Âm mưu của thực dân Pháp và thái độ của Mỹ
Cuối tháng 8-1945, Tổng thống Mỹ Harry S.Truman tuyên bố với Charles de Gaulle đang ở thăm thủ đô Washington rằng nước này không cản trở sự trở lại Đông Dương của Pháp. Ngoại trưởng Mỹ E.R.Stettinius cũng đã khẳng định với Ngoại trưởng Pháp Georges Bidault: “Mỹ chưa từng đặt vấn đề nghi ngờ chủ quyền của Pháp ở Đông Dương”.
Ngày 30-8-1945, Đại sứ Mỹ ở Trùng Khánh nhận được thông báo từ Bộ Ngoại giao Mỹ là Washington hoàn toàn đồng ý nếu Pháp và Tưởng Giới Thạch có thể thỏa thuận được với nhau về việc Pháp theo chân quân Tưởng vào miền Bắc Việt Nam.
Năm 1947, Mỹ viện trợ cho nước Pháp 3 tỷ USD theo kế hoạch Marshall. Nhờ khoản tiền này, Pháp mới có thể tiếp tục gây chiến tranh tái xâm lược Việt Nam. Báo chí Mỹ lúc đó cho biết: Năm 1947, chính phủ Harry S.Truman đã cho Pháp vay 160 triệu USD để mua xe cộ và một số thiết bị liên quan cho chiến trường xâm lược của Pháp ở Đông Dương.
Trong văn kiện NSC51 của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (ngày 1-7-1949) có xác nhận: Trong năm 1948, có khoảng 100.000 quân Pháp với trang bị của Mỹ ở Đông Dương.
    |
 |
Người biểu tình phản chiến Mỹ với sự châm biếm: Đế quốc Mỹ và “Con rối Sài Gòn”. Ảnh tư liệu. |
Ngày 14-9-1951, tướng Pháp De Lattre sang gặp Tổng thống Harry S.Truman và lô hàng gồm nhiều chiến cụ và khí giới: 9.000 súng tiểu liên, 500 đại liên, 5.000 xe chuyên chở đủ loại, 600 máy truyền tin và các xe chiến đấu, máy bay, tàu hải quân, tàu sửa chữa... của Mỹ đã được “viện trợ” cho Pháp. Tính từ tháng 7-1950 đến ngày 1-1-1952, Mỹ đã cung cấp cho Pháp vũ khí và trang bị quân sự trị giá gần 300 triệu USD.
Năm 1953, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã đề ra “học thuyết Eisenhower”, lấy chiến lược “trả đũa ào ạt” làm chiến lược quân sự toàn cầu mới. Tháng 7-1953, Mỹ phê chuẩn “Kế hoạch Navarre” của bộ chỉ huy Pháp, gánh chịu mọi khoản chi phí cho kế hoạch đó, gồm gần 400 triệu USD. Tính đến tháng 1-1954, riêng về vũ khí và phương tiện chiến tranh, Mỹ đã “viện trợ” cho chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương gồm 360 máy bay, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 390 tàu chiến và tàu quân sự, 16.000 xe quân sự các loại, 175.000 súng trường và súng máy.
Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thu được rất nhiều vũ khí có xuất xứ từ Mỹ. Có 37 phi công Mỹ đã tham gia lực lượng viễn chinh Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tổng kết lại, nếu như năm 1950, Mỹ chỉ “viện trợ” quân sự 10 triệu USD cho Pháp trong cuộc chiến tranh thì đến năm 1954, số lượng này đã tăng lên đến 1,1 tỷ USD, chiếm 78% chi phí chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Từ năm 1950 đến 1954, tổng số viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Pháp trong chiến tranh xâm lược Đông Dương đã vượt quá 3,5 tỷ USD. Tướng Pháp Navarre sau này viết trong hồi ký rằng: “Địa vị của chúng ta đã chuyển thành địa vị của một kẻ đánh thuê đơn thuần cho Mỹ”.
Sau 9 năm kháng chiến gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang bằng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đã buộc thực dân Pháp phải ký vào Hiệp định Geneva để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Nhưng Mỹ đã ra sức tuyên truyền kêu gọi người dân miền Bắc (đặc biệt là đồng bào Thiên Chúa giáo) di cư vào Nam. Mỹ đã sử dụng 1.455.000USD, 41 lượt tàu biển và 19 máy bay vận tải cho việc này.
Âm mưu của đế quốc Mỹ đối với nước ta
Vào ngày 25-6-1954, Mỹ đã ép Pháp đưa Ngô Đình Diệm lên làm thủ tướng cái gọi là “Quốc gia Việt Nam”. Ngô Đình Diệm là ai? Đây là tên tay sai từng làm quan cho triều đình Huế và là tên tay sai bị Pháp hắt hủi nhưng được Mỹ lựa chọn, đào tạo.
Bằng một loạt “trò hề chính trị” như trò “trưng cầu dân ý” để phế truất Bảo Đại rồi tự suy tôn mình làm tổng thống (tháng 10-1955), rồi tổ chức bầu cử riêng rẽ, lập cái gọi là “quốc hội lập hiến” (tháng 5-1956), ban hành hiến pháp của cái gọi là “Việt Nam Cộng hòa” (tháng 10-1956). Ngô Đình Diệm trắng trợn phá hoại việc thống nhất Việt Nam, đồng thời xé bỏ luôn Hiệp định Geneva.
Lầu Năm Góc đã khẳng định: “Nam Việt Nam, về bản chất, là một sáng tạo của Hoa Kỳ”. Bởi vậy, không lạ gì Mỹ là quốc gia đầu tiên “công nhận” Việt Nam Cộng hòa.
“Tức nước vỡ bờ”, Phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam nổ ra (1959-1960) và đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở của Mỹ-Diệm ở nông thôn. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, đồng thời làm tê liệt chế độ bù nhìn Ngô Đình Diệm ở hầu hết các xã khác. Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đầu năm 1961, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng được thành lập.
Tiếp đó, nhân dân đã phá hoàn toàn 2.895 “ấp chiến lược” trong số 6.164 ấp do địch lập ra, số còn lại đã bị phá đi phá lại 5.950 lượt ấp. Nhân dân cũng đã phá được thế kìm kẹp, giành quyền làm chủ ở 12.000 thôn trong tổng số 17.000 thôn toàn miền Nam, giải phóng hơn 5 triệu dân trong tổng số 14 triệu dân toàn miền Nam. Hơn 1,5 triệu héc-ta trên tổng số 3,5 triệu héc-ta ruộng đất đã về tay nông dân; hơn 23.000 thanh niên đã tham gia Quân Giải phóng. Hàng nghìn “ấp chiến lược” đã biến thành làng chiến đấu.
Trên Báo Nhân Dân số 3992 (ngày 8-3-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rõ: “Ở Hội nghị Geneva, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố rằng: Mỹ sẽ không đe dọa hoặc dùng vũ lực cản trở hiệp định ấy. Nhưng chữ ký chưa ráo mực thì Mỹ đã dùng mọi cách phá hoại Hiệp định Geneva. Mỹ nặn ra chính quyền bù nhìn phát xít Ngô Đình Diệm. Mỹ tổ chức, vũ trang, huấn luyện cho ngụy quyền một quân đội đánh thuê khát máu. Suốt mười năm trời, gần 20 vạn đồng bào miền Nam yêu nước đã bị Mỹ-Diệm khủng bố, tù đày, chặt cổ mổ bụng. 70 vạn người đã bị tra tấn giam cầm trở nên tàn phế. Hàng triệu người bị nhốt vào các trại tập trung mà chúng gọi là “ấp chiến lược”. Không gia đình nào không có người bị hy sinh. Không làng xóm nào không bị càn quét. Đế quốc Mỹ và bọn tay sai đã phạm hết mọi tội ác dã man, chúng đã biến miền Nam thành một địa ngục”.
Cũng trên Báo Nhân Dân số 3992 (ngày 8-3-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đế quốc Mỹ và lũ tay sai gây chiến tranh phi nghĩa chống lại toàn dân ta, cho nên chúng nhất định thất bại. Buộc phải chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc mình, nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi. Nhất định thắng lợi vì chúng ta có chính nghĩa; vì chúng ta đoàn kết một lòng, kiên quyết kháng chiến; vì chúng ta được sự đồng tình ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân yêu chuộng chính nghĩa khắp thế giới-kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ”.
Đêm 30 và rạng ngày 31-1-1968, quân ta đồng loạt tiến công vào Sài Gòn và các thành phố, thị xã khác (4 thành phố, 37 thị xã và hàng trăm thị trấn, 4 bộ tư lệnh quân đoàn, hầu hết các bộ tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần), làm cho Mỹ-ngụy bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta không chỉ có ở Tết Mậu Thân mà trên thực tế đây chỉ là đợt 1, còn đợt 2 và đợt 3 diễn ra mùa hè và mùa thu năm 1968. Kết quả trong năm 1968, theo Thông cáo của Bộ chỉ huy Các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam ngày 20-12-1968, quân và dân ta ở miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 630.000 tên Mỹ-ngụy và quân của các nước đồng minh Mỹ; tiêu diệt và đánh thiệt hại 1 lữ đoàn, 7 trung đoàn, chiến đoàn, tiểu đoàn bộ binh, 18 chi đoàn thiết giáp; phá hỏng, phá hủy 13.000 xe quân sự, 1.000 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, 700 kho đạn, 100 khẩu pháo các loại; diệt, bức hàng, bức rút 15.000 đồn bốt, chi khu.
Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo từ trước: “Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Nên nhớ trước khi đến Bàn Môn Điếm ký hiệp định đình chiến ở Triều Tiên, Mỹ đã cho không quân hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Với 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972 quân và dân miền Bắc đã bắn hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 pháo đài bay B-52, đồng thời đánh gục ý đồ của Mỹ khiến Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam ngày 27-1-1973.
Vào cuối năm 1974, đầu năm 1975, khi đế quốc Mỹ đã rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Paris, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng ta, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Nhưng Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh “cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975”.
Sau chiến thắng của quân ta ở Chiến dịch Tây Nguyên và Chiến dịch Huế-Đà Nẵng, Bộ Chính trị nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Và để có được thắng lợi cuối cùng, quân và dân Nam Bộ đã sống, chiến đấu xứng đáng với danh hiệu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng là “Thành đồng Tổ quốc” cho đến ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975). Thắng lợi này làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12-1976 đã đánh giá: “Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
NGUYỄN VĂN TOÀN