Nhưng theo nguồn gốc của khăn turban qua các thời kỳ lịch sử, thì loại khăn này cũng từng được sử dụng bởi những người theo đạo Hồi, Ấn Độ giáo, Do Thái, và đạo Cơ Đốc.

Nguồn gốc chính xác của khăn turban cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Một kiểu trang phục giống khăn turban đã xuất hiện trong nghệ thuật điêu khắc hoàng gia vùng Lưỡng Hà vào khoảng năm 2350 trước Công nguyên được coi là vết tích đầu tiên, chứng minh kiểu trang phục này xuất hiện trước so với các tôn giáo Abraham.

leftcenterrightdel
Chiến binh đạo Sikh, nhà lãnh đạo chính trị Akali Nutha Singh (1761-1823) đội khăn turban kiểu “dastar bunga” (tạm dịch: Pháo đài cao chót vót)

Khăn turban từng được sử dụng tại Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu và châu Phi để che nắng, che mưa và chống lạnh. Ở một số vùng, chỉ các tín đồ mới được đội khăn này. Ngược lại, nhiều nền văn hóa khác lại yêu cầu những người không tín ngưỡng đội khăn có màu sắc khác nhau để phân biệt. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ 8 ở Ai Cập và Syria, người theo đạo Cơ Đốc đội khăn turban màu xanh da trời, người Do Thái đội khăn màu vàng, người Samari dùng khăn màu đỏ và người theo đạo Hồi thường đội khăn màu trắng.

Ở Ấn Độ, trước khi thành lập triều đại Mughal vào thế kỷ thứ 16, chỉ đoàn tùy tùng hoàng gia và các quan chức cao cấp mới được phép đội khăn turban. Trang phục này là biểu tượng của địa vị, thường được trang trí bằng họa tiết chim công cầu kỳ. Ấn Độ giáo với các quy định chặt chẽ về hệ thống địa vị, đẳng cấp, cấm những công dân thuộc tầng lớp thấp đội khăn turban.

Với đạo Hồi thì lại có một số thay đổi. Đối với người Ba Tư và Ả Rập, chiếc khăn turban của đế chế Mughal được cách điệu thành hình nón và rộng, không giống kiểu khăn nhỏ hơn thường được người Ấn Độ đội trước đây. Trong triều đại của Aurangzeb, một trong những hoàng đế gây tranh cãi nhất của đế chế Mughal (lên ngôi trị vì vào năm 1658) thì khăn turban được sử dụng để phân biệt người dân.

Aurangzeb nỗ lực ngăn chặn những người không theo đạo Hồi dùng khăn turban, ra sắc lệnh chỉ tầng lớp thống trị đạo Hồi mới có quyền đội khăn turban. Nhưng điều này, cùng với những thay đổi bắt buộc và những chính sách chính thống khác dường như lại không phù hợp với lượng người theo đạo Sikh ngày một gia tăng. Khi vị lãnh tụ đạo Sikh Tegh Bahadur bị Aurangzeb hành hình ở Delhi, con trai ông là Gobind đã thành lập một đội quân, lấy tên là Khalsa và nhấn mạnh là tất cả những người theo đạo Sikh sẽ đội khăn turban để che mái tóc dài của họ. Vì vậy, việc đội khăn turban trở thành một hành động thách thức hoàng đế. Nó là biểu tượng tự do của đạo Sikh, biểu tượng của sự bình đẳng, đồng thời là cách chấm dứt sự phân biệt địa vị đẳng cấp.

Thay đổi dưới chế độ thực dân Anh

Sự xuất hiện của người Anh ở Punjab vào năm 1845 là nguyên nhân của những thay đổi cơ bản về đặc điểm của đạo Sikh.

Khi đánh bại được đội quân Khalsa, thực dân Anh rất ấn tượng với những binh pháp của đội quân này và bắt đầu chiêu mộ người theo đạo Sikh để chiến đấu cho đế chế của mình. Nhận thức được rằng những vấn đề về đẳng cấp có thể ảnh hưởng đến tính đoàn kết của quân đội Anh ở Ấn Độ, bao gồm cả những người lính theo đạo Hồi và Ấn Độ giáo, thực dân Anh đã ra lệnh cho tất cả binh sĩ phải đội khăn turban. Điều này mang lại sự bình đẳng cho tất cả mọi người, bất kể tôn giáo nào.

Tuy nhiên, sự đa dạng về kiểu cách, hình dạng và kích thước của khăn turban không phù hợp với kẻ thống trị thực dân. Họ nghĩ trang phục này có vẻ cồng kềnh, thô kệch. Họ quyết định thay những tầng cuộn tròn tự nhiên bằng những đường gấp đối xứng gọn gàng. Đây cũng là nguồn gốc của chiếc khăn turban mang phong cách Kenya được biết đến rộng rãi ngày nay.

Thực dân Anh cũng sử dụng một phù hiệu gắn lên mặt trước của khăn nhằm nhận biết những trung đoàn khác nhau vốn được sắp xếp theo chủng tộc hoặc tầng lớp. Để nhận biết lính theo đạo Sikh, họ sử dụng một phù hiệu có hình dạng một loại vũ khí gọi là “chakkar” được gắn vào phía trước khăn.

Một ảnh hưởng nữa của đế chế Anh đối với người theo đạo Sikh đó là việc buộc râu quai nón. Theo truyền thống thì người theo đạo Sikh sẽ để râu mọc tự nhiên. Tuy nhiên, điều này làm nảy sinh vấn đề khi sử dụng vũ khí của Anh mang đến, vì râu dài thường dễ bắt lửa khi sử dụng súng trường. Thực dân Anh đã đưa ra giải pháp là buộc râu lại, trở thành đặc điểm đặc trưng của những người lính theo đạo Sikh. Mặc dù mục đích ban đầu là nhằm phục vụ công việc, nhưng đàn ông theo đạo Sikh ngày nay vẫn cột râu lại với mục đích thẩm mỹ.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, quân lính theo đạo Sikh đội những chiếc khăn turban to một cách ấn tượng, dài xấp xỉ 8 mét. Tuy nhiên, chính sách quân đội trong Chiến tranh thế chiến lần thứ hai đã thay đổi, cho phép quân lính theo đạo Hồi và Ấn Độ giáo không cần đội khăn nữa.

leftcenterrightdel
Thực dân Anh ra lệnh cho tất cả binh sĩ phải đội khăn turban. Ảnh: Bảo tàng Quân đội Quốc gia, Anh

Đấu tranh thời hậu chiến

Sau khi Anh trao trả độc lập cho Ấn Độ, các nhóm tôn giáo của quốc gia này bắt đầu suy ngẫm lại về bản sắc của họ. Những người theo đạo Hồi chuyển đến vùng

Pakistan mới thành lập đã lấy hình trăng lưỡi liềm và màu xanh lá cây làm biểu tượng, bỏ khăn turban và màu vàng của giới hoàng gia Ấn Độ. Các tín đồ đạo Hồi cũng bỏ khăn turban vì sợ nhầm lẫn với các tín đồ đạo Sikh.

Hậu quả chiến tranh, chia cắt đất nước cũng khiến nhiều tín đồ đạo Sikh bỏ Ấn Độ đến sinh sống ở Anh trong những năm hậu chiến tranh. Ban đầu, họ được chào đón với sự tôn kính và biết ơn vì những đóng góp trong chiến tranh, thường là bằng những tấm vé xem phim miễn phí. Thế nhưng hào quang của họ dần bị lãng quên, chiếc khăn turban dần bị coi là vật cản trong quá trình hội nhập. Rời quê hương yêu thương với hy vọng về một cuộc sống tốt hơn, các tín đồ đạo Sikh nhận thấy mình có hai lựa chọn: Hòa đồng bằng cách cắt tóc, cạo râu và bỏ khăn turban, hoặc là dùng khăn màu tối hơn để tránh gây chú ý.

Nhiều tín đồ đã chọn lựa chọn cách đầu tiên. Tuy nhiên, một số đã chống đối lại. Sohan Singh Jolly, một nhân viên cảnh sát đã nghỉ hưu, biểu tình chống lại một quyết định cấm tài xế xe buýt ở Anh đội khăn turban khi làm việc. Sau khi thất bại với tất cả các hình thức biểu tình, Sohan đe dọa sẽ tự thiêu nếu quy định này không thay đổi.

Chiến dịch của ông cuối cùng cũng thành công. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với kế sách của Sohan. Họ e ngại điều đó sẽ gây nên sự bất hòa trong những cộng đồng người theo đạo Sikh và những cáo buộc về phân biệt chủng tộc. Cần có một biện pháp mang tính ngoại giao hơn nếu các tín đồ đạo Sikh muốn được đối xử bình đẳng hơn. Vì vậy, họ bắt đầu đấu tranh chống phân biệt thông qua tòa án. Vào thập niên 70 của thế kỷ trước, khi Anh tuyên bố đi xe máy không đội mũ bảo hiểm là trái pháp luật, nhiều tín đồ đạo Sikh đã phản đối, bởi nếu đội mũ bảo hiểm thì họ phải bỏ khăn turban. Họ đã tiến hành chiến dịch khiến điều luật trên phải thay đổi: Ngoại trừ người theo đạo Sikh.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, gia đình cậu bé 12 tuổi Gurinder Singh Mandla đã thành công trong vụ kiện Trường Birmingham vì đã phân biệt chủng tộc sau khi trường này từ chối nhận cậu bé vì cậu không bỏ khăn turban. Vụ kiện đã thay đổi cách người theo đạo Sikh bị đối xử ở Anh kể từ đó. Hiện nay, phục trang này được luật pháp Anh bảo vệ.

Ngày nay ở Anh, các tín đồ đạo Sikh không còn cảm thấy cần phải giấu giếm khăn turban để tuân theo luật pháp. Với màu sắc sặc sỡ và những phụ kiện khác, các tín đồ đạo Sikh trẻ tuổi dùng khăn turban nhằm phản ánh tính cách của họ, đó cũng là một biểu tượng của niềm tin.

LƯU PHÚC ĐĂNG KHÔI (theo CNN)