Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Tháng Hai vẫn mang nhiều ý nghĩa. Trong đó, đặc biệt là việc trở thành một tiền đề quan trọng dẫn tới của cuộc Cách mạng Tháng Mười.
Một nước Nga nặng nề tàn tích
Trước cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917, nước Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế. Nga đã xây dựng được một nền đại công nghiệp tập trung rất cao, với sự xuất hiện của các tổ chức độc quyền. Các tổ chức độc quyền kiểm soát hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng như: Dầu mỏ, than đá, luyện kim, đường sắt.. cũng như trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng. Trước Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất (1914-1918), chỉ 13 ngân hàng ở Saint Petersburg đã tập trung trên 72% số tiền gửi. Giới tư bản độc quyền Nga giữ địa vị có ý nghĩa quyết định trong đời sống kinh tế-tài chính của đất nước và câu kết chặt chẽ với chính quyền Nga hoàng. Tuy nhiên, nước Nga chỉ là một nước tư bản chủ nghĩa phát triển ở trình độ trung bình, lại ngày càng tỏ ra lạc hậu và lệ thuộc vào các nước tư bản phương Tây. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ấy là sự tồn tại rất nặng nề những tàn tích phong kiến-nông nô. Đến năm 1905, 2/3 ruộng đất ở Nga vẫn nằm trong tay các địa chủ, quý tộc và nhà thờ. Trong đó, Nga hoàng là địa chủ lớn nhất.
Công nhân ở Petrograd xuống đường biểu tình trong cuộc Cách mạng Tháng Hai.
Không chỉ bóc lột nông nô trên ruộng cày, ở trong nước, Nga hoàng cấu kết chặt chẽ với giai cấp tư sản thẳng tay bóc lột và áp bức tàn bạo các tầng lớp nhân dân lao động, tước đoạt các quyền tự do dân chủ, đàn áp mọi phong trào đấu tranh đòi dân chủ của nhân dân, duy trì thường xuyên một đội quân đông đảo cảnh sát, mật thám và hiến binh. Với nước ngoài, đế quốc Nga lại lệ thuộc vào phương Tây, nhất là đối với Anh, Pháp. Tư bản nước ngoài đã đầu tư rất nhiều vào các ngành công nghiệp quan trọng như luyện kim, than đá và dầu mỏ. Ngay từ năm 1890, tư bản nước ngoài đã chiếm tới 47% tổng số vốn đầu tư ở Nga.
Mô hình chính trị-xã hội-kinh tế ở nước Nga trước năm 1917 trở thành nơi hội tụ cao độ những mâu thuẫn gay gắt của chủ nghĩa đế quốc: Mâu thuẫn giữa tư bản và vô sản, mâu thuẫn giữa địa chủ và nông dân, mâu thuẫn giữa đế quốc Nga và các dân tộc bị áp bức, mâu thuẫn giữa đế quốc Nga và các nước đế quốc Tây Âu. Toàn bộ những mâu thuẫn này chồng chéo lên nhau và ngày càng gay gắt làm cho nước Nga trở thành khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Chính sự gay gắt của mâu thuẫn đó đã dẫn tới sự hình thành những tiền đề khách quan cho một cuộc cách mạng xã hội ở nước Nga.
Tình thế cách mạng xuất hiện
Những mâu thuẫn trong nội bộ nước Nga đã tạo nên những điều kiện cho một cuộc cách mạng xã hội xuất hiện. Tuy nhiên, cách mạng chỉ có thể bùng nổ khi xuất hiện một tình thế cách mạng. Chính cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã dẫn tới sự xuất hiện một tình thế cách mạng đó ở nước Nga.
Cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất càng đi vào giai đoạn cuối, hầu hết người dân Nga càng mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo của Sa hoàng Nicholas II. Chính quyền hoạt động kém hiệu quả và đầy rẫy nạn tham nhũng, còn nền kinh tế thì luẩn quẩn trong tình trạng lạc hậu. Các chính sách phản động của Sa hoàng, bao gồm việc giải tán Duma (Quốc hội Nga) làm tâm lý bất mãn lan rộng sang cả các tầng lớp ôn hòa. Dưới sự cai trị của đế chế Nga, nhiều nhóm dân tộc thiểu số cũng thấy ngột ngạt và chỉ muốn nổi loạn. Sự tham dự Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đã mang lại cho nước Nga những hậu quả thảm hại. Về mặt quân sự, Nga không phải là đối thủ của một nước Đức hùng cường công nghiệp hóa. Sau ba năm theo đuổi chiến tranh, tới cuối năm 1916 và đầu năm 1917, nước Nga đã lâm vào một tình trạng khủng hoảng kinh tế và xã hội-chính trị trầm trọng. Chiến tranh càng kéo dài càng phơi bày rõ mọi sự lạc hậu về kinh tế và quân sự của đất nước, càng làm gay gắt mọi mâu thuẫn trong xã hội. Nền công nghiệp của nước Nga không bảo đảm được những yêu cầu của cuộc chiến. Quân đội trang bị lạc hậu, thiếu thốn vũ khí và các phương tiện quân sự. Trong khi đó, những kẻ cầm đầu bộ máy chiến tranh lại hết sức thối nát và mang nặng tâm lý chiến bại. Nhiều bộ trưởng và tướng tá ăn tiền đút lót của Đức đã tiết lộ, cung cấp những bí mật quân sự cho chúng. Quân Nga thua trận liên tiếp và tổn thất nặng nề. Năm 1916, quân Đức đã chiếm được Ba Lan và nhiều vùng thuộc Ban Tích. Chiến tranh đã tàn phá nặng nề và gây nhiều thảm họa đối với các tầng lớp nhân dân. Đã có tới 1,5 triệu người chết và 4-5 triệu người bị thương. Nền kinh tế quốc dân kiệt quệ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đình đốn. Vận tải đường sắt không còn đủ sức chuyên chở hành khách và hàng hóa. Nạn thất nghiệp tăng nhanh. Ở các thành phố lớn, việc cung cấp bánh mì, đường sữa ngày càng thất thường. Nạn đói đã xảy ra trầm trọng ở nhiều vùng nông thôn. Phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân tăng lên mạnh mẽ. Nước Nga đã tiến sát tới một cuộc cách mạng.
Cuộc Cách mạng Tháng Hai
Ngày 8-3-1917 (tức 23-2 theo lịch cũ của Nga), kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, chị em công nhân các nhà máy ở thủ đô Petrograd (nay là St. Petersburg) đã xuống đường biểu tình tuần hành. Công nhân thuộc 50 nhà máy ở thủ đô bãi công hưởng ứng. Tổng cộng có tới 128 nghìn người tham gia đấu tranh với các khẩu hiệu: “Đả đảo chiến tranh'', “Đả đảo chế độ chuyên chế”, ''Bánh mì''… Trong những ngày tiếp theo, làn sóng đấu tranh vẫn tiếp tục và ngày càng dâng cao. Ngày 10-3, đình công lan rộng ra toàn thể công nhân Petrograd. Trong cơn tức giận, các đám đông tấn công các đồn cảnh sát. Một số nhà máy bầu ra đại biểu trong các Xô-viết Petrograd. Ngày 11-3, chính quyền huy động quân đội đồn trú tại Petrograd để dập tắt cuộc nổi dậy của quần chúng. Tại một số nơi, binh lính đã nổ súng bắn chết người biểu tình. Tuy nhiên, lực lượng biểu tình vẫn tiếp tục xuống đường và lực lượng quân đội bắt đầu dao động.
Lãnh tụ V.I.Lenin trở về nước lãnh đạo Đảng Cách mạng Bolshevik. Ảnh: Heidelberg
Ngày 12-3, khởi nghĩa bao trùm khắp thủ đô. Công nhân chiếm các kho vũ khí và trang bị cho mình. Với khí thế mạnh mẽ và lực lượng áp đảo, quần chúng khởi nghĩa đánh chiếm các công sở, nhà ga xe lửa, trung tâm bưu điện, các nhà giam và giải phóng tù chính trị. Các bộ trưởng và tướng tá bị bắt giam. Quần chúng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở thủ đô. Ngày 13-3, các đơn vị quân đội ở Petrograd hạ vũ khí. Tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở thủ đô bay nhanh tới các địa phương trong nước. Công nhân và nhân dân ở Moscow, các thành phố và các địa phương đã nhanh chóng nổi dậy lật đổ chế độ cũ, thành lập các Xô-viết - cơ quan khối liên minh công nhân và nông dân-từ những cơ quan lãnh đạo khởi nghĩa trở thành những cơ quan chính quyền cách mạng. Trên phạm vi cả nước, cuộc Cách mạng Tháng Hai đã thắng lợi. Đó là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với nước Nga-chế độ Nga hoàng chuyên chế thống trị nhân dân từ bao đời nay đã bị sụp đổ chỉ trong vòng 8 ngày. Sa hoàng Nicholas II thoái vị để nhường ngôi cho em trai Michael, nhưng ông từ chối đăng quang, đặt dấu chấm hết cho chế độ chuyên chế Sa hoàng. Nước Nga đã trở thành nhà nước cộng hòa dân chủ. Nhưng sau Cách mạng Tháng Hai, một tình hình chính trị phức tạp chưa từng có đã diễn ra ở nước Nga.
Sau khi được tái lập, Duma chỉ định ra một chính phủ lâm thời thay thế cho chế độ chuyên chế. Tuy nhiên quyền lực không tập trung vào duy nhất chính quyền này. Trên thực tế, bên cạnh Chính phủ lâm thời, Xô-viết Petrograd tồn tại như một chính quyền thứ hai. Hai chính quyền cạnh tranh quyết liệt với nhau. Ngày 14-3, Xô-viết ra bản Quân lệnh số 1 nổi tiếng, trong đó họ chỉ đạo lục quân và hải quân Nga chỉ tuân thủ các sắc lệnh của Xô-viết chứ không phải là Chính phủ lâm thời. Chính phủ Lâm thời bất lực trước mệnh lệnh này.
Nỗ lực thay đổi cán cân quyền lực, từ tháng 3 đến tháng 7-1917, Chính phủ lâm thời liên tục cải tổ tới 4 lần. Tuy nhiên, không chính phủ nào trong số này đủ sức giải quyết thỏa đáng các vấn đề lớn mà nước Nga đang phải đối mặt lúc đó: Vấn đề nông dân không có ruộng, phong trào độc lập dân tộc của các dân tộc không phải Nga (trong đế chế Nga) và việc quân đội mất hết nhuệ khí chiến đấu ngoài mặt trận. Trong khi đó, Xô-viết Petrograd thì lại bám sát các nguyện ước và tình cảm của quần chúng. Các Xô-viết theo mô hình Petrograd được tổ chức ở các thành phố lớn và trong quân đội. Các Xô-viết này đều ủng hộ việc Nga rút khỏi Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất dưới bất cứ điều khoản nào. Trong bối cảnh ấy, V.I.Lenin, lãnh đạo của Đảng Cách mạng Bolshevik, đã từ Thụy Sĩ, vượt qua các chiến tuyến của quân Đức, trở về quê hương và nắm quyền lãnh đạo cuộc cách mạng Nga. Để từ đó, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga “long trời lở đất” dần nên hình hài.
NGUYỄN MINH ANH (tổng hợp)