Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói, vô luận việc gì đều do người làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều như vậy cả. Mọi công việc của Đảng đều do cán bộ, đảng viên nghĩ ra và làm ra. Vậy nên đổi mới cán bộ chính là cái gốc của chỉnh đốn Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên là do mỗi chúng ta lớn lên. Tiếp thụ và đào thải, nhận vào và đưa ra là lẽ bình thường, là quy luật phát triển và tiến bộ của Đảng. Sự phát triển và tiến bộ đó không ai ngăn cản được.

Đảng lãnh đạo xã hội bằng đường lối, chủ trương, chính sách và thông qua hoạt động hằng ngày của mỗi đảng viên. Nhân dân không bao giờ tiếp xúc với Đảng như đối với tôn giáo, với một “đấng tối cao” mà là tiếp xúc với những con người cụ thể, những cán bộ, đảng viên đang sống, làm việc với tất cả mọi người. Thông qua họ, người ta đo lường chính xác độ trong sạch, sự bền vững và sức mạnh của Đảng.

Chỉnh đốn Đảng là phải thanh toán tình trạng như hiện nay: Còn một số tổ chức cơ sở đảng yếu kém và một số đảng viên có biểu hiện sa sút ý chí chiến đấu, mất vai trò tiên phong gương mẫu, thấy đúng không bảo vệ, sai không đấu tranh, thu vén cá nhân, ngại tham gia công tác Đảng... Nói chung, biểu hiện mọi mặt không hơn quần chúng ngoài Đảng, cá biệt còn không bằng quần chúng.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp Bộ Chính trị. Ảnh: TTXVN.

Do vậy, mấu chốt của việc chỉnh đốn lại Đảng chính là chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ, đảng viên. Làm trong sạch Đảng, trong sạch bộ máy Nhà nước, các cơ quan kinh tế... là nhiệm vụ trung tâm, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài của công tác xây dựng Đảng.

Một câu hỏi lớn và là nỗi suy tư, day dứt của chúng ta: Ai sẽ là người giữ vai trò quyết định trong việc biến các nghị quyết về làm trong sạch Đảng thành hiện thực?

Trong nhiều tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho ta lời giải đáp chính xác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Người đã chỉ rõ, không phải mọi cán bộ đều có trách nhiệm như nhau, mà trước tiên phải là cán bộ chủ chốt, từ trên xuống. Đó là những người có trách nhiệm: Tiếp thu đúng và đem chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với đảng viên và quần chúng; lãnh đạo và tổ chức thắng lợi việc thi hành chủ trương và nghị quyết của Đảng; kiểm soát việc thực hiện của cấp dưới; phản ánh với cấp trên về tình hình chấp hành nghị quyết và đề xuất việc bổ sung, hoàn chỉnh các quyết định của Đảng.

Vì vậy, cán bộ cấp trên, trước hết là cán bộ cao cấp giữ vai trò quyết định, vì “công việc thành hay là bại một phần lớn là do nơi tư tưởng đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của các đồng chí”(1) đó.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI và XII, Đảng ta đã thay đổi một số lớn cán bộ. Tỷ lệ cán bộ được đào tạo có trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học, sau đại học tăng lên rõ rệt, tuổi đời bình quân giảm...

Nhưng trên thực tế, việc đổi mới cán bộ như mấy năm qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu chỉnh đốn Đảng. Khuyết điểm có tính bao trùm như báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa V đã tự phê bình trước Đại hội VI: “Cần nhấn mạnh rằng, việc chậm bố trí đúng sự chuyển tiếp hạt nhân lãnh đạo là một nguyên nhân trực tiếp làm cho sự lãnh đạo của Đảng trong những năm gần đây không đáp ứng những đòi hỏi của tình hình mới” vẫn chưa khắc phục được về cơ bản.

Phải tiếp tục đổi mới cán bộ. Gần đây, những góp ý của nhân dân đối với Đảng cho ta thấy sự gặp gỡ giữa trí tuệ thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự sáng suốt của nhân dân. Những lời dạy của lãnh tụ và sự góp ý của nhân dân sẽ cho Đảng ta cái “cẩm nang thần kỳ” để chỉnh đốn đội ngũ cán bộ-chỉnh đốn Đảng.

Một là, phải nắm vững và kiên trì việc đổi mới cán bộ bắt đầu từ một quan điểm xuất phát: Trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng người có ích cho công việc chung.

Không từ luận đề xuất phát này thì toàn bộ hoạt động đổi mới cán bộ sẽ chệch hướng, tất yếu sẽ mắc sai lầm, khuyết điểm “đổi” nhưng không mạnh, có khi còn bê bối, phức tạp hơn. Nhưng nếu từ luận đề xuất phát trên thì tất sẽ có sức mạnh, được lòng dân, sự nghiệp đổi mới sẽ thắng lợi.

Hai là, phải kiên trì thực hành phương pháp thường xuyên xem xét cán bộ. Đây là phương pháp thể hiện quan điểm biện chứng duy vật để đánh giá cán bộ đúng với sự vận động và phát triển của từng người trong mối tương quan với sự biến đổi của tình hình kinh tế-xã hội. Với phương pháp này sẽ cho phép một mặt tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác, “những kẻ hủ hóa cũng sẽ lòi ra”.

Ba là, hiểu biết cán bộ để cất nhắc đúng. Hiểu người là việc rất khó. Nếu không hiểu đúng thì làm sao cất nhắc đúng. Muốn hiểu người đúng, trước hết phải tự hiểu mình. Nếu cấp trên “đã không tự biết mình thì khó mà biết người”. Vì vậy, muốn biết đúng sự phải trái của người ta thì trước hết phải hiểu đúng sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái của mình thì chắc không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu. Nếu tự cao tự đại, ưa người nịnh hót mình, tâng bốc mình, lấy lòng yêu ghét riêng và cái khuôn khổ chật hẹp, thiển cận của mình làm tiêu chuẩn xem xét người thì “cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”(2).

Hiểu biết, sử dụng cán bộ vì lợi ích của nhân dân sẽ đạt tới nghệ thuật “dùng người như dùng gỗ”; phát huy mọi sức lực tiềm tàng của từng người một cách công bằng và dân chủ.

Có hiểu đúng mới cất nhắc đúng. Cất nhắc đúng là thế nào? Là “có ích cho công việc chung”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì sự cất nhắc đúng cũng chỉ có hai tiêu chuẩn: Một là, “gần gụi quần chúng” và “được quần chúng tin cậy và mến phục”; hai là, xem khả năng người ấy “xứng với việc gì”. Nguy hại lớn nhất của công tác cán bộ là tình trạng: 1) “Người có tài mà không dùng đúng”. 2) “Đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo”(3).

Bốn là, kiểm soát thường xuyên, khéo sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình, khen thưởng và trừng phạt nghiêm minh đối với tất cả cán bộ các cấp. Xoay xung quanh cái trục là dân chủ, nhân đạo và xuất phát từ lợi ích của dân để tiến hành tự phê bình và phê bình thường xuyên, từ trên xuống và từ dưới lên, làm cho cán bộ làm việc đúng hơn, tốt hơn, có kết quả hơn. Hiệu quả hoạt động thực tiễn là thước đo chính xác nhất đối với người cán bộ.

Để đổi mới cán bộ một cách có hiệu quả, theo chúng tôi nên công bố rộng rãi hai bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh (“Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, năm 1945 và “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”, năm 1947); quy định tất cả mọi cán bộ từ những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước trở xuống đều phải liên hệ kiểm điểm theo nội dung hai bức thư đó. Cấp trên kiểm điểm trước, sau đó chỉ đạo, kiểm soát việc kiểm điểm ở cấp dưới. Phát động toàn dân tham gia ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên theo tinh thần nội dung hai bức thư của Bác. Tổ chức thu nhận đầy đủ ý kiến của nhân dân giúp cho việc kiểm điểm của Đảng có kết quả. Xử lý một cách công minh, công khai, dứt điểm những người có chức quyền mắc bệnh tham nhũng, sa đọa, trù dập, ức hiếp quần chúng. Xử lý người có lỗi ở cơ quan cấp trên trước, cấp dưới sau để nêu gương.

Đề nghị từ nay nên quy định thành nguyên tắc khi tiến hành đại hội đảng từ cơ sở trở lên phải để nhân dân tham gia ý kiến vào việc lựa chọn nhân sự của Đảng (bao gồm cả việc cử đại biểu đi dự đại hội đảng cấp trên và giới thiệu người ứng cử vào cấp ủy).

Cán bộ là cái gốc của mọi việc. Ngày nay, Đảng lãnh đạo xã hội thì công việc của Đảng chính là công việc của dân. Việc nhân dân tham gia ý kiến vào công tác nhân sự của Đảng cũng nên coi là việc bình thường, nên và cần làm. Có cơ chế đúng và cách làm khéo thì việc nhân dân tham gia ý kiến vào nhân sự của Đảng sẽ củng cố ý thức trách nhiệm và sự gắn bó máu thịt giữa dân với Đảng, sẽ là cách tốt nhất để nhân dân tiến cử người hiền tài cho đất nước.

Cùng với việc xây dựng cương lĩnh và chiến lược kinh tế, phải sắp xếp lại các cơ quan của Đảng và của Nhà nước; xác định tiêu chuẩn chức danh từng loại cán bộ, công bố rộng rãi tiêu chuẩn ấy để lựa chọn cán bộ, đặt người đúng chỗ, đúng việc.

Bất cứ cán bộ nào cũng phải được huấn luyện và thử thách trong thực tế rồi mới giao nhiệm vụ. Kiên quyết thực hiện chỉ dẫn của Bác: Cách mạng cũng là một nghề. Làm nghề gì cũng phải học.

Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị hiện nay, đồng thời dự báo sự phát triển của tình hình để tập trung vào “công việc gốc của Đảng” là huấn luyện cán bộ, “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu”. Có làm được như vậy thì Đảng mới có tiềm năng dự trữ cán bộ, mới thường xuyên thực hiện việc luân chuyển cán bộ một cách chủ động, có kế hoạch, tránh được tình trạng hẫng hụt chắp vá.

Thực hiện chế độ kiểm soát thường xuyên và có nền nếp, nhưng kiểm soát không phải chỉ đối với cấp dưới, tách rời người cán bộ với tất cả các cơ quan hệ trên-dưới-ngang-dọc của họ, mà kiểm soát phải có hệ thống, cả từ dưới lên. Điều kiện quan trọng nhất để kiểm soát là “người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”(4).

Vì vậy, sự trong sạch từ bên trên sẽ là tiền đề của sự kiểm soát. Thiếu tiền đề này, việc kiểm soát chỉ gây thêm tác hại.

Hai cách làm, kiểm soát từ trên xuống và dưới lên sẽ giúp Đảng thấy rõ thực chất ưu điểm, khuyết điểm của cán bộ. Vì vậy, có hai việc phải làm ngay để kiểm soát có kết quả: 1) Mở rộng dân chủ, có cơ chế bảo đảm để cấp dưới và quần chúng “kiểm soát đúng-sai của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa sai của mình”; 2) Củng cố ủy ban kiểm tra các cấp của Đảng, tăng cường cán bộ có uy tín. Bằng việc kiểm soát thường xuyên, thực hiện miễn nhiệm và bãi miễn ngay những người không xứng đáng với chức vụ đang giữ, không phải chờ hết nhiệm kỳ.

Đổi mới cán bộ, chỉnh đốn lại nội bộ Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh: Trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng người có ích cho công việc chung sẽ là “cái gốc” để “xây lầu thắng lợi” trong đổi mới vì sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” của Đảng và nhân dân ta.

PGS, TS TRẦN ĐÌNH HUỲNH

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H.1995, tập 6, tr.482

(2), (3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, H.1995, tập 5, tr.277, 274, 287