Nguyễn Đức Nguyện - nguyện vì nước

Chúng tôi về khu phố Tỉnh Cầu thuộc làng Đình Bảng (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hiện nay), nơi có di tích lịch sử Đền Đô thờ Lý bát đế nổi tiếng vào đúng ngày giỗ lần thứ 22 của đồng chí Lê Quang Đạo (tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện). Trong ngôi nhà ngói 3 gian cổ xưa, nhiều đoàn khách đến dâng hương tưởng nhớ ông. Không gian tĩnh lặng, hương trầm thoang thoảng, khói trầm mỏng manh vấn vít, chúng tôi cúi đầu thành kính, tưởng nhớ anh linh vị tướng quân đội, nhà lãnh đạo tài đức của dân tộc, người luôn đau đáu nghĩ cách thực hiện lời Bác Hồ dạy cán bộ, chiến sĩ quân đội.

leftcenterrightdel

Đồng chí Lê Quang Đạo (Nguyễn Đức Nguyện). Ảnh tư liệu 

Bên bàn trà cạnh gian thờ, Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn bồi hồi nhớ và kể về Nguyễn Đức Nguyện, người em trong nội tộc: “Chú Nguyện chính thức tham gia hoạt động cách mạng khi 17 tuổi (năm 1938). Chú ấy thông minh, lại sớm giác ngộ khi học tập tại Trường Trung học tư thục Thăng Long (Hà Nội) nên rất nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng, chống áp bức bất công”.

Từ năm 1936 đến đầu năm 1938, Nguyễn Đức Nguyện tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên dân chủ Hà Nội, dự mít tinh chống thuế; dự lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày do đồng chí Nguyễn Văn Cừ phụ trách, viết bài cho Báo Con ong. Ông Thìn kể, đến nay, nhiều cụ cao niên ở phường Đình Bảng vẫn thuộc bài “Hò đi học” do Nguyễn Đức Nguyện sáng tác. Nhân dịp lễ của làng, Nguyễn Đức Nguyện đã tập hợp thanh niên kết hoa vào chiếc xe bò. Người ngồi trên đó đánh đàn băng-giô và trống đi khắp làng vận động các gia đình cho con đi học, biết cái chữ, để có cơ hội biết nền văn hóa Á, Âu. Tháng 8-1940, Nguyễn Đức Nguyện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm ấy, Xứ ủy Bắc Kỳ tách lập chi bộ ghép Đình Bảng, Phù Lưu, Cẩm Giàng và Nguyễn Đức Nguyện được cử làm Bí thư chi bộ. Trong thời gian này, anh được làm việc với các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ; tổ chức các cuộc mít tinh hưởng ứng Khởi nghĩa Bắc Sơn, kêu gọi mọi người ủng hộ cách mạng.

“Đốc lý đỏ” qua mặt mật thám

Từ giữa năm 1941, Nguyễn Đức Nguyện lấy bí danh là Lê Quang Đạo để thoát ly đi hoạt động cách mạng và trải qua nhiều chức vụ: Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Phúc Yên, Bí thư Ban cán sự Đảng bộ TP Hà Nội, phụ trách Báo Quyết thắng và mở các lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh ở Chiến khu Hoàng Hoa Thám (Bắc Giang), Chính trị viên Chi đội Giải phóng quân Bắc Giang, tham gia lãnh đạo tổng khởi nghĩa ở Bắc Giang...

Trước đó, từ năm 1939, phong trào cách mạng ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận liên tiếp bị khủng bố, nhiều đồng chí bị địch bắt, tù đày, tra tấn và hy sinh. Nhiều cán bộ của Đảng lánh về quê để củng cố tổ chức và chờ thời cơ thì Lê Quang Đạo vẫn hoạt động rất sôi nổi ở Hà Nội. Thời điểm ấy, mật thám Pháp theo dõi và gọi Lê Quang Đạo là “đốc lý đỏ”, tìm mọi cách truy bắt. Năm 1944, nhờ may mắn, quyết đoán, Lê Quang Đạo đã thoát khỏi sự vây bắt của mật thám Pháp. Chuyện là, khi vào nội thành hoạt động, Lê Quang Đạo không biết các đồng chí: Vũ Quốc Uy, Như Phong và Tô Hoài đã bị bắt. Trong căn nhà ở phố Phó Đức Chính, bọn mật thám đóng giả người dân ngồi uống nước, đánh cờ, đọc báo để chờ tóm “đốc lý đỏ”. Sau khi vào nhà và cảm nhận có gì đó bất ổn, Lê Quang Đạo đã đi ra nhà bếp và sân sau. Tại đây, khi thấy đôi mắt đỏ hoe của một phụ nữ ở trọ, Lê Quang Đạo quyết định tẩu thoát. Anh trèo lên mái bếp, lên sân thượng, theo tường tụt xuống và hòa vào dòng người đi bộ trên phố Ngũ Xã. Vài phút sau, bọn mật thám Pháp định vào "chụp" thì ngớ ra đã bị mất "con cá to”. 

Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội

Chiều cuối tuần, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Quang Thắng, con trai cả của đồng chí Lê Quang Đạo ở phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội). Anh Thắng kể, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cha anh đã tham gia thành lập Thành ủy Hải Phòng và làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cha anh lại được phân công làm Phó bí thư Khu ủy đặc biệt Hà Nội rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội vào tháng 11-1947. “Tháng 10-1950, khi đang là Phó ban Tuyên truyền Trung ương Đảng, bố tôi được Đảng điều động vào công tác trong quân đội và đảm nhiệm chức Cục trưởng Cục Tuyên huấn, năm 1955 là Phó chủ nhiệm TCCT. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976, bố tôi tiếp tục được bầu vào Trung ương, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư. Năm 1978, Đảng lại điều bố tôi rời quân ngũ, sang làm Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội”, anh Thắng lục lại ký ức về người cha thân yêu trong xúc động.

28 năm công tác trong quân đội, đồng chí Lê Quang Đạo đã tham gia rất nhiều chiến dịch quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy chiến dịch, Chính ủy Đại đoàn 308, tham gia suốt chiến dịch. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí giữ các chức vụ: Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Mặt trận Đường 9-Khe Sanh; Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh 500 đóng ở Khu 4. Trong Chiến dịch Mặt trận Đường 9-Nam Lào (năm 1971) và Chiến dịch Đường 9-Quảng Trị (năm 1972), đồng chí Lê Quang Đạo là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy. (1)

Là một vị tướng, nhà lãnh đạo chính trị nên đồng chí Lê Quang Đạo rất quan tâm đến báo chí và trực tiếp viết nhiều bài báo quan trọng. Nhiều nội dung bài viết đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong bài “Việt Minh muốn tiến lên phải bỏ tính ỷ lại” đăng trên Báo Cứu quốc ngày 17-4-1944, Lê Quang Đạo kịch liệt phê phán kiểu làm việc ỷ vào cán bộ: "Cán bộ đến thì phong trào khởi phát, cán bộ đi là phong trào mất tiêu". Hay như trong tác phẩm “Học tập cách xem xét vấn đề đúng đắn” phục vụ chỉnh huấn quân đội năm 1957, đồng chí Lê Quang Đạo chỉ rõ phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân thì mới có thể xem xét, giải quyết các vấn đề thấu đáo, hợp lý và để đấu tranh triệt để với chủ nghĩa cá nhân.

Tháng 9-1962, đồng chí Lê Quang Đạo có bài “Về công tác tư tưởng và công tác tổ chức” đăng trên Tạp chí Quân đội nhân dân đề cập đến các vấn đề nổi cộm lúc bấy giờ là coi nặng công tác tư tưởng mà bỏ quên công tác tổ chức. Đồng chí đã chỉ ra những khuyết điểm hoặc quá tả hoặc quá hữu với những ví dụ hết sức cụ thể, sâu sắc trong quân đội. Trung tướng Nguyễn Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm TCCT từng viết trong bài “Người anh cả của ngành tuyên huấn quân đội”: “Lê Quang Đạo là một nhà hoạt động tư tưởng và văn hóa xuất sắc. Anh có tâm và có tài... Anh có tính nguyên tắc rất cao, rất chặt chẽ về quan điểm, đường lối, rất kỹ lưỡng về chữ nghĩa và cực kỳ khó tính khi thông qua các văn kiện, nhưng tấm lòng anh rộng mở, trái tim anh thật nhân hậu”. Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Bản thân Lê Quang Đạo là một con người tiêu biểu cho phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Anh là nhà lãnh đạo, chỉ huy ưu tú của quân đội, một vị tướng có đủ những đức tính trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung như Bác Hồ từng dạy”.

Tháng 6-1987, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí Lê Quang Đạo được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đây là thời kỳ nước ta mới bước vào công cuộc đổi mới và gặp rất nhiều khó khăn. Với trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm cao, đồng chí Lê Quang Đạo đã chú trọng đổi mới phong cách làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đồng chí đã điều hành Quốc hội thảo luận, chất vấn mang tính dân chủ cao, phát huy trí tuệ đại biểu, tạo được không khí cởi mở, đoàn kết. Tổng Bí thư Đỗ Mười (khóa VII và VIII) đánh giá: “Có thể nói, từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (1987), trình độ của đại biểu Quốc hội đã được nâng lên tầm cao mới; chất lượng của các kỳ họp Quốc hội đã có nhiều tiến bộ. Quốc hội đã đáp ứng được những đòi hỏi mới, rất xứng đáng với lòng mong đợi và sự tin cậy của nhân dân”.

Một câu chuyện do ông Nguyễn Đức Thìn kể làm chúng tôi nhớ mãi. Năm 1967, bà Nụ, chị họ của đồng chí Lê Quang Đạo có một người con trai xung phong đi bộ đội vào Nam chiến đấu. Bà lo lắng, đến gặp đồng chí Lê Quang Đạo: “Chú cho cháu nó ở ngoài Bắc, không phải vào Nam chiến đấu!”. Lúc đó, ông đang là Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm TCCT, ông đã từ tốn thưa với người chị của mình rằng: “Vài hôm nữa em cũng đi chiến trường. Chị cứ để cho cháu thực hiện ý chí làm trai, hòa mình vào cuộc trường chinh của dân tộc”. Năm 1968, người chiến sĩ ấy hy sinh ở Khe Sanh. Khi về quê, biết tin này, đồng chí Lê Quang Đạo ôm người chị của mình thật chặt, nước mắt nhòe cặp kính, không nói thành lời. Kể hết câu chuyện, ông Thìn nghẹn ngào: "Chú em tôi là thế đấy, luôn trọng việc nước trước việc nhà".

Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó 28 năm hoạt động trong quân đội, đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Đồng chí được tặng nhiều phần thưởng như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

 

MẠNH THẮNG

(1) Lê Quang Đạo, Tuyển tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật; trang 11, 12.