Thế nhưng những năm gần đây, đã có một số kẻ cơ hội, phản động đặt câu hỏi: Con đường mà Nguyễn Ái Quốc lựa chọn có thực sự là con đường đúng đắn hay không? Từ đó, họ "loạn bàn" về con đường khác tốt hơn, rồi đặt vấn đề: Hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trong thế kỷ 20 có thực sự cần thiết hay không? Chúng ta không phải trả lời những câu hỏi theo kiểu như vậy, vì thực tiễn đã bác bỏ mọi câu hỏi của họ nêu ra.
Gần đây, tác giả Mawuna Remarque Koutonin đăng trên trang "Silicon Africa" bài báo “Pháp buộc 14 nước châu Phi phải trả thuế thuộc địa" đã bộc lộ sự thực về "nền độc lập không cần kháng chiến". Thiết tưởng cũng nên đọc thử để các nhà “dân chủ" được biết: "1. Các quốc gia này (14 nước cựu thuộc địa của Pháp ở châu Phi) hằng năm phải trả một khoản nợ thuộc địa (trả tiền mà thực dân Pháp đã xây dựng cơ sở hạ tầng trong thời kỳ thống trị của họ) mà không có thời hạn kết thúc. 2. Phải nộp 85% dự trữ ngoại tệ của nước mình vào kho bạc của Chính phủ Pháp. Và đến nay, các nước này chỉ biết một cách chung nhất là có khoản hơn 500 tỷ USD họ không có quyền đụng đến mà chỉ được vay lại từ kho bạc của Pháp với số tiền không quá 20% thu nhập quốc dân của năm trước đó, nếu quá 20% thì Chính phủ Pháp sẽ phủ quyết. 3. Pháp được quyền đầu tư khai thác bất cứ nguồn tài nguyên nào của các nước này. Chỉ khi nào Pháp nói không cần thì các nước mới được quyền mời gọi các nhà đầu tư khác ngoài nước Pháp. 4. Trong các hợp đồng đầu tư mua sắm công, Pháp được độc quyền trong mua sắm hoặc ưu tiên đấu thầu công khai. 5. Pháp được độc quyền trong mua sắm, cung cấp các thiết bị quân sự và đào tạo cán bộ cho quân đội của các nước này. 6. Pháp được quyền triển khai quân đội và can thiệp quân sự khi lợi ích quốc gia của Pháp bị xâm phạm. 7. Phải sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ quốc gia chính thức và là ngôn ngữ giáo dục phổ thông. 8. Phải tham gia và sử dụng hệ thống tiền tệ thuộc Liên hiệp Pháp. 9. Phải có nghĩa vụ gửi báo cáo hằng năm về dự trữ và cân đối thu chi tài chính, thu nhập quốc dân để làm cơ sở cho Pháp quyết định việc cho vay không quá 20% thu nhập quốc dân và theo dõi nguồn dự trữ khi gửi vào kho bạc của Pháp. 10. Không được tham gia bất cứ liên minh quân sự nào nếu không được Pháp đồng ý. 11. Có nghĩa vụ liên minh với Pháp trong hoàn cảnh chiến tranh hay khủng hoảng toàn cầu".
Và chính từ cách "độc lập" đó đã làm cho các nước châu Phi là cựu thuộc địa của Pháp không có quyền quyết định về phát triển kinh tế và xây dựng quân đội. Hai vấn đề chủ yếu trong xây dựng và bảo vệ đất nước của một quốc gia độc lập, đã đẩy các nước này nằm trong nhóm nước chậm phát triển nhất trên thế giới và bất cứ nước nào muốn vươn lên độc lập gần như sẽ bị tác động để thay đổi người cầm quyền hoặc cả một chế độ. Chính vì vậy mà châu Phi đang trở thành nơi bất ổn chính trị nhất, nội chiến, chia rẽ, mâu thuẫn sắc tộc và chiến tranh triền miên chưa có hồi kết. Từ đó ta có thể khẳng định, nếu không "đem sức ta mà giải phóng cho ta" theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì Việt Nam không thể có nền độc lập thực sự; đồng thời nếu không có Việt Nam-Hồ Chí Minh "chặt đứt" một mắt xích thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa thực dân, truyền cảm hứng cho các nước thuộc địa đứng lên giành độc lập thì khó có thể hình dung ra một trật tự thế giới ngày nay ra sao.
"Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Khẳng định đó của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII là điều khiến tất cả chúng ta tự hào. Với tất cả sự khiêm tốn của người Việt Nam, ngày nay, chúng ta vẫn có quyền nói rằng, ngày 5-6-1911 là ngày khởi đầu cho một khát vọng lớn lao của toàn dân tộc. Khát vọng Hồ Chí Minh, khát vọng "độc lập, tự do, hạnh phúc" đang được hiện thực hóa một cách sinh động trên đất nước Việt Nam-đất nước đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính "Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, non sông đất nước ta".
Trung tướng NGUYỄN THANH TUẤN