vừa đầu hàng giặc. Anh ra Sài Gòn xem hắn khai những gì, báo cáo về ngay”.

Tư Cang nhờ Hai Thương (Thiếu tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thương), giao thông viên của Cụm A36 đưa ra Quốc lộ 13 sau đó móc nối với các giao thông viên của Cụm mình (Cụm A18) trở vào nội thành. Việc đầu tiên của anh là tìm hiểu xem tên phản bội là ai. Trên trang nhất các tờ báo của Sài Gòn sáng 23-4-1968 đều đăng tít lớn, đại loại: Thượng tá Tám Hà đã rời hàng ngũ Việt Cộng trở lại với chánh nghĩa quốc gia. Dưới tít là ảnh Tám Hà đứng giữa Phạm Quốc Thuần, Sư trưởng Sư đoàn 5 ngụy và Westmoreland, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Mỹ tại Việt Nam.

leftcenterrightdel
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bên trái) và các đồng đội tình báo, biệt động dự Hội thảo quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968-Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” ngày 29-12-2017 tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: KIỀU TRANG

Thực ra, Tám Hà lúc đó mới mang quân hàm trung tá. Trong đợt tấn công Xuân Mậu Thân lần thứ nhất, hắn giữ chức phó chủ nhiệm chính trị cánh quân phía bắc Sài Gòn. Do sư đoàn này của ta không vào được Sài Gòn nên trụ lại vùng Bình Mỹ-Bắc Hóc Môn để chuẩn bị cho đợt 2. Quân ta ém trong vùng Mỹ lập "vành đai trắng", bị không quân, pháo binh Mỹ tấn công suốt ngày đêm, tiếp tế hậu cần lại khó khăn, đồng chí Sư đoàn trưởng kiêm Chỉ huy trưởng cánh quân phía bắc Nguyễn Thế Truyện hy sinh... Trước khó khăn ngút ngàn đó, Tám Hà không chịu được gian khổ đã dao động, ra đầu hàng giặc và Mỹ-ngụy “nâng” quân hàm lên thành thượng tá, phó chính ủy sư đoàn để quảng cáo rùm beng. Dù sao, trong hoàn cảnh địch càn quét, bố ráp dữ dội, việc một cán bộ tầm cỡ như Tám Hà ra hàng giặc cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng quân và dân Sài Gòn.

Trước sức ép phải có nhanh bản khai của Tám Hà, Tư Cang nghĩ ngay đến Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), người điệp viên tầm cỡ và hoạt động hiệu quả nhất trong cụm. Quả nhiên, nghe xong, Hai Trung lái xe chở Tư Cang chạy ngay về phía Gia Định. Trên đường đi, Hai Trung nhận định: Tên Tiểu khu trưởng Gia Định có tham gia điều tra vụ Tám Hà, nhất định tên này có bản khai. Tên trung sĩ giữ tài liệu mật của tên này lại rất thân thiết với Hai Trung vì Hai Trung thường hỏi mượn nó tài liệu để viết bài cho Báo Times cho “sát tình hình”. Mỗi lần cho mượn tài liệu mật, hắn được Hai Trung biếu tiền gọi là “nhuận bút”. Số tiền Hai Trung cho khá lớn, lại quý Hai Trung ở chỗ là nhà báo của nước Mỹ nên lần nào Hai Trung hỏi mượn tài liệu, tên trung sĩ đều sốt sắng. Lần này cũng vậy, hắn đưa ngay bản khai của Tám Hà cho Hai Trung và dặn phải trả lại trước 2 giờ chiều, đề phòng chiều nay Tiểu khu trưởng hỏi đến.

Trưa đó, về nhà Tám Thảo, Tư Cang lập tức chụp lại 5 trang lời khai của Tám Hà. Tên phản bội đã khai mọi thứ hắn biết, từ các vị trí ém quân, tình hình đời sống cũng như tinh thần của bộ đội ta. Đặc biệt là hắn khai rằng ta đang ráo riết chuẩn bị đợt tấn công thứ hai vào Sài Gòn. Vũ khí, đạn pháo của ta cất giấu ở đâu, sẽ bắn vào địa điểm nào, hắn cũng khai sạch.

Nắm được bản khai của Tám Hà, Tư Cang còn tìm gặp anh Tám, cơ sở của ta hiện làm quản lý khách sạn Embassy, nơi lui tới của nhiều chính khách và giới quan chức cấp cao của Mỹ-ngụy. Cùng với nguồn tin Hai Trung khai thác từ phía tình báo Mỹ và một sĩ quan cao cấp ngụy, nguồn tin Tám Thảo khai thác từ phía hải quân Mỹ, Tư Cang đã hoàn chỉnh báo cáo, nhận định: Chính quyền Giôn-xơn đang bị sức ép nặng nề sau đợt tấn công lần thứ nhất của ta, nhân dân Mỹ ngày càng chán ghét chiến tranh. Giới chóp bu Mỹ rất sợ xảy ra một cuộc tấn công nữa vào Sài Gòn, vì như vậy sẽ càng làm phong trào phản chiến trong nhân dân Mỹ dâng cao. Bọn chóp bu trong chính quyền ngụy cũng không muốn Sài Gòn bị tấn công lần nữa, vì ảnh hưởng đến cái gọi là “ổn định tình hình” mà quan thầy Mỹ đang rêu rao. Cho nên, nhân vụ Tám Hà, Thiệu cho báo chí đăng tải nhiều với hàm ý chúng đã nắm được kế hoạch của ta và đã có chuẩn bị, nếu cứ tấn công thì sẽ thất bại. Ngược lại, giới chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam thì có ý khác, chúng muốn Quân giải phóng tấn công vào đô thị, nơi chúng dễ dàng phát huy ưu thế hỏa lực không quân, pháo binh để sau đó phản công lấn chiếm vùng đồng bằng nông thôn mà ta đang làm chủ... Qua nhận định như vậy, Tư Cang đề xuất: Nếu đã chuẩn bị, ta nên tấn công Sài Gòn lần nữa, để làm thui chột cuồng vọng chiến tranh của giới chóp bu Mỹ-ngụy nhưng phải có kế hoạch bảo vệ lực lượng, tránh bị tiêu hao, tiêu diệt. Sau này, khi Tư Cang ra căn cứ dự hội nghị tổng kết các đợt tổng tấn công và nổi dậy, cấp trên cho biết, bản báo cáo của anh rất kịp thời, đã góp phần để trên củng cố quyết tâm mở đợt tấn công mới.

Thúc đẩy tâm lý rã rời trong lòng nước Mỹ

Báo cáo của Tư Cang gửi ra căn cứ ngày 24-4 thì khuya ngày 4 rạng 5-5-1968, tiếng súng tấn công của các cánh quân một lần nữa làm rung chuyển Sài Gòn.

Đợt tấn công thứ hai, ta không đánh vào các mục tiêu quan trọng bên trong như Tòa đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Tổng nha cảnh sát, Biệt khu Thủ đô, Đài Phát thanh... mà đồng loạt tiến công vào các quận vòng ngoài. Đánh mạnh nhất có lẽ là vào Chợ Lớn. Một trung đoàn của ta vào được quận 6, quận 5, có mũi thọc sâu đến Chợ Thiếc. Một trung đoàn khác đánh vào Trường đua Phú Thọ. Địch tăng cường các đơn vị biệt động quân đến ứng cứu. Hai bên quần nhau gần chục ngày.

Đợt này, anh em phong trào hoạt động rất khá. Không chờ đợi lực lượng bên ngoài vào, anh chị em đã chủ động đánh chiếm và treo cờ đỏ sao vàng trên tòa nhà hành chính quận 5, đánh vũ trang trên nhiều điểm, diệt nhiều Mỹ-ngụy trên các con đường Đề Thám, Yên Đỗ, Trần Quang Khải, Hòa Hưng, Trương Tấn Bửu, Tôn Đản... Nhưng các mũi nổi dậy chỉ làm được đến đó vì thiếu những trận đánh có tính tiêu diệt lớn, lực lượng địch còn đông, bộ máy đàn áp của ngụy còn hung hăng nên các mũi nổi dậy chưa huy động được quần chúng nhân dân xuống đường.

Tình hình Sài Gòn rất căng thẳng đối với địch. Sĩ quan, binh lính Mỹ không còn dám ngông nghênh đi lại trên đường mà thường phải mặc áo giáp chống đạn. Có lần, sáng 20-5-1968, Tư Cang đi xe Honda trên đường Hai Bà Trưng về phía Bến Tàu để nắm tình hình, đến góc đường Nguyễn Du thì nghe tiếng rít trên không. Theo bản năng người lính, anh vứt xe nằm xuống lề đường. Một tiếng nổ lớn. Mảnh bay rào rào đụng tường xung quanh rơi lịch bịch. Qua cơn nguy hiểm, đứng dậy, Tư Cang thấy có người rên la trên một chiếc xe hơi sang trọng đậu ở góc đường. Hóa ra là một tên bộ trưởng trong chính quyền Thiệu bị trúng đạn! 

Các cuộc chiến dai dẳng kéo dài mấy tháng liền. Để đẩy lùi Việt Cộng khỏi khu vực Chợ Lớn, biệt động quân ngụy đặt một sở chỉ huy tiền phương ở một trường học tại Phúc Kiến. Một buổi sáng cuối tháng 6, cố vấn Mỹ triệu tập cuộc họp gồm chỉ huy các đơn vị trong vùng nhằm bàn kế hoạch hành động đẩy lùi Việt Cộng. Đúng giờ họp, không thấy cố vấn Mỹ tới nhưng trên trời Sài Gòn, hai máy bay vũ trang đã ùn ùn bay đến. Chúng thấy mục tiêu động bèn phóng hỏa tiễn vào trường học Phúc Kiến, nơi bọn sĩ quan ngụy đang ngồi chờ quan thầy. Tên Phước, Liên đoàn trường Liên đoàn 5 biệt động quân; tên Trụ, quận trưởng quận 5; tên Luật thuộc Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô cùng nhiều tên sĩ quan cao cấp khác chết ngay tại chỗ. Tức tối, bọn lính bảo vệ bắn trả nhưng hai chiếc trực thăng đã bay về phía Sài Gòn. Thời điểm này, Nguyễn Cao Kỳ đang mâu thuẫn với Nguyễn Văn Thiệu nên Kỳ phản ứng với người Mỹ. Phía Mỹ buộc phải nhận lỗi bắn nhầm vào ngụy...

Đến ngày 7-8, lực lượng ta rút hết ra ngoài, coi như kết thúc tấn công đợt 2. Tư Cang nhận chỉ thị phải ở lại Sài Gòn để tìm hiểu tình hình, đi sâu nắm ý đồ chiến lược của Mỹ sau hai đợt tấn công của ta vào Sài Gòn. Anh gợi ý Hai Trung tổ chức một cuộc trò chuyện với Đại tá Lân trong Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Lân là một tên sĩ quan từng làm tay sai cho thực dân Pháp rồi mới quay sang phục vụ chủ Mỹ, nên dù học hành qua nhiều trường lớp ở Mỹ, có nhiều quan hệ với bọn sĩ quan cao cấp Mỹ, được mời dự nhiều cuộc tranh luận cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật nhưng không được trọng dụng trong quân đội ngụy của chính quyền Thiệu. Với Hai Trung, phóng viên thường trú của một tờ báo lớn của nước Mỹ, Lân rất cởi mở.

Trò chuyện đến hồi cao trào, hắn cho rằng: “Nói một cách văn vẻ để ông dễ hiểu thì nói gọn thế này: Đợt đầu, Việt Cộng đánh tan ý chí người Mỹ. Đợt hai, họ đánh nhằm thúc đẩy tâm lý rã rời của nước Mỹ... Cộng sản họ đánh giặc mấy chục năm rồi, từ Tây đến Mỹ. Võ Nguyên Giáp vẫn là Võ Nguyên Giáp. Còn mình thì thay quân đổi tướng liền xì”. “Người Mỹ, người Đại Hàn, người Thái Lan, người Phi Luật Tân, người Úc, người Tân Tây Lan... họ rút hết cả. Chỉ còn mình đương đầu với Việt Cộng. Các ông nghĩ xem, đông người đánh ráp còn thua, bây giờ rút hết, bỏ lại mình mình”.

Sau những câu nói trên, mặt tên đại tá ngụy bỗng trở nên buồn xo. Có lẽ, hắn đã đoán ra số phận của hắn và đồng bọn trong những ngày sắp tới!

NGUYỄN HỒNG (lược thuật)

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân NGUYỄN VĂN TÀU