Tác giả bài hát “Phất cờ Nam tiến”

Đại tá, PGS, TS Hoàng Minh Châu, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, con gái Đại tướng Hoàng Văn Thái kể: “Cha mẹ tôi đều rất yêu văn nghệ. Cha tôi chính là tác giả bài “Phất cờ Nam tiến”-bài hát được sáng tác trước ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cha tôi biết kéo nhị và thổi kèn harmonica; mẹ tôi hát hay và biết chơi đàn mandolin. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng cha thổi kèn, mẹ đánh đàn bài “Phất cờ Nam tiến” để cả nhà cùng hát theo”.

leftcenterrightdel
Đại tướng Hoàng Văn Thái. Ảnh tư liệu

Bài hát “Phất cờ Nam tiến” của Đại tướng Hoàng Văn Thái, bản phối khí của NSND Đinh Ngọc Liên, do NSND Trung Kiên trình bày đã được sử dụng làm nhạc hiệu của Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân của Đài Tiếng nói Việt Nam từ năm 1960 đến 1975. Ít người biết rằng Đại tướng Hoàng Văn Thái viết bài hát này chỉ trong một đêm. Theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, đồng chí Hoàng Văn Thái là một trong 34 người được triệu tập về tham gia thành lập đội. Đồng chí Võ Nguyên Giáp xét thấy cần có một nhạc hiệu cho đội nên đã giao việc này cho đồng chí Hoàng Văn Thái. Nhiều người sau này rất ngạc nhiên và đánh giá Đại tướng Võ Nguyên Giáp có “đôi mắt xanh” vì đã chọn rất đúng người. Đồng chí Hoàng Văn Thái vốn là người rất yêu âm nhạc, mặc dù công tác cách mạng vô cùng khó khăn, gian khổ nhưng ông vẫn dành thời gian tự học nên có kiến thức về nhạc lý. Ông đã sáng tác một bản hành khúc lấy tên là “Phất cờ Nam tiến”. Chiều 22-12-1944, đồng chí Hoàng Văn Thái được giao nhiệm vụ là người cầm lá cờ đỏ sao vàng (sau là Quốc kỳ), đứng cạnh Đội trưởng Hoàng Sâm trong lễ tuyên thệ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Bài “Phất cờ Nam tiến” với lời: A! Quân dân ta reo hò/ Cướp lấy chính quyền/ Cứu lấy nước nhà/ Tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long/ Trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau... chỉ 9 tháng sau đã trở thành hiện thực kỳ vĩ trên dải đất thiêng liêng hình chữ S.

Bài hát “Phất cờ Nam tiến” sau đó đã đồng hành với Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân trên mọi nẻo đường chiến đấu và công tác. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lớn mạnh không ngừng, đã “phất cờ Nam tiến” thực sự khi làm nòng cốt cho đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời thì thực dân Pháp đã nổ súng tái chiếm Nam Bộ. Phong trào “Nam tiến” một lần nữa được dấy lên và bài “Phất cờ Nam tiến” lại một lần nữa theo các chiến sĩ vệ quốc hành tiến về miền Nam ruột thịt.

Đại tướng Hoàng Văn Thái là một người luôn nêu gương mẫu mực trong việc tự học. Bên cạnh tình yêu âm nhạc, sáng tác nhạc, chơi được nhiều nhạc cụ, thích khiêu vũ và nhảy khá đẹp... ông còn tự học để sử dụng thành thạo nhiều ngoại ngữ. Theo lời kể của những cán bộ gần gũi ông, Đại tướng Hoàng Văn Thái thành thạo tiếng Pháp, tiếng Trung, giao tiếp cơ bản tiếng Anh, tiếng Nga và nhiều ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Nùng... Theo PGS, TS Hoàng Minh Châu, mặc dù thời gian dành cho gia đình rất ít nhưng ông luôn khuyến khích và cùng các con tập luyện các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Mỗi khi nhà có khách, ông lại bảo các con biểu diễn văn nghệ cho khách xem. Tình yêu văn nghệ của ông truyền sang những người con nên khi ông vào Nam, các con ông đã hát và thu vào băng cát-sét để gửi vào làm quà tặng bố.

Mơ làm giám đốc nông trường

Ông Hoàng Quốc Hùng, con trai Đại tướng Hoàng Văn Thái kể rằng: “Sở thích của cha tôi là tăng gia, trồng trọt. Gia đình tôi ở số 34 đường Hoàng Diệu, trong khu gia đình của cán bộ cấp cao quân đội. Quanh khu, chỗ nào có đất trống là cha tôi cuốc đất làm vườn rau, mùa nào thức nấy. Ngoài ra, cha tôi còn trồng nhiều cây ăn quả như đu đủ, chuối tiêu, hồng xiêm... Hằng ngày, lúc sáng sớm và chiều muộn, chúng tôi tham gia cuốc đất, trồng rau, tưới rau, nhổ cỏ do cha phân công”. Có lần, bà Hoàng Minh Nguyệt, con gái Đại tướng, được cha phân công cuốc một mảnh đất nhỏ để chuẩn bị trồng rau. Cuốc chưa xong thì có bạn đến rủ đi chơi nên đã cuốc qua quýt cho xong. Tối đó, bà đã bị cha nhắc nhở và cho biết ông đã tự mình cuốc lại mảnh đất. Còn ông Hoàng Quốc Trinh, con trai của Đại tướng kể: “Ba tôi rất yêu lao động, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng hay vào cuối tuần, ông thường cùng cả gia đình ra vườn tăng gia, vừa để thư giãn, vừa giáo dục, rèn luyện cho các con. Ông hay bảo nếu được chọn, ba muốn làm một giám đốc nông trường. Ông thường dạy chúng tôi: “Có lao động thì mới biết quý thành quả lao động và trọng người lao động”.

Ngoài trồng trọt, ông còn tổ chức cho các con nuôi lợn, nuôi gà với “lịch công tác” được phân công rất tỉ mỉ, từng người đảm nhiệm thái rau, nấu cám, cho lợn, cho gà ăn, quét rửa chuồng trại... Nhờ tích cực tăng gia sản xuất, gia đình Đại tướng Hoàng Văn Thái không ít lần trả lại tiêu chuẩn lương thực và còn có quà từ tăng gia đem biếu các gia đình xung quanh và những người giúp việc của Đại tướng. Làm nhiều, dần dần các con ông thấm thía tình yêu lao động sản xuất, không còn ngại khó, ngại bẩn. Và điều quan trọng nhất, thông qua tăng gia sản xuất, ông đã rèn cho các con ý thức tự lực cánh sinh, không dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ. Ông đã nói với các con: “Uy tín của ba là để làm việc, các con đừng nhờ ba xin xỏ cho con điều gì”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về Đại tướng Hoàng Văn Thái: “Trong những năm tháng đảm nhiệm những chức vụ quan trọng trong Đảng, trong quân đội, anh Mười Khang (bí danh của Đại tướng Hoàng Văn Thái-PV) vẫn giữ lối sống giản dị “cần-kiệm-liêm-chính”, xa lạ với thói xa hoa hình thức, càng xa lạ với tệ tham nhũng, lãng phí... Anh siêng rèn luyện thân thể, lao động chân tay, đến cuối đời vẫn giữ nếp trồng rau, làm vườn như người dân ở Tiền Hải quê anh”.

Lời bài hát “Phất cờ Nam tiến” (Hoàng Văn Thái, 1944)

Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến

Trời phía Nam dân chúng đang chờ ta.

Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến

Trời phía Nam dân chúng đang mong chờ.

 

Phong trào lên, đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa

Mau bước đều lên, tiến tới cho kịp thời cơ.

Phong trào lên, đang sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa

Mau phất cờ lên, tiến tới giành lấy chính quyền.

 

A! Quân dân ta reo hò

Cướp lấy chính quyền

Cứu lấy nước nhà

Tung cờ giải phóng trên đất Thăng Long,

Trên thành Huế, trên Sài Gòn, mũi Cà Mau.

 

Tiến bước mau, Quân Giải phóng

Tiến bước mau, Quân Giải phóng

Đập cho tan quân đế quốc Nhật, Pháp

Quyết đem máu hồng ta thề giành lấy non sông...

TRẦN ĐỨC