Nhiều lần đổi tên
Xung quanh tên của vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn có rất nhiều giai thoại khác nhau. Có người nói đó là tên do Bác Hồ đặt, có người lại bảo đó là tên do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn...
Trong một lần đến thăm Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi mạnh dạn đặt câu hỏi: “Vì sao bác có tên là Đồng Sỹ Nguyên?”. Tôi đã được nghe Trung tướng trả lời: “Hầu hết cán bộ của ta hoạt động trong thời kì bí mật trong vùng địch hậu đều có nhiều tên gọi khác nhau, riêng tôi tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, tuổi Quý Hợi (sinh năm 1923). Tôi còn có tên là Nguyễn Đồng, Nguyễn Dũng trong thời kỳ hoạt động bí mật trước tháng 8-1945. Tên trong danh sách trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1946) là Nguyễn Văn Đồng. Năm 1947, tôi là Bí thư huyện ủy Quảng Trạch (Quảng Bình) kiêm Huyện đội trưởng và Chính trị viên Huyện đội. Lúc đó trụ sở của huyện đóng ở Chiến khu Trung Thuần. Quân Pháp biết lực lượng của ta non yếu, mở nhiều đợt tấn công vào chiến khu. Bàn đạp của chúng đặt ở đồn Hương Phương, một làng Thiên chúa giáo. Chúng dùng một số phần tử phản động đội lốt tôn giáo bắt cóc cán bộ, chiến sĩ vệ quốc đoàn… Chúng tôi đã chiến đấu kiên cường với giặc, nhưng bị tổn thất khá nặng nề. Một số phần tử phản động tìm cách thủ tiêu tôi. Để tiện hoạt động trong vùng địch hậu, đồng chí Hoàng Văn Nhiệm, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Bình lúc đó đề nghị tôi đổi tên Nguyễn Văn Đồng thành Đồng Sỹ Nguyên. Tôi vui vẻ nhận lời”.
|
|
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thị sát thực địa Đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu |
Chuyến đò nên duyên
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã vận động, giác ngộ được khá nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước theo cách mạng, trong đó có ông Nguyễn Bá Ky, còn gọi là ông Nghè. Ông Nghè có cô con gái tên là Nguyễn Thị Ngọc Lan thùy mị, nết na, hăng say với công tác phụ nữ.
Cuối năm 1946, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Đồng khi đó vừa được bổ nhiệm làm Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch đi họp và ngồi chung một chuyến đò với cô Nguyễn Thị Ngọc Lan. Để giữ bí mật, cả hai chỉ nói chuyện về tình yêu lứa đôi. Khi thuyền qua sông, Lan đưa tiền trả cho cả hai người... Từ đó, hai người yêu nhau.
“Cuối năm 1947, sau khi nhận được quyết định của Khu ủy cử giữ chức Chính trị viên Tỉnh đội Quảng Bình, Đồng Sỹ Nguyên được đồng chí Hoàng Văn Nhiệm, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Bình trao cho một tờ giấy có dấu đỏ, tôi nhìn kỹ thì hóa ra là giấy đăng ký kết hôn giữa tôi và cô Lan”, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nói.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và bà Lan sinh được 6 người con, 4 trai, 2 gái, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Tiến Quân, Đại đội trưởng pháo binh, trước khi hy sinh còn kịp nhét tấm bản đồ vào ủng và ném xuống vực để không bị rơi vào tay địch. 5 người con còn lại của ông bà đều có trình độ đại học và trên đại học.
Người giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn
Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đánh giá: Trong số các Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn thì đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là người để lại dấu ấn đậm nét nhất khi lập nên kỳ tích tổ chức thế trận giao thông liên hoàn. Ông cũng là người “giăng lưới lửa trên đỉnh Trường Sơn” và có thời gian giữ chức vụ Tư lệnh dài nhất (từ đầu năm 1967 đến khi kết thúc chiến tranh). “Ông Nguyên là người đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành ở Trường Sơn và cùng hàng trăm nghìn chiến sĩ Trường Sơn tạo trận đồ bát quái, cơ động, thần tốc đưa các quân đoàn chủ lực từ Bắc vào giải phóng miền Nam”, Thiếu tướng Võ Sở nói.
Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Phó tư lệnh chính trị Binh đoàn 12 đánh giá, với vai trò Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã giải quyết được những ách tắc cơ bản đặt ra với tuyến đường Trường Sơn trước đó. Đó là đã làm tăng đáng kể khối lượng vận tải, chi viện đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam và dần thoát khỏi thế độc đạo, độc hành của bộ đội vận tải.
Làm cầu Chương Dương từ vật liệu... thừa
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một trong số ít lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam từng nắm giữ cương vị quyết định ở nhiều bộ, ngành khác nhau, từ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rồi Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau khi nghỉ hưu, ông vẫn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tin cẩn giao làm đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ phụ trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cũng như giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ban chỉ đạo Nhà nước về dự án Đường Hồ Chí Minh.
Một trong những dấu ấn đậm nét của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đồng Sỹ Nguyên là việc tận dụng vật liệu thừa để làm cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài.
Trước đó, vào những năm 80 của thế kỷ 20, cả Hà Nội chỉ có cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Do làn đường ô tô quá nhỏ nên cảnh ách tắc luôn xảy ra và cầu được mệnh danh là “cây cầu dài nhất thế giới” do xe phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới qua được. Trong khi đó, cầu Thăng Long còn đang dở dang và dù có xong thì nó cũng không chia sẻ được nhiều do vị trí quá xa trung tâm. Chính vì vậy, dựng ngay một cây cầu để vào trung tâm Hà Nội là ưu tiên số một.
Thời điểm đó, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã thuyết phục Chính phủ cho tận dụng vật liệu “thừa” là một số thanh thép phục vụ thi công cầu Thăng Long và rất nhiều dầm cầu đường sắt. Để phù hợp khổ cầu đường bộ như cầu Chương Dương, các dầm sắt này đã được “chế sửa” lại theo cách riêng mà thế giới chưa từng làm.
Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (tên khai sinh Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do tuổi cao, sức yếu, đồng chí đã từ trần hồi 11 giờ 42 phút ngày 4-4-2019, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Lễ viếng đồng chí được tổ chức từ 7 giờ 30 phút đến 12 giờ 30 phút ngày 10-4-2019. Lễ truy điệu từ 12 giờ 30 phút, lễ di quan từ 13 giờ 15 phút cùng ngày; an táng hồi 17 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng, huyện Ba Vì, TP Hà Nội.
ĐỖ PHÚ THỌ