LTS: Đồng chí Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914 / 6-7-1967) là người thứ hai (sau đồng chí Võ Nguyên Giáp) được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 107 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Báo QĐND Cuối tuần trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số cảm nhận, chia sẻ, đánh giá về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại tướng Lê Đức Anh và Đại tướng Chu Huy Mân, được in trong sách “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Người Cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia năm 2013.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Có khi chỉ nói nửa câu là đã hiểu ý nhau

... Đến năm 1950, sau khi cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có chuyển biến lớn, bắt đầu quốc tế hóa, ta vừa thoát khỏi vòng vây, đang chuẩn bị những chiến dịch lớn, Bác và Trung ương chủ trương củng cố các cơ quan lãnh đạo quân sự, đã điều động anh Thanh (Nguyễn Chí Thanh) và anh Ninh (Trần Đăng Ninh) vào quân đội, cùng với tôi tổ chức ra Tổng Quân ủy, hai anh làm phó bí thư, tôi làm bí thư.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Hội nghị quân chính toàn quân lần thứ nhất (1960). Ảnh tư liệu

Tôi nhớ mãi những ngày cùng nhau làm việc trong Tổng Quân ủy. Càng nhớ lại và suy nghĩ, tôi càng nhận thấy, cơ quan Tổng Quân ủy gồm 3 đồng chí lúc bấy giờ là một mẫu mực về tổ chức cơ quan lãnh đạo cấp cao, vừa gọn nhẹ, vừa có sức mạnh, đoàn kết, nhất trí cao, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau, sâu sát tình hình thực tiễn, kịp thời thực hiện đường lối của Đảng bằng những chủ trương, kế hoạch cụ thể và sáng tạo, đã chỉ đạo, động viên và tổ chức quân, dân ta nêu cao tinh thần quyết thắng, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giành thắng lợi lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Chúng tôi thường nói với nhau: Làm việc như thế này thích thật, các cuộc họp ít kéo dài, có khi chỉ nói nửa câu là đã hiểu ý nhau và đi ngay đến quyết định...

Qua những năm tháng làm việc cùng nhau, tôi thấy ở anh Thanh có mấy điểm nổi bật:

Thứ nhất, anh là một đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, xông xáo, năng động, sáng tạo. Anh hết lòng thương yêu nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội. Anh là một con người có bản tính cương trực, thẳng thắn, có tác phong quần chúng, giản dị, sâu sát thực tiễn, luôn học tập, tìm tòi nghiên cứu. Anh đã có những đóng góp vào sự phát triển đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng.

Thứ hai, theo sự phân công của Trung ương và Tổng Quân ủy, ở cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Thanh đã có công lớn trong việc xây dựng quân đội về chính trị, tư tưởng, xây dựng hệ thống tổ chức đảng, tổ chức công tác chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của các LLVT nhân dân ta.

Thứ ba, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, anh Thanh vào miền Nam đã cùng với Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng LLVT nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực, anh đã góp phần xác định đúng bước chuyển biến chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, chủ động chuẩn bị đánh quân Mỹ kéo vào miền Nam. Anh là người sắc sảo trong việc đánh giá thực chất sức mạnh của Mỹ, nêu cao quyết tâm, niềm tin đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Anh đã góp phần chỉ đạo động viên bộ đội đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu và đánh bại các kế hoạch chiến lược của Mỹ. Năm 1967, anh ra Bắc báo cáo tình hình, đã góp phần cùng Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam và bàn định chủ trương tổng tiến công năm 1968.

Đại tướng Văn Tiến Dũng: Người chống chủ nghĩa cá nhân

Cuối năm 1953, tôi được chuyển từ Đại đoàn 320 về Bộ Tổng tư lệnh để đảm nhiệm cương vị Tổng Tham mưu trưởng và có dịp trực tiếp làm việc với đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Nhưng tôi đã gián tiếp hiểu đồng chí qua những tác động tích cực, có kết quả trong hoạt động của đồng chí trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đây là thời kỳ quân dân ta chuẩn bị và tiến hành thắng lợi Chiến dịch Biên giới, một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược làm phá sản Kế hoạch Rơve (Revers) khiến địch thấy không thể thắng được về quân sự trong cuộc chiến tranh này, từ đó cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới. Đây cũng là thời kỳ diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (năm 1951) để hoàn chỉnh, bổ sung đường lối cách mạng, xác định kịp thời những chính sách, biện pháp đưa kháng chiến đến thắng lợi...

Có thể nói rằng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã quán triệt sâu sắc quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về tầm quan trọng, nội dung và chuẩn mực của đạo đức cách mạng, cho cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của nhân dân lên trên. Phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân mới có thể xây dựng thành công chế độ mới. Đồng chí là người đầu tiên trong quân đội nổ phát súng chống các biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, công thần, kiêu ngạo trong hoàn cảnh mới. Việc này có tác động lớn về giữ vững ý chí chiến đấu, cảnh giác trước nguy cơ thoái hóa và giúp cho một số người ghìm cương trước vực thẳm...

Từ khi được cử làm Chính ủy các LLVT giải phóng miền Nam cho đến lúc qua đời, cống hiến lớn nhất của đồng chí là từ thực tiễn của cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam, khẳng định có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ bằng cách hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của chúng. Tư tưởng “bám thắt lưng địch mà đánh”, những “vành đai diệt Mỹ” cũng chính là đồng chí đã rút ra từ kinh nghiệm của quần chúng.

Đại tướng Lê Đức Anh: Người đề ra tư tưởng “Ở gần, đánh gần”

Quân đội Mỹ ồ ạt xâm lược miền Nam, cùng lúc đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh leo thang, dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam. Hành động phiêu lưu và dã man này khiến nhân loại trên toàn thế giới sửng sốt và lo ngại cho nhân dân Việt Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người phát hiện sớm việc chuyển chiến lược của Mỹ. Phát kiến đó đã được Bộ Chính trị chấp thuận và đề ra quyết sách mới. Lúc đó, anh Thanh đã phân tích: Mỹ vào miền Nam trong thế thua, thế bị động về chiến lược; Mỹ có cả một kho vũ khí khổng lồ nhưng lại vấp phải một núi mâu thuẫn; Mỹ là tỷ phú về đô la nhưng quân và dân ta lại là tỷ phú về chủ nghĩa anh hùng cách mạng; ta có đường lối chiến tranh cách mạng, có chiến thuật đúng, ta sẽ bắt quân Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, nên ta nhất định thắng...

Từ thực tế chiến đấu, sự sáng tạo của các đơn vị, các địa phương, anh Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành phương châm chỉ đạo tác chiến, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động cách mạng nổi tiếng, nhanh chóng đi vào lòng người, lan tỏa thành cao trào cách mạng trên khắp chiến trường như “Nắm thắt lưng địch mà đánh”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, lập các “Vành đai diệt Mỹ”, thi đua phấn đấu trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt xe tăng”... Tựu trung nhất đó là tư tưởng chỉ đạo “Ở gần, đánh gần”. Thực hiện tư tưởng này, chúng ta đã thật sự chống được ý đồ “phân tuyến” của Mỹ-ngụy, đã hạn chế đến mức tối đa (có trận đã vô hiệu hóa) hỏa lực phi pháo của địch. Ta thắng quân đội Mỹ và sau này thắng quân của chính quyền Sài Gòn ở giai đoạn “Việt Nam hóa chiến tranh” cũng là từ tư tưởng “Ở gần, đánh gần”.

Suy cho cùng, tư tưởng “Ở gần, đánh gần” vừa là tư tưởng chiến thuật, vừa là tư tưởng chiến lược. Đây là điểm thứ nhất nổi trội trong tư duy của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Điểm nổi trội thứ hai chính là anh đã đề ra biện pháp có hiệu quả để mở Mặt trận Tây Nguyên. Thực tế cuộc chiến tranh chống Mỹ đã khẳng định một hiện thực mang tính quy luật và chân lý là: Chúng ta có mở được Mặt trận Tây Nguyên thì mới mở được tuyến đường vận tải chiến lược bằng cơ giới, mới đưa được lực lượng lớn người và của vào miền Nam để thực hiện “Cả nước đánh giặc Mỹ, giải phóng miền Nam”. Mặt trận Tây Nguyên mở ra được cũng đồng thời thu hút được lực lượng địch để tạo điều kiện cho chiến trường Nam Bộ, một chiến trường “trọng điểm của trọng điểm” phát triển. Thực tế đã chứng minh tư tưởng chỉ đạo này là đúng đắn và sắc sảo.

Đại tướng Chu Huy Mân: Người xem thường địa vị

Qua hoạt động chiến đấu và cuộc sống chân thành, cương trực, tôi học tập ở anh Thanh nhiều điều quý báu: Nổi bật ở anh Thanh trong suốt thời kỳ Cách mạng Tháng Tám, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược là sự suy nghĩ chiều sâu về đường lối chính trị, quân sự của Đảng, về đường lối công tác tổ chức cán bộ, tăng cường sức mạnh chiến đấu của Đảng. Xuất phát từ đường lối, bản chất cách mạng của Đảng, anh đặt đúng vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ Quân đội phải trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong quân đội có phẩm chất, đạo đức cách mạng trong sáng, có năng lực hành động, vững vàng và chủ động đương đầu và chiến thắng mọi tình huống, kể cả những tình huống thử thách gay gắt nhất. Đội ngũ cán bộ của Đảng nói chung cũng như trong quân đội đóng vai trò quyết định trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong những buổi nói chuyện, anh Thanh thường nhấn mạnh: “Cán bộ lãnh đạo cấp cao không những đóng vai trò quyết định trong tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính sách của Đảng mà còn quyết định cả số phận của đường lối”...

Với anh Thanh, phẩm chất đạo đức cách mạng và lối sống trong sáng trở thành sức mạnh thuyết phục những ai đã tiếp xúc với anh trong công tác, chiến đấu. Anh xem thường địa vị, danh vọng cá nhân, đấu tranh không khoan nhượng nhằm giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo, uy tín và thanh danh của Đảng. Khiêm tốn là đức tính tự nhiên, cuộc sống thực của anh.

TRÚC LINH (tổng hợp)