Năm 2014, “Jegertroppen” ra đời xuất phát từ nhu cầu nâng cao hiệu quả thực hiện các chiến dịch quốc tế của Na Uy. Theo Bộ Quốc phòng Na Uy, chiến dịch Áp-ga-ni-xtan (Afghanistan) đã chứng tỏ lợi thế của nữ quân nhân khi họ có thể tương tác với trẻ em và phụ nữ để thu thập thông tin tại những nước Hồi giáo-nơi nam giới rất khó tiếp cận với phụ nữ bản địa.
Lần đầu tiên ra thông báo tuyển dụng, có tới 317 ứng viên tham dự thi tuyển vào “Jegertroppen”. Các ứng viên có tuổi đời từ 19-27, hầu hết là quân nhân của các lực lượng vũ trang khác hoặc là vận động viên ưu tú đến từ những trường trung học thể thao có tiếng tại Na Uy. Sau vòng sơ khảo, chỉ có 88 người trụ lại. Đến cuối khóa huấn luyện dài một năm, chỉ còn 13 ứng viên trở thành thành viên chính thức của “Jegertroppen”.
Mỗi thành viên “Jegertroppen” đều là một xạ thủ.
Một thành viên“Jegertroppen”.
Những năm tiếp theo, trung bình mỗi năm có khoảng 300 đơn tham dự thi tuyển vào “Jegertroppen”. Tuy nhiên, số ứng viên trụ lại được sau khóa huấn luyện chỉ trên dưới 10 người. Quá trình huấn luyện của nữ đặc nhiệm nghiệt ngã không khác gì so với nam giới. Các thành viên “Jegertroppen” thường xuyên phải hành quân hàng chục cây số với lượng quân trang gần bằng số cân nặng của mình trong điều kiện tuyết rơi dày đặc, có khi ngập tới đầu gối. Ngoài ra, còn có các bài tập đột kích trong môi trường chiến tranh đô thị, lặn trong vùng biển băng giá và nhảy dù từ trực thăng. Nửa cuối khóa huấn luyện, các thành viên “Jegertroppen” tham gia rèn luyện khả năng trinh sát, chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, lái xe đặc chủng cũng như thoát khỏi một cuộc phục kích trong môi trường thành thị… Họ hành động theo nhóm 2 người, 1 người ẩn nấp đằng sau những chiếc xe tăng cháy rụi rồi bắn yểm trợ bằng súng tiểu liên và ném bom khói để nhóm có thể trốn thoát an toàn.
Đối với tất cả các thành viên “Jegertroppen”, chương trình “Tuần lễ địa ngục” của khóa huấn luyện luôn là thử thách cam go nhất, đúng như tên gọi. Chương trình được thiết kế nhằm kiểm tra xem các ứng viên có thể xử lý áp lực khi kiệt quệ hay không. Trong chương trình này, các thành viên “Jegertroppen” trải qua một loạt bài kiểm tra về sức mạnh thể chất lẫn tâm lý, với những cuộc hành quân kéo dài nhiều ngày gần như không có thời gian nghỉ ngơi, lương thực và nước uống thì vô cùng hạn chế. Thậm chí, các thành viên “Jegertroppen” còn phải tự săn thú để lấy thịt ăn.
Các thành viên “Jegertroppen” trao đổi phương án tác chiến.
Chiến dịch Áp-ga-ni-xtan đã chứng tỏ lợi thế của nữ quân nhân khi họ có thể tương tác với trẻ em và phụ nữ để thu thập thông tin.
Dù mang danh “chân yếu tay mềm” nhưng tỷ lệ trúng tuyển của khóa huấn luyện “Jegertroppen” cao tương đương các đơn vị đặc nhiệm nam. Sau khóa huấn luyện một năm, những ứng viên tốt nghiệp tiếp tục với các nhiệm vụ trinh sát đặc biệt, các chiến dịch nhảy dù, về vũ khí, kỹ năng sống sót và hành quân.
Hiện tại, “Jegertroppen” chưa được triển khai thực chiến. Tuy nhiên, do luôn duy trì cường độ huấn luyện cao, mọi thành viên của đội đều sẵn sàng ra trận bất cứ lúc nào. Theo đánh giá của Đại tá Phrô-đê Krít-tốp-phơ-sen (Frode Kristoffersen), chỉ huy Các đơn vị đặc biệt Na Uy, dù ban đầu chỉ được xem là chương trình thử nghiệm nhưng đến nay, “Jegertroppen” đã trở thành một thành công lớn. Những thành viên “Jegertroppen” đã trở thành các nữ binh sĩ tinh nhuệ có thể hoạt động cả ở trong nước lẫn nước ngoài và “Jegertroppen” hiện trở thành tài sản quý giá của quân đội nước này.
Rèn luyện hành quân trên tuyết. Ảnh: Forsvaret
Trong khối NATO, Na Uy là một trong những nước đầu tiên cho phép phụ nữ hoạt động trong tất cả các vị trí chiến đấu. Tuy nhiên, ở những giai đoạn trước, dù phụ nữ được phép đăng ký gia nhập lực lượng đặc nhiệm nhưng lại không có ai tham gia. Trong khi đó, quân đội Mỹ và Anh chỉ mới bắt đầu gỡ bỏ quy định không cho phụ nữ đăng ký vào các đơn vị chiến đấu thời gian gần đây. Tuy vậy, các binh sĩ đặc nhiệm tại Mỹ lại tỏ ra đặc biệt chống đối với những thay đổi này. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 85% binh sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Hoạt động Đặc biệt Mỹ phản đối việc phụ nữ đảm nhận các công việc chuyên môn của họ. Nguyên nhân, các nam binh sĩ cho rằng, nếu có phụ nữ gia nhập, độ khắt khe của những tiêu chuẩn sẽ giảm đi và làm ảnh hưởng đến sự gắn kết trong đội. Hơn nữa, các binh sĩ nam còn lo ngại phải đối mặt với sự phàn nàn, nghi kỵ của vợ hay những phiền phức của việc chia khu nhà ở. Tuy nhiên, ở Na Uy, phần lớn các binh sĩ nam và nữ đều ở chung phòng tập thể và không có vấn đề gì đáng kể xảy ra.
Na Uy là quốc gia tiên phong trong việc tuyển dụng nữ binh sĩ vào lực lượng đặc nhiệm. Nhưng trên thực tế, chỉ có 11% số thành viên quân đội là phụ nữ. Mặt khác, các nữ binh sĩ cũng ít nhiều gặp phải sự phân biệt đối xử. Không ít nam binh sĩ cho rằng, phụ nữ yếu hơn và ít năng lực hơn.
NGUYỄN HOÀNG HUY (Theo Foreign Affairs)